“Hãy sống sao để ngay cả khi đã chết, người chủ trì tang lễ cũng cảm thấy tiếc thương ta”.
“Khi bạn bè bạn bắt đầu tán dương bạn thật là trẻ trung, thì đó là dấu hiệu chắc chắn nhất về việc bạn sắp già rồi”.
Đó là những câu triết lý đầy hóm hỉnh của Mark Twain, nhà văn Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm như Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Dưới đây là những lời khuyên của Mark Twain dành cho bạn để có một cuộc sống tích cực.
1. Đồng thuận với chính mình
“Người ta không thể thoải mái nếu không đồng ý với chính mình”.
Nếu không thể đồng thuận với những quyết định của bản thân, của những hành vi, cách ứng xử của mình, có lẽ, suốt ngày bạn cảm thấy lấn cấn, khó chịu. Tuy nhiên, nếu thông suốt với những vấn đề này, bạn sẽ được sống trong cảm giác thoải mái, có được sự tự do từ bên trong để làm bất cứ những điều bạn muốn.
Sự bất đồng với chình mình, ở một khía cạnh liên quan, cũng là trở lực lớn trong sự phát triển con người cá nhân. Bạn có thể có rất nhiều phương tiện phù hợp để phát triển, nhưng lại luôn có một cảm giác trì trệ kéo lại bên trong. Do đó, bạn sẽ chẳng tiến đi đâu được.
Tất cả những gì bạn phải vượt qua ở đây chính là những rào cản thành công. Bạn đang đặt ra những rào cản trong chính tâm trí về những vấn đề bạn có thể phải chấp nhận, hoặc có thể không đáng phải chấp nhận. Cũng có khi, những rào cản này sẽ nói với bạn về những gì bạn có thể. Chúng sẽ bảo rằng, bạn không phải là một kiểu người nào đó, nhưng điều này, rất có thể, lại là điều bạn đang nỗ lực hướng tới.
Cũng có khi, bạn đang hành động theo một hướng nào đó, nhưng rồi lại bắt đầu có những suy nghĩ tự làm nhụt chí mình. Vì thế, điều quan trọng là bạn cần tạo cho mình sự đồng thuận với bản thân về việc mình muốn trở thành người như thế nào. Đừng tìm kiếm sự đồng thuận nơi người khác, hãy chỉ tìm ở bạn mà thôi. Hãy loại bỏ những cái ba-ri-e trong chính mình và cả xu hướng tự hạ thấp cá nhân. Đây rõ ràng là điều không đơn giản và cần phải có thời gian.
2. Những hạn chế chỉ tồn tại trong tâm trí bạn
“Tuổi tác chỉ là vấn đề của đầu óc. Nếu bạn không để tâm, nó chẳng có ý nghĩa gì cả”.
Có quá nhiều những hạn chế hầu như chỉ tồn tại trong đầu óc chúng ta mà thôi. Đôi khi, ta thường nghĩ rằng, người khác có thể không chấp nhận chỉ vì ta quá cao, quá già hay quá… hói. Nhưng tất cả những điều này chỉ trở thành “vấn đề” khi chính bạn cho rằng chúng thực sự là “vấn đề”. Vì khi đó, bạn trở nên tự ti và lo lắng vì những điều người khác nghĩ về mình.
Mọi người thường nghĩ vậy và thường có những phản ứng thiếu tích cực. Có thể, bạn nhầm tưởng rằng, bất cứ cử chỉ, hành động nào của người khác với bạn cũng đều tiêu cực, chỉ bởi bạn đang quá e ngại về phản ứng tồi tệ của người khác và quá tập trung vào bản thân.
Tuy nhiên, nếu bạn không quan tâm tới điều đó quá mức thì người khác cũng sẽ hành xử theo cách tương tự vậy. Nếu bạn không để tâm tới việc người khác nghĩ thế nào về mình thì sẽ không để cái “tôi” quá lớn trong bạn trở thành lực cản.
Người ta vẫn nói, chẳng bao giờ là quá muộn để làm những điều bạn muốn.
3. Hãy luôn lạc quan và vui vẻ
“Hài hước là món quà tuyệt vời nhất Thượng đế dành cho con người”.
