Chủ động phòng và giảm thiểu thiệt hại khi có các quyết định tài chính sai sẽ giúp tăng độ an toàn cho ngân sách của bạn.
Mỗi ngày, bạn phải đưa ra rất nhiều quyết định tài chính và dù quyết định đó lớn hay nhỏ, nó cũng sẽ ảnh hưởng tới thu nhập cũng như khoản đầu tư cho tương lai. Sai lầm trong những quyết định là dễ mắc phải, vì thế, chuẩn bị sẵn một chiến lược hành động cũng như tâm lý sẽ giúp bạn vực dậy nguồn tài chính từ trong tình trạng nguy hiểm. Forbes đã tổng hợp nên hai chiến lược “chủ động” và “đối phó” giúp bạn giữ được nguồn tài chính cá nhân vững chắc.
Chiến lược “chủ động” bao gồm giáo dục và chuẩn bị. Khi bạn có càng nhiều kiến thức cơ bản về tài chính như kế toán, đầu tư, định mức rủi ro…, bạn sẽ biết cách kiểm soát tài chính cá nhân thông qua hệ thống ghi chép thu chi khoa học hoặc lập được kế hoạch chi tiêu hợp lý. Ngoài ra, đầu tư vào bảo hiểm sẽ giúp bạn chuẩn bị nguồn ngân sách dự phòng nếu tình trạng đã trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, ngay cả khi được giáo dục và chuẩn bị, bạn vẫn có thể mắc phải sai lầm. Khi đó, hãy áp dụng chiến lược “đối phó” thông qua 4 điểm cơ bản sau:
1. Đừng hoảng sợ. Cố gắng thư giãn và đừng khiến sai lầm trầm trọng hơn. Bỏ nó qua một bên để cho bản thân thời gian xem xét các biện pháp giải quyết hợp lý.
2. Nếu có thể, hãy giảm bớt thiệt hại. Đảo ngược lại quyết định bằng cách hủy các hợp đồng tài chính đã ký, trả lại số tài sản đã mua… Phần thu được sẽ bù đắp số thiệt hại mà nguồn tài chính sẽ phải gánh chịu.
3. Không nên “cố đấm ăn xôi”. Khi bạn đã lỡ chi tiêu 5% thu nhập vào một khoản không sinh lời, hãy nhanh chóng cắt lỗ thay vì rót thêm tiền vào đó để mong thu lại được phần vốn đã bỏ ra.
4. Giữ vững mục tiêu của bạn trong tâm trí. Luôn nhớ rằng: Thất bại chỉ là rào cản tạm thời trên hành trình của bạn để đạt được điều quan trọng hơn trong tương lai, khép lại quá khứ và hi vọng vào ngày mai, có thể thất bại nhưng không thể tuyệt vọng.
VnExpress (Theo Forbes)