Quản lý tiền bạc như thế nào khi bạn nợ nần ngập cổ?

Phần lớn chúng ta đều muốn trở nên giàu có. Tôi biết có rất nhiều người đang đọc bài viết này muốn đạt đến được trạng thái tự do tài chính nhưng vẫn chưa thực hiện được bởi các bạn vẫn còn đang mắc nợ. Vậy quản lý tiền bạc như thế nào khi bạn nợ nần ngập cổ? Hãy dành 5 phút ra và bài viết này chắc chắn sẽ giải đáp cho bạn! 

 

 

1. Lý do khiến bạn rơi vào trạng thái nợ nần

Bạn vay tiền ai đó, bạn hứa 3 tháng sau sẽ trả cho họ, nhưng 3 tháng đến hạn bạn không trả được họ. Và lúc này bạn phải gồng mình lên, đi vay chỗ khác để đắp vào số nợ mà bạn phải gánh. Và rồi bạn lại tiếp tục mắc nợ, một vòng luân hồi không biết bao giờ mới kết thúc. Bạn thấy câu chuyện này có quen không? Có giống với câu chuyện của bạn không?

Tưởng tượng trước mặt bạn là 2 cột mốc, 1 cột mốc là “thu nhập” của bạn – nó vừa thấp, vừa bé; 1 cột mốc là “nợ nần” mà bạn đang phải gánh – nó to và cao ngút trời. Bạn sẽ làm sao với trường hợp này?

Thực ra, có vô vàn lý do khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần: bạn mua sắm vô độ, bạn cờ bạc cá cược,… Nợ nần khiến bạn bị mắc kẹt trong một chu kỳ không thể xây dựng sự giàu có. Nợ nần đẩy các mục tiêu của bạn vào tương lai xa hơn. Nhưng những người mắc nợ đôi khi không thể nhìn thấy tất cả những điều đó. Họ mắc nợ đến mức không thể tìm ra lối thoát.

Và đừng mong bạn sẽ kiếm thêm được nhiều tiền hơn khi bạn đang có nợ, không bao giờ có chuyện đó đâu!

 

2. Làm sao để giải quyết

Quay lại 2 cột mốc ở phần 1, tại đây để giải quyết bài toán về nợ nần, bạn không thể làm tăng cột thu nhập của mình lên được mà chỉ có thể giảm cột nợ nần xuống mà thôi! Cố gắng làm sao cho 2 cột có độ cao tương đương nhau hoặc để cột nợ nần biến mất thì càng tốt.

Quản lý tiền bạc như thế nào khi bạn nợ nần ngập cổ?

 

– Bước 1: Phanh lại nợ

Ở bước này, việc bạn phải làm đó là đảm bảo cột nợ nần của bạn nó không được cao thêm nữa. Bằng cách: Hạ cái “tôi” xuống đàm phán với chủ nợ, đưa các khoản vay ngắn hạn thành dài hạn, các khoản vay lãi suất cao thành lãi suất thấp. Điều quan trọng nhất của cách thức này đó là hạ sĩ diện của bạn xuống, có thể điều này rất khó với những người luôn giữ cái “tôi” cao, tôi biết điều này! Nhưng chẳng còn cách nào khác đâu, tin tôi đi, sĩ diện của bạn không thể mài ra ăn được. Lùi một bước để bạn có thể tiến xa hơn!

– Bước 2: Lên kế hoạch chi tiêu hợp lý

Lên một bảng chi tiêu cụ thể giúp bạn kiểm soát tiền tốt hơn. Đừng quên để ra 20% thu nhập của bạn cho quỹ tự do tài chính, để đầu tư, giúp “tiền đẻ ra tiền”.

Và khi ấy, hãy trả hết số nợ mà bạn đang mắc.

– Bước 3: Cam kết

Cam kết với chính bản thân mình và hãy thực hiện nó đến cùng bạn nhé!

 

Lời cuối, có một điều tôi xin khẳng định với bạn đó là: Nợ nần sẽ cướp đi cả hiện tại và tương lai của bạn. Vậy nên, hãy học cách quản lý tiền bạc của mình cho đúng, đừng để “sợi dây nợ nần” cứ cuốn mãi vào cổ bạn không buông. Nếu bài viết này có thể giúp ích cho bạn, đừng ngần ngại share nó để có thể giúp ích thêm cho nhiều người nữa. Tôi tin là vậy! Cảm ơn bạn!