Tài sản, tiêu sản và 3 ống heo của “Rich Dad-Poor Dad”

Trước khi bắt tay vào công việc “quản lý tiền”, tôi muốn nhắc lại một số quan niệm cơ bản ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu và cách thức quản lý tiền bạc của bạn. Đó là các khái niệm về tài sản, tiêu sản và triết lý 3 ống heo giữ tiền mà Robert Kiyosaki đã đề cập trong loạt sách “Rich Dad – Poor Dad” (đã được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề “Dạy con làm giàu”).

Đồ thị bên cạnh mô tả dòng tiền của bạn. Bạn dùng nguồn thu nhập để trang trải cho các khoản phi phí của mình. Lượng tiền còn dư lại (nếu có), bạn sẽ làm gì? Mua tài sản hay tiêu sản?
quan ly dong tien ca nhan
  • Tài sản: là những thứ sẽ làm tăng cột thu nhập của bạn. Ví dụ như các chứng khoán sinh lãi, các bất động sản cho thuê, các hàng hoá kinh doanh có lời.
  • Tiêu sản: là những thứ chỉ làm tăng cột chi phí cho bạn. Ví dụ như các khoản vay nợ tín dụng để tiêu sài, các thiết bị tiêu tốn năng lượng chỉ nhằm mục đích giải trí như xe hơi, điện thoại di động đắt tiền, thẻ hội viên câu lạc bộ golf…
Như vậy, khi bạn dùng khoản tiền dôi ra của mình để mua tài sản, tài sản đó sẽ mang thêm thu nhập cho bạn -> bạn trở nên giàu có hơn. Còn khi bạn dùng khoản tiền dôi ra của mình để mua tiêu sản, bạn sẽ chỉ làm phát sinh thêm các chi phí cho mình -> tài chính của bạn sẽ bị eo hẹp hơn. Vì vậy, nếu như bạn muốn nhanh chóng đạt đến sự tự do tài chính, hãy luôn ghi nhớ điều này khi quản lý tiền của bạn: “Hãy mua thật nhiều tài sản, đừng mua tiêu sản!”
Không nói ra, chắc bạn cũng thấy trước kết quả của lời khuyên này cũng giống như lời khuyên “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ!”. Biết hút thuốc là có hại, nhưng ta vẫn không bỏ được. Biết mua tiêu sản là không tốt cho sức khoẻ tài chính, nhưng ta vẫn cứ thích mua. Theo Linye, Bạn cũng không cần quá khắt khe với bản thân để rồi bỏ qua toàn bộ những thứ “quyến rũ” khác trong cuộc sống. Bạn chỉ đừng nên quá say mê tiêu sản mà bỏ quên đi nhiệm vụ xây dựng cột tài sản của mình. Bạn có thể có tiêu sản, nhưng trước hết, hãy tạo ra tài sản và dùng thu nhập từ tài sản đó để mua tiêu sản bạn thích. Đây chính là phần thưởng mà bạn xứng đáng được nhận sau những nỗ lực xây dựng cột tài sản của bạn.
Để có thể kiểm soát tốt dòng tiền, giúp bạn phân bổ, cân đối hợp lý thu nhập cho các khoản chi tiêu sinh hoạt, đầu tư hiện tại, không bị quá sa đà về 1 thái cực nào đó làm hỏng đi ý nghĩa của cuộc sống tươi đẹp này, Robert Kiyosaki đã giới thiệu mô hình 3 ống heo giữ tiền để phân chia ngân sách tài chính của bạn thành 3 phần cho 3 mục đich khác nhau trong cuộc sống. Đó là chú heo sinh hoạt, heo đầu tư và heo từ thiện đại diện cho 3 nguồn ngân sách sinh hoạt, ngân sách đầu tư và ngân sách từ thiện của bạn. Ý nghĩa của mô hình này là khi phát sinh thu nhập, bạn nên chia khoản thu nhập này thành 3 phần để nộp vào 3 ống heo nói trên. Tỷ trọng phân bổ cho từng ngân sách là tuỳ thuộc vào tình hình tài chính hiện tại và mục tiêu tài chính tương lai của mỗi cá nhân.
Ngân sách sinh hoạt là khoản tiền dùng cho các mục đích chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân, gia đình, kể cả các việc mua các tiêu sản. Ngân sách đầu tư là khoản tiền dùng đầu tư vào các tài sản sinh lợi nhằm mục tiêu gia tăng thu nhập trong tương lai. Ngân sách từ thiện là khoản tiền bạn dùng để làm từ thiện. Dẫu biết kiếm tiền thật vất vả, nhưng hãy nghĩ là mình vẫn còn may mắn hơn nhiều số phận bất hạnh trong đời là vẫn còn có thể vất vả để kiếm tiền và kiếm được tiền. Hãy dành một phần thu nhập để đáp lại sự may mắn đó và góp phần giúp đời tươi đẹp hơn.
Có lẽ đến đây, bạn đã có thể hình dung được mô hình quản lý tiền cho bản thân mình rồi. Chia nguồn thu nhập của mình thành 3 phần. Một phần dành cho chi tiêu, hưởng thụ cuộc sống hiện tại, một phần dành cho đầu tư, mua sắm các tài sản nhằm tạo thêm thu nhập trong tương lai và một phần còn lại để “lại quả” cho đời. Có thể bạn dùng nhiều loại phần mềm, công cụ quản lý khác nhau để kiểm soát dòng tiền, nhưng triết lý quản lý chỉ có một để giúp bạn phát triển bền vững.
Từ Linye
Nguồn: qunlytien.blogspot.com