Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời từ những người thực sự trải nghiệm công việc thiện nguyện và cũng tìm ra điều thú vị giữa đôi chân trần trong giá lạnh và “bản sắc văn hóa dân tộc”.
“Giữ bản sắc vậy à?”
Sau khi chương trình “60 phút mở: Người ta làm từ thiện vì ai?” của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, đã có nhiều ý kiến trái chiều về những phát ngôn về từ thiện trong chương trình này. Trong đó, xoáy sâu vào câu nói của TS. Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES).
TS. Đặng Hoàng Giang cùng với ca sĩ Thái Thùy Linh, nhóm Xây trường vùng cao là một trong 3 khách mời chính của chương trình lần này. Vị TS này đã khiến dư luận “dậy sóng” với câu nói: “Khi đem quần áo từ miền xuôi lên đưa cho người dân tộc mặc, về lâu dài họ sẽ mất bản sắc văn hóa của họ”.
Chương trình này một lần nữa gây bão cộng đồng mạng và đặc biệt là những người đang hoạt động thiện nguyện.
Ngay sau khi chương trình phát sóng, chia sẻ trên facebook cá nhân, ông Trần Đăng Tuấn, một người rất nổi tiếng với công tác từ thiện từ chương trình Cơm Có Thịt viết: “Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi.
Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào. Chúng tôi cũng cố gắng nhờ thiết kế mẫu áo rét có màu sắc hoa văn vùng cao đấy, nhưng chỉ kịp may thử một ít, còn thì cứ luôn phải tìm mua những gì đang có, ấm, bền mà phải rẻ, để kịp mang lên cho những đứa trẻ tím tái vì rét.
Những đôi chân trần, những manh áo mỏng manh của các bé dân tộc vùng cao cần ấm hơn cái gọi là sợ mất bản sắc văn hóa dân tộc như tiến sĩ Giang lo lắng (ảnh Minh Trang chụp ở Sốp Cộp – Sơn La)
Chúng rét không vì bảo tồn tính dân tộc đâu. Mũi chúng nó viêm quanh năm, tai nhiều đứa viêm chảy mủ. Chân tay chúng nó như cổ trâu. Để bảo vệ tính dân tộc – và cái thân thể dân tộc – chúng nó cần ấm một chút đã.
Có những vùng, có những cộng đồng người dân tộc không mặc lại quần áo cũ. Có những nơi trẻ em luôn mặc bộ đồ dân tộc. Cần biết để mang đồ quần áo lên ủng hộ đúng chỗ. Nhưng chẳng có nơi nào người ta từ chối nhận đồ ấm chống rét.
Tôi mạo muội đề xuất vị tiến sỹ mùa đông này đi với chúng tôi một lần. Tôi hứa dọc đường tôi sẽ luận bàn về bản sắc dân tộc với số lý thuyết lập luận có kém cũng không kém tiến sỹ nhiều đâu.
Nhưng chỉ dọc đường thôi, trong xe ô tô kín đáo, có sưởi ấm. Trước khi đến với những ngôi nhà trình tường ướt nhoẹt và những lớp học thông thốc gió”.
Chia sẻ với PV về điều này, anh Phan Anh, thành viên nhóm tình nguyện Sống Hướng Thiện cho hay, từ những chuyến đi thăm và tặng quà cho học sinh nghèo và bà con dân tộc mới thấy được cuộc sống thực tế của bà con, điều kiện sinh hoạt học tập của các em học sinh vùng cao còn quá khó khăn, thiếu thốn.
Vì thế, theo anh Phan Anh, từ thiện là một công việc thầm lặng và lâu dài. mình sẽ vẫn tiếp tục chỉ đơn giản sẽ giúp được người kém may mắn hơn mình.
“Khi đã có những trải nghiệm về cái lạnh thấu xương ở vùng núi, cái thiếu đói của trẻ em vùng cao, lúc đó chắc bạn cũng chỉ nghĩ được sao cho lo bụng, mặc ấm thôi chứ đâu thể nghĩ được các em còn đến trường học cái chữ lại còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, Phan Anh chia sẻ.
