Số Vốn Cần Để Mở Một Quán Cafe Take-Away

Du nhập vào Việt Nam từ khá lâu (khoảng năm 2004), thế nhưng phải đến khoảng giữa năm 2012, mô hình kinh doanh cafe “take-away” (cafe mang đi) mới thực sự phát triển và trở thành đối thủ đáng gờm của cafe truyền thống và cả trà sữa.
Cafe take-away vốn là mô hình kinh doanh rất phổ biến ở những nước đang phát triển, vì vậy nhanh chóng nhận sự quan tâm của giới trẻ, những người dễ dàng tiếp thu với trào lưu ngoại. Tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh cafe take-away mọc lên. Ưu điểm của mô hình này là người kinh doanh không cần mặt bằng lớn như cà phê truyền thống vì khách hàng chỉ đến mua và mang đi.
Hiện tại, nhiều thương hiệu cafe takeaway nổi tiếng quốc tế như Starbucks, The Coffee Bean tham gia thị trường. Mặc dù vậy, nếu biết kinh doanh, các quán cafe take-away nhỏ vẫn có thể ăn nên làm ra.
Một số điểm cần lưu ý khi mở cửa hàng bán cafe take-away loại nhỏ:
1. Địa điểm.
Cũng giống như bất kỳ mô hình kinh doanh cafe nào, địa điểm là yếu tố quan trọng nhất với cafe take-away. Vị trí không cần lớn, nhưng phải thuận lợi, dễ tìm và gắn với đối tượng mà quán cafe hướng tới. Nếu tận dụng được mặt bằng để tiết kiệm chi phí thì càng tốt.
Vì khách hàng mục tiêu của cafe take-away là học sinh, sinh viên và giới công chức văn phòng, giới kinh doanh (những người trẻ tuổi), do đó quán cafe nên gần trường học, công sở, khu thương mại, nơi có nhiều khách nước ngoài…
Nếu không tận dụng được vỉa hè để xe máy, quán vẫn phải có đủ diện tích để xe máy cho khách. Vì vậy diện tích tối thiểu nên là từ 12 – 16m2. Thậm chí, một số quán cafe tại Hà Nội có diện tích nhỏ còn kê cả ghế nhựa cho khách ngồi ở vỉa hè. Sự kết hợp giữa cafe takeaway và kiểu trà chanh vỉa hè là lựa chọn tốt nếu bạn tận dụng được vỉa hè.
2. Vốn đầu tư và chi phí.
Vốn đầu tư ban đầu để mở 1 cửa hàng rơi vào khoảng tư 200 – 300 triệu đồng. Có 2 loại chi phí cần quan tâm khi kinh doanh mô hình này:
– Chi phí cố định: Tiền thuê mặt bằng kinh doanh, tiền mua sắm trang thiết bị, phí đăng ký kinh doanh, tranh trí, biển bảng, chi phí cho marketing, quảng cáo, chi phí nguyên liệu trong thời gian đầu, chi phí đột xuất.
– Chi phí hàng tháng: Tiền thuê nhân công, điện, nước, thuế, các khoản phải đóng góp khác, quảng cáo…
3. Trang thiết bị và nhân sự.
– Những vật dụng cần cho một quán cafe take-away bao gồm: Bàn ghế, quầy kệ trưng bày, pha chế, máy xay café hạt,… Dù là quán cafe mang đi, bạn vẫn nên có bàn ghế để phục vụ cho những người có nhu cầu ngồi lại (thực tế thì vẫn nhiều người Việt có thói quen ngồi lại quán để được phục vụ và trò chuyện với bạn bè).
– Trang trí: Tranh ảnh, cây cảnh, đồ lưu niệm, tạp chí, sách báo,… Dù quán cà phê nhỏ nhưng bạn vẫn phải tạo điểm nhấn tới khách hàng.
– Đồng phục cho nhân viên: Hầu hết các quán cafe take away đều có đồng phục riêng để tạo sự tôn trọng với khách hàng, đồng thời để nhận rõ thương hiệu của quán cafe. Các yếu tố khác như menu, tông màu của quán cũng phải ăn khớp với màu logo.
4. Menu.
– Xác định thức uống chủ đạo là Cafe, sản phẩm chủ lực là nguồn đem lại doanh thu chính, tạo ra phong cách riêng cho tên tuổi của quán.
– Menu cũng cần đa dạng. Ngoài cafe, quán có thể cung cấp nhiều loại đồ uống khác mà giới trẻ yêu thích.
– Giá bán mỗi món đồ uống phải tạo sự cạnh tranh với các cửa hàng khác. Thông thường hiện tại, mỗi món đồ uống tại các quán cafe take-away dao động từ 40.000 – 60.000 đồng.
5. Marketing.
Quán mới mở nên có chiến dịch quảng cáo. Để tiết kiệm chi phí, nên quảng bá chủ yếu bằng 2 phương pháp: quảng cáo trực tiếp và thông qua mạng xã hội.
– Quảng cáo trực tiếp: Tới thẳng các văn phòng doanh nghiệp, trường học, công sở ở xung quanh vị trí quán mở ra. Tận dụng quảng cáo truyền miệng rất quan trọng. Hình thức quảng cáo có thể là tặng thêm (khi mua nhiều), giá ưu đãi,…
– Quảng cáo trên mạng xã hội: Tuyên truyền, thông tin qua Facebook để nhiều người biết đến quán hơn.
Với số vốn không lớn, nếu kinh doanh tốt, sau 3 tháng, cửa hàng Take-away của bạn sẽ bắt đầu thu lời. 
 
Theo Cafebiz.