Sự hài hước và tiếng cười là những phương tiện thật kỳ diệu. Chúng có thể xoay chuyển một tình huống nghiêm trọng thành điều gì đó có thể khiến người ta phá lên cười được. Chúng có thể làm bừng sáng tâm trạng ai đó vào bất cứ lúc nào.
Giữ một tâm trạng tươi vui sẽ là môi trường tốt nhất để làm việc, vì giờ đây, cả cơ thể và tâm trí bạn đều không bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực. Khi bạn thư thái và thoải mái, bạn sẽ dễ tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình hơn, và cũng dễ đạt được kết quả mong muốn hơn.
4. Tránh xa mọi điều tức giận
“Giận dữ là một thứ axít làm hại tới bình chứa nó hơn là vật mà bị nó dội lên”.
Giận dữ rõ ràng luôn là một cảm xúc tiêu cực. Nó sẽ khiến mọi việc trở nên khó kiểm soát. Và theo một quan điểm khá riêng của nhà văn Mark Twain, nó gây hại cho người ôm chứa nó hơn là với những người là đối tượng của sự giận dữ.
Vì thế, khi bạn cảm thấy giận dữ ai đó trong suốt nhiều ngày trời, đến một lúc, bạn cũng sẽ nhận ra, cảm xúc đó cũng đã và đang gặm nhấm con người bạn, làm bạn đau khổ. Đôi khi, đối tượng bị bạn giận cũng không hề biết bạn giận dữ với họ. Vì thế, hoặc là bạn hãy nói chuyện thẳng thắn, hoặc phải phải giải quyết ngay mâu thuẫn, hoặc tốt hơn hết, bạn hãy vứt bỏ sự giận dữ đó như một cách để cuộc sống của bạn dễ thở hơn.
5. Đừng chờ đợi sự hưởng thụ
“Đừng chỉ chạy quanh và nói rằng thế giới này đang nợ bạn một cuộc sống. Thế giới chẳng nợ bạn gì cả”.
Khi còn nhỏ, bạn được cha mẹ lo lắng cho rất nhiều thứ. Do đó, ngay cả khi đã trưởng thành, bạn vẫn nghĩ, mình có quyền được hưởng thụ sự “cho” này. Bạn thường có cảm giác như, thế giới này phải cho bạn điều bạn muốn, hoặc giả, nó còn “nợ” bạn điều gì đó.
Niềm tin này gây ra khá nhiều bực bội và giận dữ với bạn trong cuộc đời. Bởi lẽ, thế giới này sẽ chẳng cho bạn những gì bạn muốn. Nói cách khác, mọi thứ không tự nhiên mà có. Bạn sẽ nhận ra, mình phải tự định đoạt cuộc sống của mình và phải làm việc, phải lao động để có được những gì mình muốn. Bạn không còn là một đứa trẻ nữa, đừng chờ đợi cha mẹ hay thế giới này đem lại những điều đó.
Bạn đang ngồi trên ghế của người cầm vô lăng. Bạn có thể đi tới bất cứ nơi nào bạn muốn.
6. Nếu bạn chọn một lối đi khác, hãy chuẩn bị đối mặt với những phản ứng
“Người có ý tưởng mới chỉ là một tên hề cho tới khi ý tưởng đó thành công”.
Có lẽ, câu nói này phần nào sẽ là nguồn tự động viên rất quan trọng với những ai thích nghĩ ra những ý tưởng mới trong đời sống.
Nếu bạn muốn thay đổi, hay muốn làm điều gì đó khác với cách thông thường người ta vẫn làm, bạn sẽ phải đối mặt với những phản ứng khác nhau. Có người chia sẻ niềm vui với bạn. Người thì không tán đồng với bạn. Số khác có thể tỏ ra băn khoăn, thiếu tin tưởng, hoặc phản đối thẳng thừng với bạn.
Tất cả những phản ứng như thế phần nhiều không phải vì quan điểm của họ đối với bạn, mà thực ra là phản ứng của họ với chính bản thân và cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ biết được người khác nghĩ gì về bản thân họ thông qua ngôn ngữ họ dùng và cách đánh giá mọi việc của họ.
Và như thế, cũng có nghĩa, họ sẽ không phản ứng với bạn tiêu cực tới mức như bạn có thể nghĩ. Hoặc giả, họ sẽ sớm quay trở lại với những khó khăn của bản thân mình mà thôi.
