Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

Từ bé cho tới lớn, ắt hẳn ai cũng được nghe câu: “Cần phải tiết kiệm!” từ bố mẹ, ông bà, họ hàng thân thiết. Nhưng khi hỏi tới lý do thì lại chỉ nhận được câu trả lời chung chung như là:

– Tiết kiệm để sau này đỡ khổ

– Cứ để đó biết đâu sau này có chuyện gì lại cần

– Nhét tiền vào lợn ấy bao giờ được nhiều nhiều thì đập ra

Ở đây chúng ta không phủ nhận việc tiết kiệm nhưng phải hiểu rằng khi làm bất cứ việc gì cũng phải có mục đích lý do. Ví dụ như chúng ta đi học để lấy tri thức, để hiểu biết; đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân… thì tiết kiệm cũng vậy. Nếu thiếu đi lý do, mục đích cụ thể thì rất khó để có thể tiết kiệm được triệt để, liên tục và hiệu quả trong dài hạn. Đây cũng chính là lý do phần lớn chúng ta dù lớn lên với lời khuyên tiết kiệm nhưng lại không duy trì được thói quen này khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, mỗi mục đích tiết kiệm lại có một phương pháp riêng. Vì vậy, nếu không đặt ra mục đích cụ thể, ta không thể nào đặt từng đồng tiền tiết kiệm vào đúng giá trị mà nó xứng đáng.

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

Trong bài viết dưới đây, 7 mục đích tiết kiệm tiền thường gặp và các phương pháp tiết kiệm hợp lý cho từng mục đích sẽ được chia sẻ với các bạn!

 

1. Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp

Tiền dành cho trường hợp khẩn cấp là một khoản tiền mà ai cũng cần phải có, ước tính bằng 3-6 tháng chi phí tiêu dùng thiết yếu (như là: tiền nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe…). Tuỳ vào chi phí cá nhân hoặc gia đình bạn, mỗi người sẽ dự tính một khoản phù hợp. 

Như tên gọi của nó, khoản tiền này sẽ được cất ra riêng và không được chạm tới, trừ khi gặp trường hợp thực sự khẩn cấp.

Như thế nào được gọi là khẩn cấp?

Những trường hợp không thể đoán trước được như mất việc, tai nạn, nằm viện, hỏng xe, biến cố gia đình… được coi là khẩn cấp. Trong những tình huống đột ngột và căng thẳng như vậy, khoản tiền tiết kiệm này như một tấm lưới giăng ra đỡ ta khỏi ngã và “mua” thêm cho ta thời gian lấy lại thăng bằng.

Về sau, khi mọi việc đã trở về quỹ đạo ổn định, ta cần lập tức tiết kiệm để làm đầy lại khoản tiền khẩn cấp này. 

 

Phương pháp tiết kiệm

Bạn cần trích ra một phần thu nhập, bao nhiêu phần trăm tuỳ thuộc vào thời gian bạn muốn được “cứu trợ”, để vào tài khoản tiết kiệm.

Tài khoản tiết kiệm này nên dễ lấy (có thể là tiền mặt, tiền trong tài khoản ngân hàng dưới tên bản thân bạn), không nên dùng để đầu tư hay gửi ở đâu đó khó lấy. Vì khi gặp khó khăn, ta có thể rút được tiền ra nhanh nhất có thể mà không phải chịu hậu quả nào thêm về kinh tế.

Tuy nhiên, cũng không nên dễ lấy ra tới mức mà bất cứ khi nào hứng lên muốn mua một món đồ gì đó, lại có thể tặc lưỡi rút ra ngay. Hãy cân nhắc cất riêng ra một chỗ, hoặc chuyển khoản hẳn sang một tài khoản ngân hàng khác.

> Đọc thêm: Học cách chấp nhận những điều không như ý trong cuộc sống để được hạnh phúc

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

2. Tiết kiệm để trả nợ

Nếu bạn đang không có khoản nợ nào trong tay, bạn thực sự rất may mắn! Ngoài ra, nếu sinh ra mà không có khoản nợ nào phải trả, hãy biết ơn những gì mình đang có, cũng như những ai đã cho bạn cuộc sống này và cố gắng hết sức để không vướng vào nợ nần. 

Còn nếu như bạn đang phải đối mặt với một khoản nợ nào đó, đừng sợ! Hãy bắt đầu đối mặt trực diện và lập kế hoạch giải quyết chúng dứt điểm ngay hôm nay.

Tiết kiệm để trả nợ là một trong những điều khó nhất. Vì để trả được dứt nợ, người trả nợ phải cam kết thực hiện lâu dài và bắt buộc hy sinh những thú vui tạm thời.

