Tiền bạc và hạnh phúc gia đình

Hình như trong đời ai cũng một đôi lần suy ngẫm về tiền bạc, nguyền rủa có, xưng tụng có, nhưng ít người có quan niệm đúng đắn về vai trò, vị trí và ảnh hưởng của nó đối với hạnh phúc gia đình

Tiền bạc có phải là con dao hai lưỡi?

Theo các chuyên gia tâm lý, sau khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng thường trải qua ba giai đoạn: giai đoạn “làm quen thực tế”, giai đoạn “nỗ lực thích nghi” và giai đoạn “ổn định, phát triển cuộc sống”. Ở một chừng mực nào đó, tương ứng với ba giai đoạn nói trên là ba hoàn cảnh sống thường gặp nhất của cuộc sống vợ chồng: chật vật, vừa đủ và giàu có.

Theo thống kê, tỉ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng có cuộc sống chật vật và giàu có bao giờ cũng cao hơn những cặp có cuộc sống vừa đủ. Tại sao ư? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xem ra tiền vẫn là nguyên nhân “nặng ký” nhất. Nếu gặp cuộc sống khó khăn mà vợ chồng không đủ niềm tin và tình yêu trao cho nhau thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và lời qua tiếng lại. Hoặc, một khi đã có “của để dành” mà vợ chồng không biết làm chủ bản thân thì cũng rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, như: rượu chè, cờ bạc, con cái hư hỏng, ông ăn chả bà ăn nem…

Thế là, tiền bỗng dưng trở thành “dâu trăm họ”, kẻ xưng tụng, người chê bai. Khi hạnh phúc, sung sướng người ta bảo nhờ tiền; khi gây gổ, bất hòa người ta lại bảo “vì” tiền! Thật ra, tiền bạc chẳng có tội tình gì, có chăng là do suy nghĩ, thái độ và quan điểm của chúng ta về nó lệch lạc, méo mó mà thôi. Về bản chất, tiền là vật vô tri vô giác, tự thân nó không xây dựng được hạnh phúc cũng như không có sức phá hủy hạnh phúc của con người. Con người có thể làm ra đồng tiền, có thể mưu cầu hạnh phúc qua đồng tiền, nhưng không vì thế mà nó có khả năng định đoạt số phận của một cuộc hôn nhân. Tiền không phải là con dao hai lưỡi, chỉ có cái nhìn của chúng ta là hai mặt mà thôi.

Của chồng công vợ

“Sau khi kết hôn, hãy tập nói “của chúng ta” thay vì nói “của tôi” như trước đây”, đó là lời nhắn nhủ tuyệt vời nhất mà các nhà tâm lý muốn chia sẻ với tất cả các cặp vợ chồng. Ông bà ta cũng từng nói: “Của chồng công vợ”, tài sản mà hai người cùng nhau dành dụm, cho dù do ai làm được, đều là của chung. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự là “tuy hai mà một – tuy một mà hai” và trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau.

Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng cũng nên thành thật với nhau về mặt tài chính, một trong hai đừng nên bao giờ “dại dột” gây tò mò cho người kia bằng cách tạo sự “bí mật” về mức thu nhập, mức lương và cả việc chi tiêu hằng tháng của mình. Tốt hơn hết là vợ chồng nên có chung một tài khoản. Trên thực tế, đi vào cuộc sống gia đình là đi vào một thỏa thuận ngầm: Vợ chồng là “nô lệ” của nhau (nên cùng là “ông chủ” của nhau). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chồng (hoặc vợ) không có quyền giữ lại một phần trong mức thu nhập của mình để chi tiêu cho những mục đích cá nhân, mà quan trọng là phải minh bạch cho nhau biết.

Một điều cũng khá tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau như thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia? Trong trường hợp chồng có thu nhập cao hơn vợ, điều tối kỵ nhất là người chồng không nên làm “quản gia” trong việc chi tiêu hằng ngày của gia đình, tức là không nên “đếm tiền cho vợ đi chợ”. Còn trong trường hợp vợ có mức thu nhập cao hơn chồng thì vấn đề có vẻ cần phải tế nhị hơn nữa. Người vợ cần phải biết cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Mặc dù hoàn toàn có khả năng tự lo chi tiêu cho cả gia đình nhưng tốt hơn hết là hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm đó với mình, có như vậy người chồng mới tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng hơn.

Thảo luận thẳng thắn để đi đến thống nhất

Trên thực tế, quan niệm về tiền bạc quá khác nhau cũng rất có thể sẽ khiến cuộc sống đôi lứa mất hạnh phúc, trong đó nguy hiểm nhất là quan niệm khác nhau về cách chi tiêu và mục đích của việc chi tiêu tiền bạc hằng ngày. Chẳng hạn: Chồng thì thích cuộc sống thoải mái, phóng khoáng nhưng vợ thì thích tằn tiện, tính toán chi ly; vợ thì thích làm từ thiện nhưng chồng thì không; chồng thì thích mạo hiểm đầu tư tiền bạc để làm ăn lớn nhưng vợ thì lo sợ chỉ muốn gửi ngân hàng để hằng tháng lấy tiền lãi cho chắc ăn. Tất cả những mâu thuẫn trên đều rất có thể là nguyên nhân cho những cuộc khẩu chiến hay “chiến tranh lạnh” giữa hai vợ chồng.

Vì vậy, tốt nhất là vợ chồng nên ngồi lại thảo luận vấn đề này một cách thẳng thắn trên tinh thần cởi mở và bình đẳng. Ở một chừng mực nào đó, bản chất của thảo luận là tranh cãi, nơi đó lập trường và chính kiến của mỗi người sẽ được bộc lộ một cách rõ ràng nhất do đó sẽ là cơ hội tốt để hiểu nhau hơn. Do đó, chỉ bằng cách duy nhất là thảo luận, vợ chồng mới có thể đi đến thống nhất trong việc sử dụng đồng tiền như thế nào trong quá trình mưu cầu hạnh phúc chung của hai người.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nên thảo luận lúc nào thì tốt nhất? Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, vấn đề này nếu được thảo luận càng sớm thì càng tốt, thậm chí là vợ chồng có thể bàn đến nó ngay cả trước khi kết hôn.

Hoài Ân – nld.com.vn