Cuộc sống vốn dĩ đã không có chỗ cho sự hiện diện của những chữ “nếu”. Nhưng giả sử, nếu có một lần được đứng trên đỉnh “gác vọng” của tuổi 35, với tất cả trải nghiệm của bản thân tôi sẽ không ngần ngại mà chia sẻ với tuổi trẻ đã qua của mình rằng:
Đừng để tài nguyên tuổi trẻ của mình trôi đi một cách lãng phí, bởi sự cám dỗ đầy ma lực của 2 chữ “ ỔN ĐỊNH”.
Tại sao 2 chữ “ổn định” lại có ma lực và sức nặng đến mức kìm hãm sự phát triển của rất nhiều bạn trẻ đến vậy?
Ngay từ khi bắt đầu biết nhận thức, gia đình chúng ta đã “ghim” vào trong tiềm thức rằng: phải cố gắng học tập sao cho thật tốt để sau này có thể dễ dàng tìm kiếm được một công việc ổn định và phù hợp với mình.
Và kết quả hiển nhiên ai cũng biết, đa số thế hệ trẻ hiện nay vẫn cứ bị ám ảnh bởi điều đó, vẫn chấp nhận công việc “ổn định” dù gò bó còn hơn là phải tìm kiếm môi trường mới.
Tôi đã từng được chứng kiến rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười về sự ổn định ấy, có những người tốt nghiệp đại học loại ưu, mang theo tấm bằng về nhà với biết bao nhiêu ước mơ và hoài bão. 1 năm, 2 năm thậm chí là 5 năm… Họ vẫn kiên trì chờ đợi thời cơ đến, kiên trì sự phân bổ chỉ tiêu theo hàng năm cho một vị trí mà có đến hàng trăm người phải tranh đấu với nhau mới có được chỉ để có được sự ổn định.
Nếu như may mắn không mỉm cười, họ lại chấp nhận đợi thêm một vài năm nữa để hiện thực hóa ước mơ đó… Nhiều khi tôi vẫn không thể hiểu nổi, cái giá của sự “ổn định” thực sự có xứng đáng để nhiều bạn sẵn sàng “ thả trôi” tuổi trẻ của mình một cách lãng phí đến thế?
Bởi đơn giản, tuổi trẻ là thứ sẽ “chẳng bao giờ thắm lại”, đừng để tài nguyên tuổi trẻ của mình bị trôi đi một cách lãng phí chỉ vì 2 chữ ổn định.
Tuổi trẻ là phải quăng mình thật mạnh để va vấp với xã hội, cho phép bản thân THỬ dù có SAI nhằm tích lũy kinh nghiệm sống.
Còn trẻ, còn khỏe, còn chịu đựng được thì hãy cứ mạnh dạn quăng mình ra xã hội, bởi những “trầy xước” của hiện tại sẽ là điều kiện tuyệt vời giúp bạn trưởng thành hơn trong tương lai.
Sai ư? Tuổi trẻ chấp nhận được, quan trọng hơn sau nhiều lần sai ấy sẽ là những bài học để lại đáng nhớ dành cho bạn. Dám làm, dám đối mặt, cứ sợ làm, sợ sai thì cả đời sẽ không biết mình sẽ phải khắc phục những gì. An toàn quá mức đó khiến nhiều bạn lụi đi chỉ trong một tích tắc, khi mà đáng lẽ ra những sai sót ấy bạn đã phải “nếm trải” từ chục năm về trước rồi.
Biết đủ là vui và thấu hiểu được giá trị của “cân bằng cuộc sống”
Hài lòng với những gì bản thân mình có, đơn giản hóa mọi chuyện, suy nghĩ tích cực… Đó chính là bí quyết giúp cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng.
Nhưng khi ở những cung đường của tuổi trẻ, chúng ta lại quá đặt nặng về vấn đề tiền bạc, địa vị và danh vọng, dồn hết tâm huyết cho một vế gọi chung là “vật chất” mà không hề mảy may đả động đến một vế còn lại là “tinh thần”. Điều đó khiến cho bản thân chúng ta thấy mình luôn bị thiếu , luôn chưa đủ đầy kéo theo là những ngày mệt mỏi.
Ta luôn không ngừng đưa ra những so sánh, rằng ở tuổi này người ta đã kiếm được tiền tỉ, mua nhà và xe, còn bản thân mình hiện tại vẫn tay trắng. Người ta hàng năm có đến hàng chục chuyến du lịch vi vu khắp các nơi trong và ngoài nước còn mình thì suốt ngày quanh quanh ở một nơi…Nhưng bạn biết không, mọi sự so sánh luôn là khập khiễng bởi mỗi người sẽ có một “múi giờ” riêng cho bản thân mình, bạn không thể sống trong múi giờ đó ai đó và ngược lại họ cũng vậy, điều quan trọng nhất là tự bạn phải biết đủ.
Có lẽ, ở cái độ tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ ấy, trải nghiệm và vốn sống vẫn chưa nhiều, chưa thể cảm nhận được tầm quan trọng của việc cân bằng cuộc sống. Dần dần sau này bạn trưởng thành hơn, dày dặn, từng trải hơn lúc đó bạn sẽ tự khắc hiểu sống cân bằng có ý nghĩa nhường nào.
Tuổi trẻ là tài sản quý giá mà mỗi người chỉ sở hữu được một lần duy nhất trong đời. Vì vậy, hãy ham học hỏi, chịu khó mở mang “bờ cõi kiến thức” từ thực tế…Đây sẽ là những bài học vô cùng quý giá giúp bạn thêm vững tin và trưởng thành trên con đường của mình.
Phạm Ngọc Anh