Cái tên Huỳnh Kim Tước không còn xa lạ với giới công nghệ, khi mà cái tên ấy đã gắn liền với Google rồi Facebook tại Việt Nam. Nhưng không phải cư dân mạng nào cũng biết “ông cố vấn” chưa bao giờ tự xem mình là người chinh phục, mà chỉ là kẻ luôn nỗ lực theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình.
* Đã và đang làm “ông cố vấn” cho hàng loạt tập đoàn, quá trình này diễn ra thế nào, thưa anh?– Trước hết tôi muốn chia sẻ là tôi gặp nhiều may mắn, từ cơ duyên này nối tiếp cơ duyên khác nên tôi mới có dịp tiếp cận các cơ hội tốt. Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể đạt được mục tiêu của bản thân nếu có niềm đam mê và sự kiên trì.
Tôi may mắn là được tập trung vào những việc mình thích làm, và khi đã có đam mê thì sẽ có sự kiên trì cần thiết để đạt được những gì mình muốn. Hơn thế nữa, sự kết hợp giữa đam mê và kiên trì thường sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới mà lúc đầu chúng ta không ngờ tới.
Vì mỗi người mỗi khác nên tôi chỉ đề cập đến những yếu tố mà mọi người có thể chủ động và tự điều khiển được, đó là niềm đam mê và sự kiên trì để tạo ra nỗ lực tối đa.
*Vì sao anh có những nỗ lực lớn đến vậy?
– Chuyện này cũng dễ hiểu. Có thể vì giống như đại đa phần các bạn trẻ khác, tôi đến từ hoàn cảnh khiêm tốn nên ngoài nỗ lực của bản thân ra thì không còn cách nào khác.
Một phần nữa, là những nơi tôi từng trải qua rất đề cao tính hiệu quả trong công việc chứ không xem trọng hình thức, vì vậy tôi phải nỗ lực hết mình để vươn lên.
* Ai là người có ảnh hưởng đến anh nhất? Vì sao?
– Là một ông lão khoảng 90 tuổi, không biết tên gì mà chỉ nghe người ta gọi là ông Sáu. Hồi nhỏ khi còn ở quê (Hóc Môn), tôi thường thấy ông Sáu đi nhặt rác để làm sạch môi trường dưới chân một chiếc cầu bắc qua con kênh nối liền với cái chợ làng.
Một lần, tôi thấy ông vừa nhặt xong rác thì có bốn, năm thanh niên lại vứt rác xuống. Ông Sáu la họ nhưng những thanh niên này trêu chọc là ông già nhiều chuyện và tiếp tục vứt rác, còn ông lão lại cặm cụi nhặt rác.
Mong muốn đóng góp thay đổi môi trường sống bằng cách đi khắc phục hậu quả do người khác gây ra của ông Sáu đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.
Ông Sáu giờ đã mất rồi nhưng tôi luôn hướng tới tinh thần của ông là giữ môi trường sạch, nhưng không phải bằng cách khắc phục hậu quả của con người gây ra, mà là thay đổi hành vi con người để họ không xả rác nữa.
Đôi khi một người bình thường, không cần phải nổi tiếng hay có quyền lực tối cao, vẫn có thể là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với một người khác.
* Một ngày nọ, thức dậy ở một nơi xa lạ, “không tình, không tiền”, phản ứng đầu tiên của anh sẽ là…
– Các nhà xã hội học coi con người là động vật xã hội (social animal), tức là con người có đặc tính xã hội từ khi mới sinh. Đó là nhu cầu tương tác với những người khác, một nhu cầu tối quan trọng. Chính vì thế ai thức dậy thì cũng vì “tình và tiền”.
“Tiền” được hiểu rộng là bao gồm các loại vật chất cho cuộc sống như thực phẩm, quần áo… “Tình” được hiểu là tình yêu, tình thương, tình người… Việc thiếu những thứ này sẽ là mối đe doạ cho cuộc sống, vì đó là những nhu cầu cơ bản của con người. Vì thế bất cứ ai cũng tìm đủ cách để có được chúng.
Về khía cạnh tâm lý thì khi chúng ta thiếu thốn nhu cầu cơ bản, chúng ta sẽ tìm cách bù đắp, và đôi khi cách chúng ta bù đắp lại không đem lại kết quả như mong đợi.
Một ví dụ cụ thể là có một số nơi trên thế giới đầu tư rất ít cho các chương trình giáo dục giới tính, thậm chí bàn về việc này còn bị cộng đồng cho là vấn đề nhạy cảm tiêu cực. Kết cục là những nơi này thường có rất nhiều người dân lên mạng tự truy tìm thông tin liên quan.
Theo thống kê của Google Trend thì những thị trường có tần suất tìm các từ khoá “sex” cao là những thị trường có truyền thống khá kín đáo trong việc trao đổi các chủ đề liên quan đến sex, cũng như vấn đề giáo dục giới tính trong trường lớp.
Khi một nhu cầu cơ bản bị cho là xấu thì nó sẽ hoạt động một cách không công khai và ẩn mình. Cuối cùng là nó sẽ bị đưa vào bóng đêm và con người càng khó hiểu hơn, khó quản lý hơn.
