Ai sống trên đời thời nay cũng đều cần tiền. Người nào bảo “tui không cần tiền” là người… đại dóc! Có tiền mua tiên không được (vì có ai biết tiên ở đâu mà mua!), nhưng mua gạo mua mắm, mua áo quần, xe cộ, nhà cửa, vui chơi – giải trí – du lịch v.v… nói chung là tất cả những thứ người ta bán, thì chắc chắn được.
Như vậy, tiền trước tiên là phương tiện trung gian để trao đổi giữa cung và cầu hàng hóa. Tiền cũng còn là phương tiện để cất trữ (để dành), là thước đo giá trị (định giá), là cơ sở để xác định mối quan hệ trao đổi hàng hóa quốc tế (tỉ giá), là phương tiện đầu tư (gửi tiết kiệm lấy lãi), vân vân và vân vân. Tôi không muốn nói nhiều về lý thuyết tiền tệ trong bài viết này, mà chỉ xin lạm bàn đến thái độ và cách ứng xử của chúng ta đối với tiền.
Thưở xa xưa, con người tranh giành, xâm lăng, đánh nhau chủ yếu là để lấy đất, lấy thêm diện tích canh tác nông nghiệp. Bây giờ, người ta lại tranh giành nhau để lấy thêm tiền, vì mọi thứ tài sản đều có thể quy đổi ra tiền. Đồng tiền có sức hấp dẫn ghê gớm với con người ngày nay; thậm chí người ta làm mọi điều, kể cả cực ác, cực độc, cực tàn nhẫn, bất cần đạo lý chỉ để có thêm tiền! Ngày xưa, giành đất đai, mở rộng lãnh thổ, kết quả sinh lợi cần phải chờ có thời gian (canh tác, thu hoạch) mới thấy được; còn bây giờ, xoay qua quay lại, tiền thấy liền nên ai cũng… ham!
Xét trên phương diện cá nhân, người ta cần tiền nhiều để làm gì? Để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, đương nhiên. Nhưng tôi lại hỏi tiếp: khi đã dư dả cho nhu cầu cá nhân, thậm chí dư sức để lại cho con cháu đời sau hưởng, người ta còn cần thêm tiền để làm gì nữa?
Tôi từng biết rất nhiều người giàu “nứt đố đổ vách”, tiền họ nhiều quá lắm rồi, nhưng vẫn tiếp tục lao vào việc kiếm tiền. Dường như với những người này, kiếm tiền là sự thúc bách, là lẽ sống, là để chứng minh cho sự thành đạt, là để được mọi người kính trọng? Chỉ có điều, tiền họ kiếm ra đa phần được sử dụng cho mục đích cá nhân. Thực ra, nói họ không đóng góp gì cho cộng đồng và xã hội thì không đúng, bởi ít nhất cũng phải đóng thuế. Nhưng nếu xét tỷ lệ giữa tiền họ sử dụng cho riêng mình với phần đóng góp cho cộng đồng thì “một trời một vực”. Tôi gọi đây là loại người đại tham lam, một loại cực đoan!
Tôi còn biết một số đại gia thuộc loại khác, họ cũng lao vào kiếm tiền một cách rất quyết liệt, kiếm được rất nhiều, nhưng lại sử dụng cho mình rất ít, đồng thời cũng đóng góp cho xã hội không nhiều. Những người này dường như lấy việc kiếm tiền làm thú vui, tiền kiếm được họ lại sử dụng tiếp vào những mục đích đầu tư khác, để kiếm thêm tiền nữa. Tôi gọi đây là nhóm người làm nghề… kiếm tiền! So với loại trên, loại người này có vẻ “good” hơn, nhưng cũng vẫn là loại người ích kỷ, một loại cực đoan khác.
Có lần tôi sang Malaysia, anh bạn đồng nghiệp người Singapore bảo tôi rằng công nhân Malay bản địa (da nâu) rất kỳ cục, họ không chịu làm thêm giờ khi công việc đòi hỏi phải tăng ca, dù được trả lương thêm giờ cao hơn lương bình thường. Lý do: làm bấy nhiêu đó đủ rồi, về nhà nghỉ khỏe, vui chơi với vợ con, bạn bè! Anh bạn tôi kết luận: Họ làm biếng quá ! Thoạt đầu, tôi cũng nghĩ như anh bạn nọ, nhưng về nhà ngẫm lại, dường như không hẳn vậy, họ không làm thêm giờ vì cuộc sống của họ không thiếu thốn, tiền lương bình thường họ nhận được cùng với các phúc lợi do chính phủ dành cho đã đảm bảo cho cuộc sống cá nhân và gia đình. Với họ như vậy là đủ! Nhưng nếu họ không làm thêm giờ thì công ty của họ sẽ gặp khó khăn, không thể phát triển, trong khi tiền lương trang trải cho cuộc sống của họ phần lớn nhận được từ công ty, phúc lợi từ chính phủ cũng đa phần là nhờ vào sự đóng góp từ doanh nghiệp. Tôi xếp nhóm người này vào loại kiếm tiền ích kỷ cộng thêm vô ơn. Họ vô ơn với chính công ty mà họ đang làm việc, lại là một loại cực đoan nữa.
