Bạn nghĩ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại? Hãy chắc chắn rằng mình không mắc phải một trong ba sai lầm bóp méo hiện thực sau.
Doanh nhân nào cũng sở hữu ở một mức độ nào đó điều mà Walter Isaacson (trong cuốn tiểu sử của Steve Jobs do ông chấp bút) mô tả là “khả năng bóp méo hiện thực”.
Ý của Isaacson là Jobs đã áp đặt ý chí của ông lên công ty Apple, thường hay thúc ép mọi người tạo ra những thứ họ không bao giờ nghĩ có thể làm được- đây là thứ tài sản đầy sức mạnh của bất cứ nhà lãnh đạo nào.
Nhưng những hiệu ứng của việc bóp mép hiện thực này sẽ phát huy tác dụng theo hai cách. Nó cũng có nghĩa là mọi lãnh đạo ở một cấp độ nào đó sẽ bóp méo hiện thực xung quanh họ, từ đó dẫn tới những căng thẳng, thiếu nhất quán và các quyết định tồi.
Có hai lý do tại sao các nhà lãnh đạo sống trong quả bong bóng lại trở nên nguy hiểm đến vậy đối với chính bản thân họ và những người họ lãnh đạo.
Thứ nhất, khía cạnh ít nhìn thấy nhất là nó xảy đến theo những cách có vẻ rất bình thường nên rất khó nhận ra nhưng lại để lại những hậu quả chẳng bình thường chút nào đối với các đội nhóm hay tổ chức.
Thứ hai, hiệu ứng bong bóng có tỷ lệ thuận với khả năng của người lãnh đạo. Họ càng làm công việc của họ tốt hơn bao nhiêu thì quả bong bóng lại càng phình to và càng khó nổ tung bấy nhiêu. (Những người cùng địa vị và đồng nghiệp sẽ sẵn sàng cho nổ bong bóng hiện thực của một đồng nghiệp làm việc bấp bênh hoặc kém hiệu quả, nhưng vị lãnh đạo thành công lớn thì hiếm khi dám làm điều này).
Dưới đây là ba điều mà hầu hết các nhà lãnh đạo vĩ đại làm sai và hậu quả là họ đã bị đẩy vào mặt trái của việc bóp méo hiện thực:
1. Thời gian cần thiết để làm mọi việc.
Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng đặt ra các mục tiêu chiến lược cao đến mức họ sẽ không đánh giá được thực tế sẽ cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất mọi việc. (Theo đánh giá của tôi, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng thường vấp phải lỗi đưa ra thời hạn hoàn thành thấp hơn 7 lần so với thời gian thực tế cần bỏ ra; nếu họ nghĩ chỉ cần một ngày là đủ thì thực tế phải mất đến 1 tuần).
Dạng bóp méo hiện thực này thường phát huy tính tích cực trong lĩnh vực truyền thông, những người thuộc giới này yêu thích các câu chuyện về hành động gan dạ theo đó các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng từ chối chấp nhận những gì mà sự nguy hiểm cảnh báo họ, thay vào đó họ thúc ép đội ngũ của mình trở thành siêu nhân lập ra những chiến tích chưa từng biết tới trong lịch sử.
Không may, thực tế đáng buồn là đằng sau câu chuyện thành công chói lọi được công bố rộng rãi là hàng ngàn con người kiệt sức, mệt mỏi và rệu rã bị buộc phải đưa ra những giải pháp dở, thiếu tính bền vững vì lãnh đạo của họ không có khả năng đưa ra thời gian chính xác.
2. Tầm quan trọng tương đương của con người và ý tưởng.
Dạng bóp méo hiện thực thứ hai các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng mắc phải là họ có xu hướng phân loại một cách cực đoan mọi thứ- mọi ý tưởng, mọi con người. Một ý tưởng chỉ có thể là rực rỡ hoặc và đáng vứt đi. Không có loại trung gian. Con người thì chỉ có hai loại hoặc là ủng hộ ta hoặc là chống lại ta.
Dạng bóp méo hiện thực này chắc chắn mang nhiều màu sắc và thậm chí đem lại niềm vui, nhưng đối với những người quen đưa ra những phân loại tiêu cực dựa trên những bằng chứng ít ỏi hoặc chẳng có bằng chứng nào cả thì chỉ làm những người khác nản lòng và khó hiểu.
3. Những gì người khác nghe bạn nói.
Có lẽ, sự bóp méo hiện thực gây hại nhất mà các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng gây ra đó là không có khả năng thực sự hiểu những gì những người khác nghe họ nói.
Điều khó hiểu là, điều này lại phát huy hiệu quả ở hai mức độ hoàn toàn đối nghịch.
Ở một thái cực thì những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, những người trò chuyện để suy nghĩ sẽ thường chìm đắm trong suy nghĩ, tạo ra những bù nhìn rơm để thử nghiệm một học thuyết; tranh luận về những điều họ thực sự tin tưởng; khẳng định các giả thuyết để tạo ra các phương án, tất cả những điều này đều làm người nghe cảm thấy khó hiểu.
Ở một thái cực khác, khi chuyển sang chế độ đưa ra những lời chỉ dẫn, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng thường đưa ra những giả định vô căn cứ rằng mọi người xung quanh họ có thể đọc được suy nghĩ của họ, dựng lên những màng chắn vô hình, cố tỏ ra huyền bí, dùng niềm tin và những lời ám chỉ để truyền tải những chỉ thị đặc biệt quan trọng.
Tuần này, hãy xem cách bạn tương tác với những người khác để xem bạn đã vướng phải sai lầm nào trong ba sai lầm trên nhé.