*Giả sử bị cách ly trong một căn phòng và cả ba thứ sau đều trong tầm mắt anh: một túi có 1 tỉ USD, một tủ sách quý, một chiếc máy tính có nối internet, thì thứ nào anh sẽ tìm đến đầu tiên? Vì sao?
– Ở trong căn phòng biệt lập thì 1 USD hay 1 tỉ USD cũng không khác gì nhau. Còn tủ sách chỉ là kênh thông tin một chiều mà không có cách nào tương tác, đọc hết rồi thì chỉ biết vậy chứ không thể đóng góp được gì. Như vậy máy vi tính có internet là lựa chọn tối ưu.
Lý do chọn lựa thì có hai cách nhìn từ góc độ quản trị kinh doanh: cách thứ nhất, là theo tháp nhu cầu của Maslow thì máy vi tính với internet cho phép bạn đạt đến tầng cao nhất trong tam giác Maslow, đó là sự thể hiện khả năng hoàn thiện bản thân.
Muốn làm được việc này thì cần có thông tin phong phú mà internet làm điều đó tốt nhất. Cách thứ hai, là theo thuyết ưu tiên cho điều quan trọng nhất của Stephen Covey, khi ở trong một căn phòng thì việc quan trọng nhất là tiếp cận thế giới bên ngoài, vì thế internet là lựa chọn đầu tiên.
* Anh học được những gì từ nhà trường và từ các tập đoàn anh đã trải qua?
– Làm cho Google hoặc Facebook hai năm còn đáng giá hơn lấy bằng MBA, vì các công ty này thực tế hoá những lý thuyết về quản lý, marketing và chiến lược mà không có trường lớp nào dạy.
Hơn thế nữa, họ thu hút các nhà lãnh đạo và quản lý vừa giỏi giang vừa có tâm huyết, và nhất là trong giai đoạn đầu khi công ty còn dưới 5.000 nhân viên, bạn có nhiều cơ hội tương tác với các bậc quản lý cấp cao.
Ví dụ, có lần trong lúc tôi và một đồng nghiệp tại Google đang trao đổi về xu hướng phát triển của internet trong tương lai tại căntin của công ty thì nhận ra ông Vinton Cerf đang ngồi bàn kế bên. Thế là chúng tôi đến chào ông và được nghe chính cha đẻ của internet nói về internet.
Hay có lần vào năm 2006, trong lúc nhóm đồng nghiệp chúng tôi họp với CEO của Google và có một số thắc mắc về một dự án mà nội bộ gọi là Android, thì được đích thân Eric Schmidt cao hứng tiết lộ công ty đang tìm đối tác thiết bị mobile để cho ra đời một hệ điều hành cho điện thoại thông minh có khả năng thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau trong tương lai.
Nhà trường có giá trị hàn lâm của nhà trường, nhưng môi trường làm việc tốt mới chính là nơi cung cấp những giá trị vô cùng hữu ích từ kiến thức thực tế mà không có trường nào dạy.
* Học về tâm lý học và quản trị công, ra trường làm trong ngành công nghiệp ôtô rồi địa ốc và công nghệ… điều gì giúp anh thành công ở nhiều lĩnh vực?
Tôi không có tài năng gì đặc biệt cả. Tuy nhiên tôi rất tập trung khi đã quyết tâm làm một việc nào đó.
Lần đầu tiên tôi phát hiện việc này cũng khá tình cờ: khi còn học trung học, một ngày nọ trong khi luyện tập cú hattrick xoay người để ghi bàn (môn bóng rổ), tôi phát hiện chỉ có thể ghi bàn hiệu quả nhất sau khi lặp đi lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến lúc xoay người đúng nhịp và đúng cách mà không cần suy nghĩ gì nữa. Đây là phương pháp tập trung cao độ và nó còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như nhịp (rhythm), nhập tâm (zone)…
Sau này tôi nghe những người như Micheal Jordan nói về trạng thái “in the zone”, tức là nhập tâm khi thi đấu, và trong trạng thái đó anh nói rằng anh cảm thấy các đối thủ chạy chậm lại trong khi mình lại chạy với tốc độ nhanh, lưới bóng bỗng rộng ra hơn nên ném là vào.
Lúc này tôi bắt đầu thấy là có nhiều người từng đạt được trạng thái xuất thần này, nhưng không thấy ai hướng dẫn cách thức làm sao để đạt được trạng thái đó một cách dễ dàng và trong mọi tình huống.
Từ đó về sau tôi cố gắng áp dụng để đạt được trạng thái đó vào những việc tôi làm. Tuy nhiên cách tôi làm là thường phải tập đi tập lại động tác hoặc tìm hiểu vấn đề tôi quan tâm rất kỹ thì mới có cảm giác nhập tâm. Muốn vậy thì chỉ có sự đam mê mới làm nổi.
* Theo anh, làm thế nào để phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân trong xã hội?
Đây là một câu hỏi khá thú vị, và tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về nâng cao năng lực bản thân hơi khác những gì chúng ta từng trải nghiệm và được giáo huấn bao năm qua.