Khoảng năm 1994, tôi có dịp về Trà Vinh, vùng Dừa Đỏ, quê hương của bà Ba Thi. Sáng sớm, tôi mời 4 anh chàng con cháu của người chủ nhà tôi ghé thăm đi uống café, gọi thêm 2 gói thuốc lá Sa Đéc (loại thuốc lá phổ biến ở miền Tây Nam bộ thời ấy). Khi tính tiền, người ta đòi 21 ngàn đồng, trong bụng tôi khá bất ngờ, vì 5 ly café thêm 2 gói thuốc mà chỉ có bấy nhiêu tiền thì quá rẻ! Nhưng điều làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên hơn là cả 4 đôi mắt của mấy anh chàng đi cùng đang chăm chăm nhìn vào tôi: “Sao ông trả chầu này nhiều tiền vậy?”. Lương của tôi khi đó khoảng 300 USD/tháng, không tệ lắm so với mức lương chung, 21 ngàn đồng thì bõ bèn gì mà mấy ông này cứ há hốc như vậy! Lát sau ra khỏi quán, anh chàng con ông chủ nhà nói với tôi: “Tụi em ở đây làm lúa mướn, một ngày chủ ruộng trả cho 5 ngàn đồng, bao cơm 2 bữa. Gặp lúc không ai thuê làm ruộng, một ngày 500 đồng kiếm còn không ra, nói gì 21 ngàn đồng anh trả chầu café này, hơn 4 ngày tiền tụi em làm công rồi còn gì”. Tôi bật ngửa! Những người này nghèo xơ xác. Nhưng trưa đến, họ mời tôi ăn cơm và nhậu lai rai, lại thêm một lần ngạc nhiên tột độ nữa: Bữa ăn có cơm (đương nhiên), món vịt, món cá, món mắm và thêm mấy lít rượu đế. Họ bảo tiền thì ở đây không có, nhưng gạo thóc, gà vịt, cá, mắm thì… vô tư, đều là cây nhà lá vườn, rượu họ cũng tự nấu luôn! Đây chính là môi trường tạo nên bản chất hào sảng phóng khoáng của người Nam bộ: không tiền cũng không sao vì không sợ đói. Nhưng điều này cũng là trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng Nam bộ: Tư tưởng không sợ đói khiến người dân vùng đất màu mỡ này không có động lực phải kiếm tiền bằng mọi giá; và do vậy họ lại được tôi xếp vào một nhóm khác – loại có động lực kiếm tiền kém, kìm hãm sự phát triển của xã hội và cả bản thân mình. Tôi có cảm giác mấy anh chàng loại này mà có cho họ việc làm thì rồi cũng sẽ lại giống như mấy ông Malaysia kia thôi! Cũng là một dạng cực đoan!
Có một anh bạn vài năm trước được thăng chức giám đốc một công ty vốn nhà nước cỡ lớn với hàng ngàn công nhân viên. Vài tháng sau đó gặp nhau, tôi hỏi thăm sức khỏe và tình hình công việc, anh nhăn nhó: “Ông coi tui nè, công việc tự nhiên nhiều lên ầm ầm so với hồi trước khi làm sếp, lo lắng đủ thứ, quần vợ mua cho trước đây giờ mặc vào cứ rộng thùng thình vì sụt cân ốm bớt! Làm nhiều hơn như vậy, mà ăn thì cũng chỉ ngày 3 bữa tốn có 50 ngàn đồng, có ăn hơn nữa được đâu!”. Tôi nghe anh than thở mà cứ tức cười: “Vậy thì ông xin từ chức đi!”. Nghe vậy anh ấy khựng lại rồi im re, đánh trống lảng sang chuyện khác. Tôi xếp trường hợp này vào loại bị bắt buộc kiếm tiền, bắt buộc phải làm ra tiền vì lợi ích bản thân và vì cuộc sống của gần 2.000 công nhân viên. Với “ca” này, tôi đặt câu hỏi: nếu không bị ở trong tình thế bắt buộc, anh bạn tôi sẽ kiếm được tiền đến mức độ nào? Và liệu anh ấy có thực sự hài lòng với tiêu chuẩn 3 bữa ăn/ngày, tương đương 50 ngàn đồng, cùng với vị trí công việc trước đây khi chưa phải là “sếp lớn”?