Thế nên, những gì người khác nói, hay nghĩ thường khiến bạn chùn bước có thể chỉ là tưởng tượng của bạn, cái chính vẫn là những rào cản do chính bạn xây nên trong tâm trí mình.
Và bạn sẽ thấy, khi bạn đã có thể vượt qua những rào cản trong chính mình thì những người xung quanh cũng sẽ không còn trở thành mối quan tâm quá lớn với bạn nữa.
7. Giữ vững mục tiêu về những điều mong muốn
“Hãy kéo tâm trí bạn thoát khỏi những rắc rối… bằng hai tai, bằng đôi gót chân, hoặc bằng bất cứ cách nào có thể giúp bạn làm được điều đó”.
Những điều bạn dồn tâm sức chú ý sẽ quyết định rất lớn tới việc bạn hành động ra sao. Bạn có thể chú tâm vào những rắc rối của mình và đào xới mãi cảm giác đau khổ của một nạn nhân. Tuy nhiên, bạn cũng lại có thể chỉ tập trung chú ý vào những tình huống tích cực. Bạn có thể học hỏi từ tình huống đó và chỉ tập trung tâm trí vào nó mà thôi.
Việc cứ loay hoay đánh vật với những rắc rối và lặn ngụp mãi trong biển cảm xúc tiêu cực là điều có thể rất bình thường với nhiều người. Nhưng đó là một lựa chọn. Và một thói quen suy nghĩ. Bạn có thể thay đổi điều đó một cách linh hoạt. Thay vì chú tâm vào những rắc rối tiêu cực, bạn hãy dành thời gian để tâm trí mình nghĩ về những điều hữu ích hơn. Bạn có thể tự xây dựng cho mình thói quen học hỏi và kiểm soát tốt hơn những lĩnh vực và vấn đề cần tập trung trong cuộc sống.
8. Đừng chỉ nghĩ đến mình
“Cách tốt nhất để tự cổ vũ mình là bạn hãy cổ vũ những người khác”.
Nghe thì có vẻ hơi ngược đời một chút, nhưng sự thật, một trong những cách tốt nhất để bạn thấy hài lòng về mình là hãy làm cho người khác dễ chịu về họ và giúp đỡ họ theo một cách nào đó.
Đây quả là cách thật tuyệt vời để quan sát mọi việc và để thiết lập một tầng tháp lạc quan theo vòng xoáy trôn ốc và trao đổi giá trị giữa mọi người. Bạn giúp người khác và cả hai cùng cảm thấy vui vẻ. Người được bạn giúp đỡ cũng sẽ có mong muốn được giúp lại bạn sau đó vì người ta luôn có xu hướng muốn đền đáp. Và thế là, cả hai đều cảm thấy vui và muốn giúp đỡ lẫn nhau.
Tất cả những cảm xúc tích cực đó là quà tặng vô cùng quý giá với những người khác và chắc chắn, cũng sẽ làm bạn cảm thấy vui hơn. Ngược lại, sự giúp đỡ của người khác cũng sẽ làm bạn thấy hứng khởi hơn và lại có hứng thú muốn đi giúp đỡ người khác. Thế là, vòng xoáy trôn ốc sẽ liên tục phát triển.
9. Hãy làm những gì bạn muốn
“Trong hai mươi năm nữa, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hối tiếc về những việc bạn chưa làm hơn là những việc bạn đã làm. Thế nên, hãy tháo sợi dây neo, hãy dong thuyền khỏi những hải cảng an toàn. Hãy đón những luồng gió nóng trên con thuyền của bạn. Hãy khám phá. Mơ ước. Và phát hiện”.
Đó quả là một lời khuyên thật chí lý. Chúng ta chẳng còn biết nói thêm gì sau lời khuyên ấy nữa. À không, có lẽ, bạn nên chép nó ra giấy và dán nó vào một vị trí nào đó nhắc nhớ bạn hàng ngày, như trên cửa tủ lạnh hay cửa phòng tắm chẳng hạn. Để bạn luôn nghĩ về những điều bạn có thể và thực sự cần làm trong cuộc sống của mình.
Đỗ Dương (Theo Positivityblog)
Nguồn: timtrongkhobau