Dịch bệnh Corona ập đến bất ngờ vào đầu năm 2020 đã khiến nhiều người chúng ta phải thay đổi kế hoạch công việc và học tập. Trong đó, bao gồm việc tìm kiếm môi trường làm việc mới, nhiều người đã phải hoãn lại hoặc hủy.
Sau đại dịch, rất nhiều công ty nhỏ lẻ bị phá sản, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải chật vật để tồn tại và tìm cách phục hồi trong thời gian tới. Khi này, các doanh nghiệp cũng chưa có nhu cầu tuyển dụng thêm bởi họ đang lo duy trì còn chưa xong. Khi ấy, số người thất nghiệp lại tăng lên gấp nhiều lần. Giữa bối cảnh này, bạn có còn muốn đổi việc? Nếu vẫn muốn bạn hãy cân nhắc các điều sau.
Nếu bạn không bị khủng hoảng tài chính cá nhân thì không nên đổi việc
Trong tình hình khủng hoảng chung thì không có ngành nghề hay doanh nghiệp nào có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của khủng hoảng. Nếu bình thường thì bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm một công việc khác có lương thưởng cao hơn để thử sức mình. Nhưng trong hoàn cảnh này, mọi công ty đều có khó khăn riêng, đều không thể đảm bảo được cho tương lai của bạn.
Hơn nữa, những công việc lương cao thường là những công việc có mức độ đào thải lớn, cạnh tranh rất cao. Nếu bạn không bị khủng hoảng tài chính cá nhân hay có gánh nặng về gia đình thì chưa nên vội đổi việc bây giờ vì chắc gì “nơi mới đã tốt hơn nơi cũ”.
Nếu bạn đã qua 40 tuổi, năng lực kiếm tiền và tài khoản tiết kiệm có giới hạn thì không nên đổi việc
Nhóm người lao động trên 40 tuổi sẽ gặp nhiều trở ngại khi đi tuyển dụng ở những môi trường mới bởi giới hạn về tuổi tác, năng lực làm việc, khả năng thích nghi,….Đặc biệt với những ai bị giới hạn về năng lực làm việc thì khả năng tìm được công việc như ý muốn là khá khó, thậm chí cả những công việc có lương không tốt bằng công việc hiện tại. Vậy nên hãy cố gắng cải thiện tình hình công việc hiện tại để đem lại kết quả tốt nhất.
Nếu bạn quyết định đổi việc thì cần phải lưu ý những điểm sau
Đổi việc trong phạm vi năng lực của mình
Tại thời điểm hậu khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm làm được việc ngay hơn là những nhân sự cần phải đào tạo từ đầu. Nếu bình thường, bạn có thể thử trong bất kỳ môi trường nào, nhưng tại thời điểm khó khăn này, bạn không nên quá mạo hiểm trong việc thử một lĩnh vực, ngành nghề hoàn toàn mới. Hãy chọn một công việc phù hợp với mình ở hiện tại và đừng lo, bạn vẫn có cơ hội thăng tiến ở tương lai mà.
Có thương hiệu cá nhân giá trị
Điều này không phải là bạn cần nổi tiếng, cần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông,…mà là bạn cần có giá trị khi xuất hiện và làm việc ở bất kỳ môi trường nào. Điều này thể hiện ở năng lực làm việc của bạn, thái độ làm việc của bạn và hiệu quả làm việc của bạn. Nếu bạn là một nhân viên chưa thực sự thành thạo, năng lực làm việc còn yếu kém thì chưa nên vội đổi việc. Hãy chuẩn bị trau dồi kiến thức, kỹ năng thật tốt cho bản thân bạn nhé.
Không giải quyết vấn đề bằng cách đổi việc
Nhiều người thường có quyết định đổi việc nhiều lần đôi khi chỉ vì một hoặc một nhóm lý do giống nhau. Họ trốn tránh không giải quyết tận gốc những lý do đó mà cho rằng đổi việc là giải pháp. Nhưng cuối cùng thì vấn đề vẫn chưa được xử lý và họ vẫn đổi việc vào các lần sau.
Và khủng hoảng dịch bệnh cũng là một vấn đề, nó không phải được giải quyết bằng cách đổi việc. Nếu bạn lựa chọn đổi việc vì lý do này thì không nên. Hơn nữa, đổi việc nhiều khiến cuộc sống của bạn trở nên bấp bênh, mất phương hướng và không có sự thăng tiến rõ rệt.
Hãy tính toán và suy nghĩ thật kĩ những quyết định của mình khi đổi việc. Liệu giải pháp này có đúng đắn và có thể giải quyết vấn đề ở hiện tại và tương lai không? Đừng chọn những giải pháp tình thế, hãy chọn cho mình những hướng đi lâu dài.