Có nhiều người nói rằng, nếu sống mà không biết tiêu tiền thì nền kinh tế sẽ kém phát triển. Vì vậy, khi có tiền họ sẽ không tiết kiệm mà hưởng thụ và tiêu tiền, để giúp đỡ kinh tế phát triển. Thực sự, đây là một cách nghĩ chưa đầy đủ.
Chúng ta nên hiểu cách biết xài tiền là như thế nào. Biết xài tiền không có nghĩa là có tiền trong tay, hãy tiêu xài, hưởng thụ cho hết, mà biết xài tiền có nghĩa là chúng ta biết cách sử dụng đồng tiền để nó có thể phát huy tốt nhất vai trò của nó đối với bản thân và nền kinh tế.
Tiền tương đương với hàng hóa tương ứng với số tiền đó. Vậy nếu biết cách xài tiền thì chúng ta phải biết cách mua những thứ hàng hóa có giá trị cho bản thân và sự phát triển của xã hội.
Vậy, nếu có tiền chúng ta đem chi tiêu vào mua sắm, ăn uống, hưởng thụ thì có đem lại được giá trị thực sự cho xã hội hay không? Về phía bản thân ta, đồng tiền đem đổi thành bộ váy, đôi giày, điện thoại,… mà thực sự nó không có giá trị sử dụng khác ngoài việc làm đẹp hoặc giải trí thì đồng tiền này hoàn toàn không đem lại sự phát triển cho xã hội. Đồng tiền mà được đổi thành bữa ăn, bữa nhậu, đàm đúm thì ngay sau kết thúc buổi ăn chơi đó, đồng tiền không có giá trị tái đầu tư thì làm sao đem lại sự phát triển cho xã hội chứ?
Nói cho rõ hơn là xã hội phát triển, tức là xã hội có đầy đủ tiện nghi, khoa học phát triển, đời sống con người nâng cao, không có trộm cắp, không có tệ nạn, con người được an toàn, được bảo vệ, môi trường trong sạch, lành mạnh, tinh thần thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc. Tùy mức độ phát triển, các tiêu chí trên sẽ có những mức độ khác nhau.
Vậy, nếu tiền đổ vào những thứ ăn chơi xa xỉ kia thì giúp ích như thế nào đến sự phát triển của xã hội? Nếu cũng là việc chi tiêu vào thời trang, áo quần, giày dép nhưng để tạo sự thoải mái, phục vụ công việc thì không vấn đề gì.Nhưng nếu chỉ là việc phục vụ cho một thú vui giải trí, ưa thích, thì điều đó chưa thực sự đem lại một giá trị tương xứng.
Thay vì ăn uống, mua sắm, vui chơi, chúng ta đem tiền đầu tư vào khoa học, chúng ta đem tiền phục vụ cho công nghệ khiến cuộc sống loài người trở nên tiện ích hơn và phục vụ cho cộng đồng nhiều hơn thì đồng tiền mới thực sự phát huy được giá trị của nó.
Xã hội làm sao phát triển dựa vào việc ăn chơi, giải trí, vì nó chỉ phục vụ cho chính bản thân mình chứ không đem lại được sự tiện ích cho xã hội. Đồng tiền đưa vào quần áo sang trọng đắt tiền thì xã hội nhận được gì? Người bán sẽ có một ít tiền lời, người đó lại đem tiền đó vào việc ăn chơi, giải trí thì sau buổi ăn chơi giải trí đó, đồng tiền đã mất gần hết giá trị.
Trong chuỗi cung ứng này, càng về xa đồng tiền càng mất dần giá trị, vì phải trả cho khoản chi phí để tạo ra thứ “hàng hóa” dành cho ăn chơi và giải trí đó. Nhưng nếu dùng số tiền đó, tập hợp lại, đem phát triển khoa học, phát triển hạ tầng cơ sở xã hội, phát triển sản xuất. Con người sẽ không tập trung việc chi tiêu vào hưởng thụ bên ngoài thì một lượng tiền khổng lồ sẽ đổ vào khoa học, để tạo ra tiện nghi cho loài người. Các công nghệ của khoa học, mới thực sự phát huy được giá trị của đồng tiền, vì nó phục vụ cho toàn thể đại chúng, toàn thể xã hội, tất cả mọi người đều sẽ được tận hưởng lợi ích mà đồng tiền đem lại.
Nếu không có ăn chơi giải trí vô tội vạ, con người sẽ hạn chế những chất độc hại vào cơ thể, sức khỏe sẽ nâng cao. Nếu tiền bạc không đầu tư vào giải trí, ăn chơi, thì tiền có thể được đầu tư vào sản xuất. Sản xuất phát triển, công nghệ phát triển, giá thành sẽ hạ, con người sẽ được lợi ích. Sản xuất phát triển thì lao động có việc làm tăng lên, phục vụ an sinh xã hội. Một sản phẩm dành cho việc ăn uống và giải trí sẽ kết thúc giá trị của nó sau khi việc ăn uống giải trí kết thúc. Rõ ràng đó là một việc hết sức lãng phí và không đem lại được giá trị đúng đắn.
Ta hãy hình dung, đã có biết bao nhiêu thức ăn thừa thải, phung phí, đã có biết bao nhiêu bia rượu đổ vào người mà không tạo ra được bất kỳ một giá trị tốt đẹp nào cho sức khỏe mà chỉ toàn làm cho con người bệnh tật tràn lan, không còn sức để lao động phục vụ xã hội.
Không có một con số thống kê, nhưng chỉ hình dung thôi, là đã có một lượng tiền vô cùng vô cùng khổng lồ được biến thành những thứ không có bất kỳ một giá trị nào cho sự phát triển của xã hội. Người tiêu dùng phải đổ ra một lượng tiền vô cùng lớn, để đổi lấy những đồng lương công sức làm trật vật từng ngày.
Thế nên, chúng ta cần phải nhìn nhận lại thế nào là phải “biết xài tiền” để có thể cùng chung tay xây dựng xã hội ngày càng văn minh và phát triển hơn!
Theo Vnexpress