Chị Phạm Minh Trang, người có mặt trong chuyến đi tình nguyện lên Sốp Cộp (Sơn La) mà chương trình “60 phút mở: “Người ta từ thiện vì ai?” nhắc tới, tỏ ra không đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong
“Anh Giang nói như thế là không đúng. Trời lạnh 10 độ các cháu đi chân đất, đeo cặp bằng bao tải xi măng khâu lại. Giữ bản sắc như vậy à?”, Minh Trang trăn trở.
Từ thiện vì ai?
Trở lại chủ đề: “Người ta từ thiện vì cái gì?” đang gây tranh cãi, anh Phan Anh chia sẻ, từ thiện để giúp đỡ những người có số phận, hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn hơn chúng ta trong xã hội.
Họ là những người nghèo khó, già cả neo đơn cơ nhỡ, những em học sinh dân tộc nghèo mồ côi cha mẹ hoặc những hoàn cảnh mang bạo bệnh.
Theo quan điểm của Phan Anh, làm từ thiện để mong muốn giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn mình có cuộc sống vật chất cũng như tinh thần tốt hơn, mong họ vượt qua khó khăn phấn đấu vươn lên để trở thành những người có ích cho xã hội và nếu đã trải nghiệm sẽ không hỏi “từ thiện để làm gì?”.
” Nếu bạn đã trải nghiệm nhìn những bữa cơm của trẻ em vùng cao, những manh áo mỏng khi mùa đông lạnh giá, những đôi chân đất phù nề, những lớp học tạm bợ gió lùa và những con đường đến trường gian lao phải mất nửa ngày thậm chí cả ngày đi bộ của các em thì bạn sẽ hiểu hơn được việc bạn đang làm từ thiện vì ai và để làm gì”, Phan Anh chia sẻ.
Nói về câu chuyện từ thiện vì ai, vì cái gì, chị Phạm Minh Trang người được biết đến với nhiều hoạt động tình nguyện với cái tên Mít Trang thẳn thắn bày tỏ quan điểm: “Tất nhiên là vì bản thân. Nói thế mọi người tự ái chửi, nhưng nếu mình không vui không thích mình đâu có làm đúng không?
Khi làm tình nguyện, người vui hơn là mình chứ không phải các em bé. Bởi vì, mình tặng quà các bé vui nhiều nhất là một ngày, nhưng có khi mình vui tới nhiều năm sau. Đến khi đó, nghĩ lại việc mình đã làm vẫn thấy vui”.
Theo Mít Trang, thực tế thì từ thiện cũng chỉ là chia sẻ niềm vui chút ít thôi. Không ai cứu được ai hay thay đổi được ai cả: “Mọi người đi từ thiện về cứ như cứu cả thế giới. Bản thân mình thì không nghĩ thế. Chỉ là sẻ chia một chút thôi”.
Chia sẻ về từ thiện, Minh Trang bày tỏ quan điểm hướng tới sự bền vững lâu dài. Con cá đi liền với cần câu. Qua câu chuyện ở Sốp Cộp mà chương trình có nhắc tới, Mít Trang cho rằng, bản thân cô và những người làm tình nguyện cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.
Từ thiện vì ai? Vì niềm vui của bản thân hay niềm vui của cộng đồng, hay vì sở thích? Qua câu chuyện này, nhiều người đã có câu trả lời tự tâm mình.
Nói như Phạm Minh Trang: “Không ai cứu được ai cả, cũng không ai thay đổi được cuộc đời của ai hết. Chỉ là dắt tay nhau qua gian khó để bước tiếp thảnh thơi mà thôi”.
Vâng, chỉ dắt nhau qua gian khó để bước tiếp thảnh thơi mà thôi – nghĩ đơn giản để hành động đẹp hơn.
Theo Soha.