Tôi thành thật xin lỗi nếu những điều tôi nêu trên có đụng chạm đến ai đó, nhưng tôi dẫn những câu chuyện trên để đi đến một chủ đề khác: Cách sử dụng tiền theo kiểu Trung Dung hết sức hợp lý mà Đức Phật đã dạy.
Trong Trường bộ Kinh 31- Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Sigàlovàda sutta), đoạn kệ ngắn dưới đây là lời Đức Phật dạy cho một người tên Thi Ca La Việt (Singàlaka) đã bao hàm một triết lý kinh tế về sử dụng đồng tiền: Người tích trữ tài sản / Như cử chỉ con ong / Tài sản được chồng chất / Như ụ mối đùn cao / Người cư xử như vậy / Chất chứa các tài sản / Vừa đủ để lợi ích / Cho chính gia đình mình / Tài sản cần chia bốn / Ðể kết hợp bạn bè / Một phần mình an hưởng / Hai phần dành công việc / Phần tư, phần để dành / Phòng khó khăn hoạn nạn.
Tóm tắt đoạn kệ trên, Đức Phật dạy nên chia số tiền mình có được thành bốn phần, một phần dùng để chi tiêu cho cuộc sống cá nhân và gia đình, hai phần kế tiếp dùng để đầu tư sinh lợi, và phần còn lại hoặc để dành.
Theo tinh thần lời dạy này thì luôn phải có một phần tích lũy bằng 25% số tiền mình kiếm được để sử dụng đến khi cần thiết. Theo Phật giáo, chỉ cần 25% số tiền kiếm được, chúng ta vẫn có thể sống một cuộc sống tạm ổn. (ở đây tôi xin ghi chú thêm, rằng lời dạy này được áp dụng cho người trung lưu hoặc kiếm được nhiều tiền, chứ không phải cho những người có mức thu nhập thấp; bởi lẽ người thu nhập thấp thì tiền tiêu xài cho nhu cầu cá nhân và gia đình thiếu trước hụt sau, còn đâu mà tính đến những việc khác nữa).
“Hai phần dành công việc” như Đức Phật dạy, chính là dùng 50% thu nhập có được để tái đâu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Xét về mặt kinh tế, trong một quốc gia, nếu anh “nhà giàu” nào cũng dùng 50% tiền lãi mình kiếm được để tái đầu tư thì rõ ràng sẽ dẫn đến kết quả cực tốt cho toàn xã hội: tạo thêm công ăn việc làm, áp dụng công nghệ mới tạo điều kiện tăng năng suất lao động dẫn đến giá cả hàng hóa rẻ hơn, khi hàng hóa rẻ hơn thì sức mua cũng tăng lên hay nói khác đi là thu nhập – mức sống người dân cũng tăng lên, kèm theo đó là các khoản thu ngân sách dồi dào, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự cũng như phát triển các chính sách an sinh xã hội. Ý nghĩa phát triển xã hội và cộng đồng chính là ở đây, và có được vậy thì mới đúng nghĩa là dân giàu nước mạnh.
Xét theo quan điểm phân tích tài chính, nếu tỉ lệ khấu hao máy móc thiết bị trung bình tại Việt Nam khoảng 10 đến 15 năm; giả định giá trị doanh thu hàng năm bằng 10 lần giá trị máy móc thiết bị, và tỷ suât lợi nhuận trên doanh thu trung bình là 15%/năm, thì lãi ròng hàng năm bằng 1,5 lần giá trị máy móc thiết bị. Nếu áp dụng tỷ lệ 50% lãi ròng cho tái đầu tư hàng năm thì khi này số dùng cho tái đầu tư phải bằng với 75% giá trị máy móc thiết bị. Nhưng trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chủ yếu sử dụng nguồn vốn khấu hao cho tái đầu tư, theo tỷ lệ khấu hao nêu trên thì số vốn tái đầu tư chỉ bằng từ 2,9% đến 4,4% tổng lãi ròng hàng năm, quá ít! Đây chính là nguyên nhân của tình trạng sản xuất lạc hậu, năng suất kém của “người mình” so với “người ta” lâu nay.
