4 bài học khắc cốt ghi tâm mà “tân quản lý” nào cũng phải biết nếu muốn sự nghiệp thăng tiến

Sau rất nhiều năm cố gắng làm việc và chăm chỉ tích lũy kiến thức, thành quả là bạn được đề bạt lên chức quản lý. Xét trên khía cạnh chuyên môn, phải thừa nhận bạn là người có năng lực, nhưng xét trên khía cạnh quản lý thì bạn mới chỉ là “tân binh” và còn rất nhiều điều cần phải học hỏi. Dưới đây là 4 kĩ năng cần thiết mà một “tân quản lý” nhất định phải biết.

1. Không can thiệp QUÁ SÂU vào công việc chuyên môn của nhân viên

Khi đã tin tưởng và giao việc cho nhân viên thì hãy hạn chế can thiệp quá sâu vào chuyên môn của họ.

Bởi sự tin tưởng là yếu tố hàng đầu để nhà quản lý có thể dễ dàng quan sát và nắm bắt được về khối lượng công việc mà từng nhân viên hiện đang nắm giữ. Công việc của bạn bây giờ chủ yếu sẽ  nắm cái tổng quan, đề ra định hướng và dùng chuyên môn của mình để đề xuất ra những giải pháp tốt nhất cho công việc, chứ không còn phải là dùng cái chuyên môn đó để đi “cầm tay chỉ việc” cho từng người, soi mói từng ngóc ngách. Can thiệp quá sâu vào công việc của từng nhân viên khiến họ cảm thấy “ngộp thở”, đánh cắp thoải mái và giết chết sáng tạo vốn có.

Thay vào đó, hãy tạo cho nhân viên của mình những khoảng trống, hãy cứ để họ thật thoải mái với công việc được giao. Thông qua mỗi lần nghiệm thu chất lượng công việc của họ, bạn sẽ có được một cái nhìn khách quan hơn, đánh giá được đúng năng lực của từng nhân viên từ đó đề ra được khung việc cụ thể cho họ thực hiện.

Điều này sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc bạn cứ chăm chăm can thiệp vào công việc của nhân viên. Đây cũng là điểm yếu khá lớn mà những “tân” lãnh đạo cần khắc phục để tránh tình trạng không đáng có xảy ra nhằm đảm bảo tiến độ công việc luôn được đảm bảo và hoàn thành một cách tốt nhất.       

2. TẠO ĐỘNG LỰC rất quan trọng, nhưng… biết rồi – khổ lắm – nói mãi mấy ai làm được điều này đâu?

Bạn có đồng ý với tôi rằng, việc tạo động lực cho nhân viên của mình có một vai trò cực kì quan trọng với một nhà quản lý không?

Một so sánh nhỏ để bạn có thể kiểm chứng rõ nét nhận định đó:

Với một nhà quản lý biết tạo động lực cho nhân viên, họ sẽ luôn là người đứng đằng sau quan sát công việc mà nhân viên của mình đang thực hiện. Nếu gặp phải khó khăn, bằng kĩ năng và nghiệp vụ của mình nhà quản lý sẽ có những hành động khích lệ cụ thể (đưa ra lời động viên, tăng mức thưởng khi hoàn thành công việc hoặc cảm ơn nhân viên bằng một bữa ăn thật thịnh soạn ở đâu đó…). Nhỏ thôi nhưng nhân viên cũng sẽ thấy được sự quan tâm và tấm lòng của bạn, thấy được việc bạn đang làm là để kéo tinh thần của cả đội lên.

Chắc hẳn, khi bạn làm được những điều đó, dù cho trong công việc có trắc trở đến mấy thì bạn sẽ chính là nguồn lực đầu tiên để nhân viên nghĩ tới mà sẽ luôn phấn đấu vì mình, và vì chính công ty.

Ngược lại, với một nhà quản lý chỉ chăm chăm biết đến công việc của mình, thay vì cố tạo động lực thì họ lại luôn tìm lỗi để trách móc, luôn không hài lòng với nhân viên dù cho công việc đó họ đã cố gắng hết sức.

Một người quản lý mà “cả đời” không biết nói câu cảm ơn, không biết ghi nhận công sức của cấp dưới thì người quản lý đó cũng sẽ không thể hòa đồng và “giữ chức” lâu được. Quan trọng hơn, nhóm người mà họ quản lý đi làm chỉ vì nghĩa vụ chứ tuyệt nhiên không có một chút tinh thần làm việc và đam mê nào.

3. Đừng “tỉ mỉ đến phát mệt” trong công việc

Hãy thử đặt mình vào vị trí của một nhân viên, khi bạn bị kiểm soát công việc một cách quá chặt, tỉ mỉ đến từng chi tiết thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Rõ ràng, điều gì quá thì chưa bao giờ tốt cả, nhất là trong công việc. Quản lý không phải là người đi “chấm chính tả”, bắt lỗi nhân viên từ những điều nhỏ nhặt nhất, bắt nhân viên phải tìm ra hướng để thay đổi từng lỗi nhỏ đó.

Đa phần những “tân” quản lý mới lên tiếp quản vị trí điều hành sẽ rất hay mắc phải sai lầm này, một phần là do họ chưa có kinh nghiệm lãnh đạo thực tế, một phần là do bản thân họ luôn nghĩ làm vậy sẽ là tốt cho cả nhân viên với cho cả công việc hiện tại của mình. Nhưng họ đâu biết, điều họ cho là tốt ấy không những không mang lại sự hứng khởi cho nhân viên mà ngược lại chỉ khiến nhân viên luôn ở trong trạng thái ức chế mà thôi.

4. Học cách “cân bằng” các mối quan hệ

Đây là giai đoạn chuyển giao, bạn vừa mới được đề bạt lên làm quản lý, bạn muốn chứng tỏ bản thân cho đồng nghiệp và cấp trên là họ đã thực sự đúng đắn khi đề bạt bạn lên vị trí quản lý ấy. Và thế là bạn dồn hết công sức của mình, thời gian của mình dành cho công việc bạn mà bỏ quên gia đình, người thân và các mối quan hệ. Bạn nghĩ chỉ cần cố gắng hơn nữa là đủ, nhưng biết đến khi nào là thực sự đủ và khi đã đủ để nghỉ ngơi một chút, chẳng còn ai bên cạnh bạn cả.

Vì vậy, với những nhà quản lý mới, hãy học cách cân bằng các mối quan hệ cả ở công ty, bạn bè và những người thân yêu của mình.

Trong đó, mối quan hệ với nhân viên của bạn thực sự cần được chú ý. Bởi lẽ công việc của bạn có thành công hay không 50% sức mạnh phụ thuộc vào “những người lính” của bạn, vậy nên hãy để nhân viên của mình luôn thoải mái nhất.

Khó khăn của một nhà quản lý mới là chưa có kinh nghiệm điều hành, dẫn đến phân chia công việc chưa hiệu quả. Nhưng dù có thế nào, hãy cân nhắc khi phân chia khối lượng việc, đừng để nhân viên quá tải, đừng khiến họ khi về nhà rồi nhưng vẫn phải lo lắng về công việc,  đừng biến “deadline” thành nỗi ám ảnh của họ.

Điều tưởng chừng như giản đơn ấy nhưng lại là chìa khóa mở rộng cánh cửa thành công của bạn. Vì vậy, ngoài việc trau dồi những kiến thức chuyên môn thì các “tân quản lý” hãy tập thói quen cân bằng ngay từ bây giờ nhé.

Mr.Why – Phạm Ngọc Anh