Không riêng gì tại Việt Nam, mà hầu như những ai từng nghĩ đến nâng cao năng lực thì điều đầu tiên là xem lại bản thân có những nhược điểm nào rồi cố gắng đầu tư công sức và tiền của để cải thiện điểm yếu đó.
Chẳng hạn một sinh viên thấy tiếng Anh của mình kém quá nên phải học thêm tiếng Anh vào buổi tối, hoặc một doanh nhân lo ngại phát biểu nên đi đăng ký học kỹ năng nói trước đám đông. Đấy là những hoạt động mà chúng ta cho rằng quan trọng nhất cần phải làm để nâng cao năng lực bản thân.
Trên thực tế, khi chúng ta theo đuổi những gì mình không thích hoặc không có năng khiếu thì khả năng nâng cao kỹ năng đó đến mức tối đa là gần như không thể.
Ngược lại, nếu chúng ta tập trung vào việc hoàn thiện những gì mà chúng ta thích hoặc có năng khiếu thì khả năng phát huy tối đa năng lực là rất cao.
Hiểu một cách đơn giản, nếu bạn thích hoặc có khiếu về đàn guitar thì hàng ngày bạn đến câu lạc bộ âm nhạc là để chơi đàn, còn nếu bạn không có khiếu về guitar mà chỉ muốn biết chơi để khắc phục điểm yếu thì bạn đến câu lạc bộ là để học guitar. Khi chơi thì ngoài việc phát huy tối đa năng lực của mình, người chơi còn cảm thấy thoải mái và không bị stress, còn người đi học sẽ bị áp lực chạy theo các bạn trong câu lạc bộ.
Những tập đoàn lớn đang phát triển nhanh rất cần những nhân viên và nhà quản lý có thể phát huy tốt đa năng lực của mình. Họ đã nhìn thấy được điều này và khuyến khích toàn thể nhân viên cũng như các đối tác nên ưu tiên tập trung vào việc phát huy thế mạnh bản thân như là mục tiêu trọng tâm. Việc khắc phục điểm yếu của bản thân chỉ nên thực hiện như là một thử thách khi các công việc trọng tâm đã được hoàn tất.
* Theo anh, công nghệ tạo cơ hội thế nào cho Việt Nam đi lên? Ở góc nhìn của anh, internet đóng góp gì cho kinh tế Việt Nam?
Huỳnh Kim Tước quê ở Hóc Môn, TP.HCM. 12 tuổi theo gia đình sang Mỹ định cư. Tốt nghiệp đại học ngành tâm lý, thạc sĩ quản trị công tại Hoa Kỳ. Ra trường, anh làm cho chương trình giúp phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Năm 1996, anh trở về Việt Nam.
Trước khi là cố vấn của Facebook, Huỳnh Kim Tước từng là giám đốc chiến lược sản xuất của Mecedes Benz, cố vấn cho Google tại Việt Nam, và giám đốc trung tâm Chăm sóc khách hàng của công ty Phú Mỹ Hưng. |
– Theo báo cáo mới nhất của Mckinsey Report, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cho biết khi áp dụng công nghệ web vào hoạt động thì doanh thu tăng 9,4% và chi phí giảm 6,8%.Trong khi nhiều doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn, internet chính là kênh mà Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác để đẩy mạnh sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và giúp doanh nghiệp phát triển nói riêng.
Hiện nay tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam là 38%, cao hơn một số nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Indonesia. Và theo thống kê (EIU, Global Bank, Kleiner Perkins) thì Việt Nam có mức tăng trưởng người dùng internet băng thông rộng trên điện thoại di động là 358%.
Như vậy Việt Nam có một nền tảng tốt để có thể phát triển thương mại điện tử, và đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra hướng đi mới thông qua kênh trực tuyến.
* Sau những công việc đã trải qua, liệu có lúc nào đó anh sẽ chinh phục một lĩnh vực khác?
– Tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ chinh phục bất kỳ lĩnh vực nào và cũng không muốn chinh phục. Tôi chỉ thích làm việc gì thì theo đuổi điều đó đến cùng mà thôi.
Nhân đây có câu chuyện vui tôi muốn chia sẻ. Có một số doanh nhân và nhân viên văn phòng hỏi tôi thường luyện tập tại phòng gym nào, ở đâu và tập luyện như thế nào mà không tốn nhiều thời gian, tiền của để có được cơ thể khoẻ khoắn.
Thú thiệt là tôi là chưa từng đi gym, không mua thiết bị gì đặc biệt và cũng không tốn nhiều thời gian cho việc luyện tập. Chẳng qua là do tôi tự thiết lập một số thói quen, những bài tập đơn giản kèm theo chế độ ăn uống phù hợp và cứ thế mà làm theo.
Tôi thực sự thấy việc này rất đơn giản, nhẹ nhàng và thoải mái nhất là trong điều kiện phải đi công tác thường xuyên và làm một công việc phải ngồi một chỗ nhiều. Đây cũng là một phương pháp mới và rất hữu ích trong việc nâng cao năng lực bản thân.