“Phần tư, phần để dành; phòng khó khăn hoạn nạn” chính là để tích lũy, tiết kiệm. Gặp những lúc khó khăn, mùa màng thất bát, khủng hoảng kinh tế, thiên tai địch họa v.v…, số vốn tích lũy – tiết kiệm này sẽ được sử dụng để tái trang bị và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện ổn định, bình yên, số vốn tích lũy càng lớn thì càng có nhiều lựa chọn để sử dụng: đầu tư việc khác, hoặc thậm chí đem giúp đỡ người khác, để nó trở thành “cái phước”.
Tôi quay lại săm soi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2012, thấy mức dưới 20%, bề nổi có vẻ như mức tích lũy – tiết kiệm không cao. Tuy nhiên, chẳng ai biết được số tiết kiệm tích lũy trong dân dưới hình thức vàng – ngoại tệ – tiền mặt hay thậm chí cả đất đai và bất động sản là bao nhiêu, nên cũng chẳng thể kết luận chính xác tỷ lệ tích lũy của người mình là bao nhiêu. Nhưng tôi có thể suy ra thông qua tỷ lệ tái đầu tư và tiêu xài cá nhân, rằng tỷ lệ tích lũy của giới nhà giàu Việt Nam nhiều lắm. Tích lũy nhiều là tốt, nhưng tích lũy nhiều mà chẳng giúp ích gì cho xã hội, cộng đồng thì chỉ là sự thể hiện của lòng tham mà thôi.
Đức Phật thị hiện trên đời cách đây gần 2.600 năm, những điều kiện địa lý – kinh tế – xã hội, những quan điểm về văn hóa và nhu cầu, sự khác biệt về trình độ nhận thức và cơ sở vật chất kỹ thuật v.v… so với thời nay chênh lệch nhau một trời một vực. Do vậy, tỷ lệ phân chia thu nhập như lời Ngài dạy ngày xưa mang ra áp dụng trong điều kiện thời nay, hoặc áp dụng cho từng trường hợp cụ thể có thể không còn đúng nữa. Nhưng cốt lõi của lời dạy ấy là các mục đích sử dụng đồng tiền kiếm được thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thực tiễn và đạo đức. Ở trong đó, ta tìm thấy mục tiêu chi dùng chính đáng cho nhu cầu cá nhân hài hòa với sự phát triển của cộng đồng và xã hội; để rồi, theo mối tương quan nhân – quả, sự phát triển của cộng đồng và xã hội tạo điều kiện cho thu nhập của mọi người, trong đó có bản thân mình lại tăng lên. Ý nghĩa kinh tế học là vậy, và đạo đức cũng là vậy. Tôi trân quý tính đạo đức – trung dung của lý thuyết này, không hề có gì là cực đoan, cũng chẳng có gì là gò bó ép buộc. Áp dụng lý thuyết này, cũng chính là thể hiện lòng biết ơn: Mình sống trên đời, ăn hạt cơm, mặc tấm áo người khác làm ra thì đến lượt mình cũng phải góp công góp của vào để đền đáp lại. Không có cộng đồng, không có xã hội, không có tổ quốc, thì lấy đâu ra “đất” để mình “dụng võ”, vẫy vùng ?!
Tôi có nghe một vị thầy giảng về việc sở hữu đồng tiền cũng khá thú vị, đại ý: Tiền đâu phải của mình, nó là vật ngoài thân. Mình chỉ là vật trung gian, đứng giữa, nhận tiền từ người này rồi trao lại cho người khác, chứ có tiền nào là của mình đâu mà quanh năm suốt tháng cứ chạy lung tung theo nó giành giật để được cái gọi là “tiền của tôi”. Khi mở mắt chào đời, ai cũng nắm chặc hai bàn tay để chuẩn bị gom góp đủ thứ, đến khi rời khỏi cuộc đời, chẳng có tài sản tiền của gì mang theo được nên ai cũng… xuôi tay. Vì vậy, phải sống và cư xử làm sao, để khi mở mắt chào đời mình khóc “khổ quá khổ quá” ỏm tỏi mà người ta thì cười; còn khi ra đi mình thì thanh thản mỉm miệng cười mà người ta thì khóc…
Thú thật, hiện giờ tôi không biết chắc tôi sẽ mỉm miệng cười và sẽ có người nào khóc cho tôi sau này hay không, vì thật sự mà nói, tôi vẫn còn phàm tục thấu trời. Hỡi ơi…
PHẠM THANH TUYỀN – Phó tổng giám đốc Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam
Nguồn: Doanhnhansaigon.com