Brian Tracy – Nhân đôi hiệu năng, nhân đôi hạnh phúc

Chưa tốt nghiệp phổ thông đã nghỉ học và vào đời với các công việc chân tay. 18 tuổi đã quyết tâm sẽ đi vòng quanh thề giới và 21 tuổi thì bắt đầu hành trình vượt Đại Tây Dương đi khắp thế giới, vừa chu du vừa kiếm sống…

Brian Tracy là một cái tên gắn liền với việc phát triển tiềm năng con người, gắn với các thương hiệu nổi tiếng như IBM, FedEx, Hewlet-Packard, Wal-Mart, Ford cùng nhiều công ty hàng đầu thế giới khác, đạt được mục tiêu cá nhân và mục tiêu doanh nghiệp nhanh hơn và dễ dàng hơn họ từng nghĩ.

Dõi theo từng bước thăng tiến lên vị trí lãnh đạo các tổ chức của vị diễn giả được đánh giá là hàng đầu thế giới, rất nhiều người tự hỏi, nguồn năng lượng nào khiến ông có thể tuôn trào trong mọi hoạt động đến như vậy?

Vượt lên chính mình

Không phải ngẫu nhiên mà Brian Tracy chọn mục tiêu đầy thử thách cho mình như vậy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Canada, thuở nhỏ, Bryan Tracy phải mặc quần áo từ các cửa hàng từ thiện. Ông nghỉ học trước khi tốt nghiệp phổ thông và bắt đầu làm các công việc lao động chân tay thời vụ ở Canada và khắp nước Mỹ.

Cuộc sống khó nhọc khiến ông suy nghĩ nhiều về khả năng của con người trong việc chinh phục những trở ngại trong cuộc sống. Năm 21 tuổi, ông làm việc trên một con tàu chở hàng của Na Uy.

Đây chính là môi trường giúp ông bắt đầu hành trình tích lũy tài chính nhằm chinh phục mục tiêu vượt hoang mạc Sahara của mình.

Hoàn thành được mục tiêu của bản thân, ông tiếp tục đến sống và làm việc tại nhiều quốc gia suốt 8 năm, tiếp tục tích lũy kinh nghiệm cho mình.

Trở về quê hương, Brian vừa làm nhân viên bán hàng, vừa đi học buổi tối để hoàn thành bậc trung học, đại học và sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Ông dành khoảng thời gian này để đọc, học hỏi và ứng dụng các bí quyết thành công của những người đi trước.

Quá trình này giúp cho kết quả bán hàng của ông được cải thiện nhanh chóng. Chỉ sau 6 tháng, ông trở thành nhân viên bán hàng giỏi nhất công ty.

Brian tiếp tục trau dồi kiến thức về nhân sự, xây dựng đội ngũ bán hàng, tiếp thị, tâm lý học, tạo động lực và cả lịch sử, chính trị… đồng thời gặp gỡ và học hỏi rất nhiều nhà lãnh đạo thành công.

Vốn kiến thức và kinh nghiệm của ông ngày càng tăng, cùng những thành công liên tiếp trong kinh doanh và quản trị.

Sau nhiều năm trăn trở về câu hỏi: “Điều gì làm cho một số người thành công hơn những người khác?”, Brian quyết định tổng kết tất cả trải nghiệm của mình để giúp đỡ người khác thành công.

Ông bắt đầu với một hội thảo về vấn đề này và sau đó phát hành đĩa “Tư duy thành công” (The Psychology of Achievement).

Công trình đầu tay này nhanh chóng bán được nửa triệu bản. Thành công này khiến ông có động lực để đi theo con đường diễn thuyết.

Tới nay, Brian Tracy được biết đến là diễn giả hàng đầu thế giới về kiến tạo động lực thành công và hiện thực hóa ước mơ cuộc đời. Ông đã có hơn 30 năm nghiên cứu và đào tạo về tư duy thành công, tư vấn cho hơn 10.000 công ty và hơn 5 triệu người thông qua 5.000 buổi nói chuyện và hội thảo tại hơn 55 quốc gia.

Những buổi thuyết giảng của ông luôn tràn đầy nhiệt huyết và truyền cảm, thúc đẩy người nghe hành động ngay để đạt được hiệu quả và thành tích đỉnh cao

Thành công thực chất là gặp nhiều thất bại

* Là người giỏi trong việc tạo động lực thành công cho người khác, ông quan niệm người thành công khác gì so với những người thất bại?

– Những lời mời diễn thuyết cho tôi cơ hội để đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều dạng người khác nhau. Tuy nhiên, với tôi, người thành đạt là những người dám hành động.