Như vậy, tiết kiệm để trả nợ không chỉ là cuộc đấu trí về con số mà còn là cuộc đấu tranh về tâm lý, hành vi và kỷ luật cá nhân.

 

Phương pháp tiết kiệm

Về cơ bản có 2 phương pháp để trả nợ:

Một là: trả nợ từ khoản nhỏ nhất tới lớn nhất, không kể mức lãi. Phương pháp này mặc dù về mặt tính toán mà nói chưa chắc đã hiệu quả vì bạn sẽ trả những khoản nợ nhỏ, ít lo ngại nhất lại có thể được trả trước còn khoản nợ lớn, nặng lãi trả sau. Tuy nhiên, nó đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu là hiệu quả về mặt hành vi và tâm lý cho người trả nợ.

Như đã nói ở trên, việc trả nợ khó bởi vì ta phải kiên trì, kỷ luật thép với bản thân và chấp nhận hy sinh những thú vui trước mắt. Do vậy, nếu trả những khoản nợ lớn trước, ta dễ cảm thấy “ngợp” và dễ mệt mỏi vì mãi mà không dứt được một khoản. Từ đó nảy ra tâm trạng buông bỏ, chán chường, không muốn tiếp tục trả nợ.

Việc trả các khoản nợ từ nhỏ đến lớn giúp ta thêm củng cố niềm tin. Mỗi khi trả được một khoản nhỏ ta sẽ cảm thấy như mình thắng được một trận đánh và có thêm động lực, tự tin để tiếp tục những trận đánh tiếp theo.

Hai là: trả nợ từ khoản có mức lãi lớn nhất đến khoản có mức lãi nhỏ nhất. Đây là cách làm về mặt toán học có thể nói là hiệu quả hơn cả, tức bạn tấn công khoản nợ nhiều lãi nhất, cắt càng nhanh lãi thì tiền mình có thể trả nợ gốc càng nhiều.

Sau khi trả được khoản lớn nhất (có thể tốn nhiều thời gian và năng lượng nhất) thì các khoản nợ sau có thể trả một cách dễ dàng. Đây là cách làm rất tốt cho những ai có ý chí cao, kiểm soát tốt được bản thân và vốn đã có thói quen quản lý tiền hiệu quả.

 

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

3. Tiết kiệm cho những khoản chi tiêu nhỏ có ý định trước

Những khoản chi tiêu nhỏ này, có thể là một bộ quần áo bạn rất thích nhưng chưa có đủ tiền mua, một chiếc vé xem phim 3D mà phải để dành tiền mới có được, một chiếc laptop hay một chuyến du lịch với bạn bè ngắn ngày. Đây cũng là những khoản mà chúng ta dễ “vung tay quá trán” nhất.

Bởi thể, việc chủ động tiết kiệm tiền cũng là một cách để có thời gian suy nghĩ xem khoản chi tiêu đó có thực sự xứng đáng hay không. Có thói quen kiểm soát những khoản chi tiêu nhỏ sẽ tạo được hành vi tốt quản lý đồng tiền.

 

Phương pháp tiết kiệm

Để bắt đầu tiết kiệm cho những khoản chi tiêu nhỏ này, bạn cần phải đưa khoản này vào ngân sách hàng tháng. Nếu ngân sách đã cân đối, có đủ tiền mặt để tiêu, thì việc gì không dùng đến nó? Nhưng nếu chưa đủ, hãy để ra một khoản riêng và tiết kiệm cho đến khi đủ thì thôi.

Đối với những khoản chi khó định giá, chẳng hạn như một chuyến du lịch, hãy cố gắng nghiên cứu thật kỹ, thu thập đủ thông tin để áng chừng khoảng cần tiêu là bao nhiêu. Bên cạnh đó để an toàn, bạn có thể đặt ra ngân sách cao hơn một chút để đề phòng.

> Đọc thêm: Người trẻ tuổi, có thể nghèo tiền, nhưng tuyệt đối không được nghèo suy nghĩ!

 

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

4. Tiết kiệm cho những khoản chi tiêu lớn có định trước

Những khoản chi tiêu lớn này thường là nhà cửa, phương tiện đi lại, tiền học cho con cái, tiền phụng dưỡng cha mẹ… hay tất cả những khoản phải tiết kiệm lâu dài, có thể phải trả góp để sở hữu.

 

Phương pháp tiết kiệm

Để tiết kiệm được cho khoản này, đầu tiên ta phải phân định được cái “cần” và cái “muốn”. Có nghĩa là, nếu khả năng tài chính của bạn vừa đủ để mua một căn nhà 1.000 mét vuông nhưng nhu cầu thiết yếu sử dụng chỉ khoảng 700 mét vuông thì bạn chỉ nên chọn căn nhà 700 mét. Số tiền còn lại sẽ giúp bạn chi trả những chi phí phát sinh của khoản chi tiêu lớn và đảm bảo mình không tiêu “vô tội vạ” chỉ vì một phút bốc đồng. 

