Đến bây giờ, sau gần 5 năm khởi nghiệp, công ty của tôi vẫn phát triển tốt và đặc biệt tỷ suất lợi nhuận ròng cao hơn nhiều so với những công ty tương đương. Khủng hoảng giúp tôi bớt đi những đối thủ cạnh tranh.
Tôi là một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh. Cha mẹ tôi đều là công chức nhà nước. Tôi được giáo dục từ nhỏ là phải cố gắng học hành đến nơi đến chốn như truyền thống gia đình.
Mặc dù không có cơ hội tiếp xúc với môi trường kinh doanh, những doanh nhân thành đạt nhưng tôi vẫn rất ngưỡng mộ những nhân vật tự khởi nghiệp thành công và mong muốn sẽ được thành công như họ khi tôi trưởng thành. Những quyển sách nói về gương khởi nghiệp thành công luôn làm cho tôi quan tâm sâu sắc.
Năm 2003 tôi may mắn nhận được học bổng du học châu Âu. Thời gian đầu ở đất khách quê người vô cùng khó khăn vì trình độ ngoại ngữ của tôi còn hạn chế. Hơn nữa, người châu Âu ít cởi mở, kể cả những người trẻ, làm cho tôi rất khó kết bạn với họ.
Tôi tìm mọi cách để khắc phục những khó khăn trên. Tôi bỏ thời gian và tiền bạc để học ngôn ngữ bản xứ cho thật giỏi. Tôi có thể tiếc 30 euro khi mua một cái áo, nhưng có thể dễ dàng bỏ ra vài nghìn euro để học một lớp ngôn ngữ nâng cao. Tôi đọc báo, xem TV, lên mạng bất cứ khi nào có thời gian. Nhờ đó chỉ trong vòng 1 năm, ngôn ngữ của tôi đã có tiến bộ vượt bậc.
Khi ngôn ngữ tốt lên là lúc tôi bắt đầu có thêm bạn mới là những người bản xứ. Tôi giao tiếp với họ thoải mái và tự nhiên. Và từ những quan hệ như vậy tôi đã có được cho mình những đối tác tuyệt vời để khởi nghiệp.
Trong quan niệm của tôi, các bạn trẻ chúng ta khởi nghiệp phần lớn thất bại là do chưa trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng mềm và quá ít kinh nghiệm sống. Người trẻ có nhiều năng lượng và nhiệt huyết, nhưng nếu chỉ có vậy thì không đủ. Hiểu được điều đó, tôi không vội vàng trong bất kì ý tưởng khởi nghiệp nào, dù hiểu rằng cơ hội lớn có thể trôi qua.
Ví dụ năm 2007 có một anh bạn chia sẻ với tôi về một hệ thống giao dịch chứng khoán và mong muốn cùng làm việc với tôi vì tôi có thể góp vốn. Tôi đã từ chối vì nhận xét rằng một hệ thống như vậy tiềm ẩn rủi ro cao. Anh bạn này đã quay sang hợp tác với người khác và đạt được rất nhiều thành công.
Tôi không tiếc những cơ hội như vậy vì hiểu rằng khi sẵn sàng hơn thì sẽ có những cơ hội khác. Và chỉ 1 năm sau, tôi hợp tác với một người bạn khác trong một dự án IT. Những kiến thức và quan hệ của anh ta và của tôi giúp cho chúng tôi thực hiện từng bước dự án một cách chắc chắn và tối ưu.
Chúng tôi đặt trụ sở công ty ở một đất nước ưu đãi về thuế cho IT. Chúng tôi outsource (thuê ngoài) những công việc giá trị gia tăng thấp ở những đất nước có nhân công rẻ nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước Đông Âu.
Đến bây giờ, sau gần 5 năm khởi nghiệp, công ty của tôi vẫn phát triển tốt và đặc biệt tỉ suất lợi nhuận ròng cao hơn nhiều so với những công ty tương đương. Thời điểm hiện tại tôi không cảm thấy khủng hoảng, ngược lại, khủng hoảng chỉ giúp tôi bớt đi những đối thủ cạnh tranh.
Dù đây chỉ là thành công đầu và như ông bà ta nói “đường dài mới biết ngựa hay”, tôi vẫn tự hào về những gì tạo ra được cho bản thân mình. Hơn nữa, khác với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công, tôi không hề bị cuốn vào công việc. Tôi có nhiều thời gian rảnh để có thể tận hưởng hầu hết những thú vui cá nhân của mình và ở bên cạnh những người tôi yêu quý.
Tôi quan niệm nếu bạn làm ra nhiều tiền nhưng bạn không có thời gian để tận hưởng cho đến khi tuổi trẻ của bạn trôi qua thì thật là vô ích.
Tôi chia sẻ trải nghiệm của mình để khuyến khích các bạn có ý định khởi nghiệp hãy thực hiện kế hoạch của mình để trở thành ông chủ. Nhưng các bạn phải tiến hành một cách thông minh. Các bạn không cần phải vội vàng, đừng nghĩ cơ hội chỉ đến một vài lần, phải nhanh tay nắm bắt.
Cơ hội là do mình tạo ra, lớn hay nhỏ đều do mình quyết định. Hãy trau dồi kiến thức, kĩ năng thật nhiều. Học hỏi và trân trọng những người thành công xung quanh bạn, đừng bao giờ ghen tỵ với họ.
Nguyễn Duy Anh
Nguồn: vnexpress.net