Những người này bắt tay làm việc ngay khi có ý tưởng. Suốt quá trình làm việc, họ cũng không cứng nhắc mà liên tục áp dụng những kiến thức mới, trải nghiệm mới… để điều chỉnh.

Những người đến được với thành công thường là những người chủ động đặt mục tiêu và lên kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời mình.

* Nghĩa là chỉ cần có những tố chất này sẽ dễ dàng đến với thành công?

– Những người thành công thực chất lại gặp thất bại nhiều hơn so với những người bình thường. Bởi vì, họ thường mất nhiều sức để… thử. Nghĩa là họ sẽ phải làm nhiều việc hơn bình thường. Hầu hết những việc đó thường không diễn ra theo đúng kế hoạch đã vạch ra.

Trao đổi với những người thành đạt, tôi nghiệm ra, con đường đi đến thành công gắn liền với việc phấn đấu làm việc, kiên định để đạt được các mục tiêu nhỏ mỗi ngày, dần dần hướng đến mục tiêu lớn hơn.

Họ không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cho tới ngày thành công. Đây mới chính là những yếu tố làm nên thành công.

* Vậy có nguyên tắc riêng nào để thành công trong công việc và thành đạt trong cuộc sống không, thưa ông?

– Cũng như trong hóa học hay vật lý, đều có những quy luật cụ thể, có những nguyên tắc thành công chỉ dành riêng cho công việc. Cũng có những nguyên tắc thành công cho cuộc sống gia đình và hầu hết những nguyên tắc này khác với những gì cần thiết trong công việc.

Chẳng hạn, trong công việc, thành công của một người được xác định bởi chất lượng của công việc họ làm cũng như tính hiệu quả và hiệu suất trong cách bạn làm việc.

Ở nhà, sự thành công lại được xác định bởi thời lượng và chất lượng mà bạn đầu tư cho những mối quan hệ với các thành viên trong gia đình bạn. Đó là hai cách sử dụng thời gian và công sức hoàn toàn khác nhau.

Với doanh nhân Việt Nam, theo ông, nguyên tắc thành công nào sẽ tốt cho họ hơn trong thời điểm này, công việc hay gia đình?

– Thành công trong công việc hay trong cuộc sống đều có giá trị quan trọng. Nếu không có một gia đình hạnh phúc, người ta cũng khó có thể thành công.

Tôi quan niệm, lúc nào cũng vun đắp cho gia đình mình, cho tình yêu của bản thân. Khi có tình yêu, mọi cảm xúc sẽ thăng hoa và công việc sẽ tiến triển tốt đẹp hơn.

Trong giới hạn của thời gian, khi tới Việt Nam lần này, tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam những nguyên tắc thành công thực tế, quan trọng và hữu hiệu nhất để giúp mọi người thành đạt và giúp doanh nghiệp có thể thành công trong kinh doanh.

Trong cố gắng của mình, tôi sẽ phác thảo những chiến lược thành công vốn đã được những người thành đạt trên khắp thế giới áp dụng nhằm giúp mọi người nâng cao hiệu suất công việc từ 5 – 10 lần so với mức trung bình.

Đây là những câu chuyện, không phải là một “bí kíp” dành riêng. Từ những câu chuyện thực tế này, chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn để tìm thấy con đường có lợi nhất cho mình. Trong đó, tôi sẽ chia sẻ những phương pháp để “Nhân đôi hiệu năng công việc”.

Đây là những nguyên tắc rất cơ bản nhưng thiết yếu, đã và đang được những người đi làm ở khắp nơi trên thế giới áp dụng, bất kể họ đang ở vị trí công việc thấp nhất hay đang trên những nấc thang hướng đến các vị trí quản lý cao cấp tại các tập đoàn hàng đầu.

* Thực tế thì ông sống ở Mỹ, nơi có điều kiện sống và hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt với những nước phương Đông, đặc biệt là Việt Nam. Những nguyên tắc thành công của ông liệu có thích hợp?

– Ai cũng biết lý thuyết rất dễ nói, dễ xây dựng bởi nó chứa đựng kỳ vọng ngày một hoàn hảo hơn của mỗi con người. Điều gây trở ngại luôn nằm ở thực tế. Tôi đã từng diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia…

Ở mỗi địa phương, những người tham dự hội thảo đều phản hồi rằng những ý tưởng mà tôi chia sẻ đều có thể vận dụng ngay và rất có ích cho những tình huống của bản thân họ cũng như trong công việc.

Hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác nhưng thử thách thì ở đâu cũng tương tự. Điều làm nên khác biệt chính là quá trình triển khai và hành động.