Sau khi đã xác định được số tiền cần thiết cho những khoản chi tiêu lớn này, hãy bắt đầu tiết kiệm từ những khoản nhỏ lẻ, chẻ nhỏ ngân sách hàng tháng và dành dụm tới khi đủ tiền.

 

5. Tiết kiệm để đầu tư

Đầu tư là cách khiến tiền đẻ ra tiền. Hai chữ “đầu tư” nghe thì có vẻ rất kinh khủng, mất thời gian và công sức rồi nhiều khi mất luôn cả tiền, nhưng thực chất ngày nay nó không khó đến thế. 

Bạn có thể đầu tư dài hạn bằng cách mua các loại cổ phiếu, trái phiếu ổn định. Việc tích cực và thường xuyên đầu tư nhỏ vào những nguồn này sẽ cho bạn một khoản lợi tức khá lớn. 

Hoặc bạn cũng có thể đầu tư bằng cách góp vốn vào những mô hình kinh doanh của người khác hay của chính mình. Khi bắt đầu có vốn, có sự tự tin, có thêm ý tưởng, bạn có thể kinh doanh lớn hơn, góp vốn kinh doanh nhiều mảng hơn.

 

Phương pháp tiết kiệm

Đầu tư và kinh doanh là những lĩnh vực cần phải có kiến thức tốt để làm được hiệu quả. Và tôi có thể khẳng định một điều với bạn rằng: Khoản đầu tư dài hạn nhất và thu được nhiều lãi nhất, chính là đầu tư vào bản thân. 

Bạn có thể tìm mua và đọc thêm các đầu sách về đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, học hỏi thêm từ những người đi trước, không ngừng tìm kiếm cơ hội để đặt đồng tiền mình làm ra đúng nơi, đúng chỗ… là cách tốt nhất để tự chủ, bảo vệ bản thân và thịnh vượng về tài chính. 

 

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

6. Tiết kiệm để về hưu

Khái niệm “về hưu” giữa ngày xưa và nay đã rất khác. Làn sóng “nghỉ hưu sớm” ở những người trẻ đang nổi lên ngày một nhiều, kéo theo đó là rất nhiều người nữa học theo.

Tuy nhiên, dù bạn còn trẻ hay đã bước vào tuổi trung niên, mong muốn được về hưu sớm hay về hưu đúng tuổi, thì việc tiết kiệm cho quỹ hưu trí là điều vô cùng cần thiết. 

 

Phương pháp tiết kiệm

Bạn không cần phải chờ đợi hệ thống hưu trí nước nhà cải tiến để thay đổi tương lai của mình. Hãy bắt đầu ngay khi có thể, bằng cách trích ra ít nhất 10% thu nhập hàng tháng để dành cho quỹ lương hưu.

 

7. Tiết kiệm để làm từ thiện

Trong cuộc đời, chúng ta cần phải cho đi rất nhiều, từ thăm hỏi, quà cáp đến lễ lộc, cưới xin, hay tiền phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, cứu nguy anh em họ hàng khi gặp khó khăn và đặc biệt là làm từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.

Nếu bạn sống mà luôn cảm thấy thiếu thốn, nghĩ rằng mình không có đủ để cho ai cả. Thì khi cho đi, bạn cũng sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu.

Tuy nhiên, rất nhiều nguồn tài liệu về tự do tài chính đã chỉ ra rằng: hào phóng sẽ giúp bạn có thêm cơ hội kiếm tiền. Khi cho đi một cách vui vẻ, bạn sẽ tự tin hơn, cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ, tích cực hơn.

Từ đó, bạn dễ thu hút được những điều tốt đẹp, mọi người, theo đó những cơ hội tốt cũng sẽ kéo đến và thiết lập được những mối quan hệ hiệu quả hơn. 

Vì cho đi chính là cách để nhận lại.

 

Phương pháp tiết kiệm

Hãy trích ra 10% thu nhập hàng tháng để dành riêng cho biếu, tặng, làm từ thiện. Hãy xem đây là một khoản luôn cần có, không phải chỉ để cho người khác, mà còn cho cả chính mình.

Tiết kiệm không khó như bạn nghĩ: Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

 

Trên đây là 7 mục đích tiết kiệm tiền phổ biến nhất. Tuỳ vào tình hình tài chính và hoàn cảnh cá nhân mà bạn có thể linh hoạt các phương pháp trên để ứng dụng tốt nhất vào tình huống của mình. Chúc các bạn thành công!