Bạn đang bận đến nỗi không biết mình đang làm gì?

Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn còn “sống” chăng? Bạn đang làm gì với thời gian còn lại của mình? Bạn cứ lao vào cuộc sống mà không biết liệu mình có đi đúng hướng?

Có một câu nói rất nổi tiếng của Benjamin Franklin: Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điều đến 75 tuổi mới được chôn mà thôi. Điều này thật đau lòng.

Chúng ta vẫn đang đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe, hạnh phúc, thời gian bên người thân yêu lấy cái gọi là công việc, sự nghiệp, địa vị và tiền bạc để rồi khi về già hoặc khi ốm đau bệnh tật thì công việc, sự nghiệp mất, sức khỏe suy sụp và sẵn sàng trả giá cao để “mua lại” sức khỏe, còn tuổi trẻ chắc chắn đã một đi không trở lại.

Chúng ta từ khi học mẫu giáo đã phải học thêm, học nếm, học đọc, học viết, học chuẩn bị trước khi bước vào lớp một, cứ như vậy cả cuộc đời niên thiếu cho đến tận khi tốt nghiệp đại học phải đóng vai những con lừa còng lưng cõng sách vở trên vai, “chữ nghĩa kiểu thầy cô” trong đầu.

bai-hoc-cuoc-song-1

Tốt nghiệp đại học xong, những người được “xã hội” cho là may mắn, kiếm được việc làm ngay, bước vào cuộc sống thực tế với cơm áo, gạo tiền, làm việc từ sáng đến tối, 8h/ngày, 6 ngày/tuần. Cứ vậy cày cuốc, lo mua nhà mua cửa, mua xe, lấy vợ sinh con đẻ cái, lo sữa, bỉm, tã lót cho con, lo xin cho con đi nhà trẻ, chạy trường, chạy lớp, lo cho con thi cấp 2, cấp 3, đại học, lo xin việc cho con, rồi lo dựng vợ gả chồng, cứ vậy lo cho đến lúc chết. Một cuộc đời hoàn toàn lo âu và toan tính. Đến khi về già chép miệng thở ra: “Âu cũng là một kiếp nợ đồng lần”.

Đừng tiếp tục sống như vậy kẻo rồi để đến khi về già có kinh nghiệm có thời gian ngẫm ra thì đã muộn. Bạn bận rộn vì kiếm tiền, vì theo đuổi vật chất. Tận hưởng cuộc sống là khái niệm tinh thần. Đó là cảm nhận, là nhu cầu tinh thần. Bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống theo cách của họ, ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào.

Bạn nghĩ cứ bận rộn cả đời là cách tốt để mang lại hạnh phúc cho gia đình mình, cho những đứa con, cho những người thân yêu? Không đời nào. Bận rộn mù quáng nghĩa là la bàn cuộc đời bạn đã hỏng, nó làm bạn lạc lối đi sai đường.

bai-hoc-cuoc-song1

Đừng chỉ vì bước đi quá vội vã mà chúng ta bỏ qua những món quà giản dị trong cuộc sống. Tại sao các nhạc sỹ lại cảm nhận được nốt nhạc trong cuộc sống, tại sao nhà thơ lại có thể rung động trước một nhành hoa? Có thể họ được ông trời thiên phú cho một số tài năng, cảm nhận bẩm sinh nhưng có một điều chắc chắn họ hơn ta trong thực tế là họ đã dừng lại, đóng băng khoảnh khắc đó, cảm nhận, nâng niu, sung sướng, hạnh phúc rồi tìm những ca từ, nốt nhạc, chắt chiu,chọn lọc, chậm rãi để biến những rung động, cảm nhận cá nhân đó thành những khuông nhạc hay áng thơ.

Ngay bây giờ, bạn có thể tự cho phép bản thân mình thư giãn, nằm trên một đồng cỏ xanh, hay nhâm nhi cà phê góc phố ngắm người qua lại, hay thả hồn trong những trang sách trong góc phòng tĩnh lặng.

Sau những lần đó bạn sẽ có được những bài học cuộc sống tìm ra cách chinh phục những đỉnh cao chinh phục chính bản thân bởi vì kẻ thù lớn nhất của đời người chính là bản thân bạn.

Hãy làm tận sức, sống tận hưởng và luôn luôn nỗ lực hết mình!

Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát

Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,

Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn

Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.

Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa!

Mr.Why Phạm Ngọc Anh