Một trong những vấn đề thường gặp là nhân viên tỏ ra lưỡng lự khi bắt đầu một công việc mới, đó là thời khắc người quản lý cần giúp họ vượt qua. Hai tác giả Phillips và Sean trong 37 Quick and Effective Productivity Techniques (NXB Kindle Edition, 2010) đã nêu ra một số cách đơn giản để người quản lý có thể giúp nhân viên mình:
Làm việc nhanh hơn nhịp độ bình thường
Trao đổi với nhân viên về việc họ nên điều chỉnh nhịp độ làm việc nhanh hơn. Khi làm như vậy, họ sẽ tìm thấy một sự hứng khởi trong công việc. Một trong những công cụ hỗ trợ dễ dàng cho việc tăng nhịp độ này là âm nhạc. Vừa làm việc vừa nghe những bản nhạc nhịp nhanh, vui vẻ, yêu đời sẽ là một thử nghiệm thú vị và nhân viên dễ thành công khi áp dụng cách này.
Xem lại cách dùng thời gian nhàn rỗi
Làm việc trong thời đại kỹ thuật số nên nhân viên hay bị gián đoạn công việc bởi điện thoại di động, email, blog, Twitter, Facebook, iPad hoặc tablet và danh sách này còn nối dài mỗi ngày. Những “cơ hội” gián đoạn công việc, cùng với ranh giới không rõ ràng giữa sử dụng các thiết bị công và các thiết bị “riêng tư” trong giờ làm việc, làm cho chính nhân viên cũng khó phân biệt là mình đang ở trong trình trạng sẵn sàng làm việc hay đang dùng xen kẽ thời gian nhàn rỗi.
Do vậy nhân viên phải luôn trong tâm trạng chấp nhận sẽ bị gián đoạn trong công việc. Tốt nhất là trao đổi để nhân viên tự nhận ra họ cần “vô hình” hơn trong giờ làm việc so với thế giới bên ngoài.
Biện pháp thì rất nhiều, nhưng chỉ có khi nào hành vi của nhân viên thay đổi qua việc tự ngăn chặn cơ hội gián đoạn công việc thì mới hiệu quả. Chỉ khi bước vào thời gian nhàn rỗi “thực sự” thì tất cả sự “vô hình” mới được gỡ bỏ. Sự phân định thời gian dứt khoát này giúp nhân viên không lưỡng lự khi vào việc.
Không chờ thời điểm thuận lợi mới làm việc
Giúp nhân viên nhận ra là họ không nên chờ đến lúc đủ điều kiện mới bắt đầu công việc. Ai cũng có lý do trì hoãn công việc, nhưng thường là luôn có lý do “chính đáng”. Trong thực tế khi làm việc, các điều kiện hiện có đôi khi rất tệ, do vậy không thể chờ đợi, trì hoãn mãi. Và làm việc trong khi “không đủ điều kiện” cũng cho thấy bản lĩnh công việc của mỗi nhân viên.
Việc gì có thể làm hôm nay thì không để ngày mai
Câu này rất quen thuộc. Đôi khi việc rất gấp, nhưng rất khó để bắt đầu. Không một ai muốn điều này nhưng có những ngăn cản vô hình làm cho việc khởi đầu rất khó khăn. Ví dụ, việc sắp xếp lại email mỗi ngày chỉ mất vài phút, nhưng xu hướng vẫn là cứ để vậy, cho đến khi buộc phải mở từng email lên giải quyết trong thế thụ động.
Rồi những cú điện thoại phải gọi nhưng lưỡng lự mãi không nhấc máy được cho đến khi phải nhấc máy một cách không thoải mái chút nào… Dùng câu rất quen này để lướt đi khi lưỡng lự. Xông vào những việc quan trọng trước Lưỡng lự còn là hệ quả đánh giá sự quan trọng của công việc sắp làm. Chính áp lực “quan trọng” này, làm nhân viên ngại bắt đầu.
Khi tránh né vài lần, trong tâm lý nhân viên thì các việc “quan trọng” ấy trở thành những việc không thú vị gì. Dần dần, theo thời gian là một danh sách công việc bị nợ lại ấy, bị ngắc ngứ và không thoát ra được.
Hãy giúp nhân viên đương đầu với đống nợ công việc này, bắt đầu từ những việc được nhân viên đánh giá là “quan trọng” nhất. Và đồng thời cất đi tâm lý tránh né những việc như vậy. Tái lập được danh sách công việc ưu tiên chính là bước đầu của việc lướt qua sự lưỡng lự. Cái chính là mỗi đầu ngày, nhân viên sẽ “húc” vào các việc “quan trọng” nhất đó, và lần này là có thêm sự quan tâm chia sẻ của người quản lý.