Kích hoạt năng lượng bản thân

* Vẫn biết khả năng con người là vô hạn, nhưng việc biết đánh thức bản thân rõ ràng là không dễ dàng, thưa ông?

– Để kích hoạt năng lượng bản thân, cần có mục tiêu phải đủ lớn, cụ thể, khả thi và bản thân người đặt ra mục tiêu phải có sự hình dung thật sống động về nó.

Chính nguồn năng lượng này sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê trong bạn, duy trì một ý chí vững vàng và một cơ thể khỏe mạnh để bạn theo đuổi và đạt được những mục tiêu lớn hơn trong sự nghiệp.

Kinh nghiệm của tôi trong việc tạo hình hài cho mục tiêu của bản thân là viết mục tiêu ấy ra giấy. Điều này giúp tôi có sự cam kết để biến mục tiêu thành hiện thực.

Một cách bản năng, con người sẽ tự hướng về mục tiêu của bản thân và kỳ diệu hơn nữa là mục tiêu cũng sẽ dần dịch chuyển về phía bạn. Quá trình này diễn ra đến một mốc thời gian đủ chín thì con người mục tiêu sẽ gặp nhau.

Ông từng chuyển việc đến 22 lần. Đó có phải là quá trình ông tìm kiếm, trải nghiệm để… đánh thức bản thân?

– Trước đây, người ta quan niệm một người bắt đầu làm việc và gắn bó ở một công ty đến hết đời. Tuy nhiên, điều kiện ngày nay đã rất khác. Với một người năng động, luôn chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, họ sẽ cần nhiều cơ hội hơn để hoàn thiện bản thân.

Khi đó, họ sẽ muốn làm một công việc khác tốt hơn, giúp bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn cũng như có thể phát triển tài năng của mình. Tôi nghĩ, càng làm nhiều dạng công việc, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, con người càng phát triển được nhiều kỹ năng và mở rộng tầm nhìn hơn. Nhờ đó, trong tương lai, họ sẽ có nhiều lợi thế và “có giá” hơn.

Nhưng nếu cái giá mà vị trí hiện tại đã tương đối và ổn định thì là một giải pháp an toàn, thưa ông?

– Phần lớn người đi làm dễ rơi vào bẫy thu nhập: chấp nhận làm một công việc có thu nhập hấp dẫn nhưng chưa chắc là phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng nếu không yêu thích 95% những gì đang làm, thì tốt nhất bạn nên rời bỏ công việc đó và tìm một việc làm mới. Bởi nếu thực sự say mê công việc của mình, bạn sẽ khó có thể rơi vào cảm giác chán nản, mất động lực.

* Quay lại câu chuyện của cá nhân ông, việc ông rời trường học khá sớm có phải là do cảm giác chán nản ông vừa nhắc đến?

– Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó và tự thấy mình cũng không phải là một cậu học trò giỏi. Thế nên tôi rời trường học sớm và bước vào đời bằng những công việc lao động chân tay như rửa chén hay việc đồng áng.

Để vượt qua những lúc khó khăn như vậy, tôi buộc mình phải đọc thật nhiều và liên tục, không ngừng tự học và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của mình. Cũng nhờ thế, tôi dần dần có được những cơ hội việc làm tốt hơn với mức lương cao hơn.

* Vậy, đâu là nguyên nhân khiến ông trở lại trường học cho đến tận khi có chứng chỉ thạc sĩ quản trị kinh doanh?

– Tiếp xúc với cuộc sống song song với quá trình đọc, tôi nghiệm ra những điều tôi tưởng chừng mình sáng tạo nên thì đã có những người đi trước tìm thấy và ghi lại đầy đủ trong sách vở. Tôi muốn học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước. Như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Brian Tracy được biết nhiều vì câu chuyện ghi ra giấy mục tiêu kiếm được 1.000 USD/tháng từ việc bán hàng qua điện thoại. Một tháng sau, vận may mỉm cười với ông. Trong quãng thời gian này, ông đã nghĩ ra một kỹ thuật bán hàng rất hiệu quả, khiến doanh số tăng lên gấp ba lần so với thời gian đầu… Sau 30 ngày kể từ hôm viết mục tiêu ra giấy, công ty đề xuất mức lương cho ông là 1.000 USD/tháng… Chỉ trong 18 tháng, ông chuyển từ vị trí một nhân viên bán hàng lên làm Giám đốc Kinh doanh, tuyển dụng và quản lý một đội ngũ hơn 95 con người.

 Nguồn: kienthuckinhte.com