Không ít cha mẹ học sinh (CMHS) hiện nay cho rằng tiền bạc là thứ nhạy cảm và không nên trao đổi với con cái về điều này. Tuổi còn nhỏ, các con chỉ có việc học tập sao cho thật giỏi, nói chuyện tiền bạc với con sẽ làm con mất tập trung. Chính nhận thức sai lầm này đã khiến nhiều học sinh tiêu tiền không kiểm soát, đua đòi, hư hỏng trong khi một số học sinh có tiền lại không biết tiêu vào việc hữu ích.
5 sai lầm khi dạy con về tiền bạc
Theo chị Trần Lê Linh, cán bộ dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh trong trường học” của Trung tâm tài chính vi mô và phát triển, nhiều CMHS hiện nay dạy con chưa đúng, trong đó mắc 5 sai lầm phổ biến là nói dối khi con đòi mua thứ gì đó chẳng hạn như không có tiền hay không ở đâu bán thứ đó…; không dám nói chuyện với con về tiền bạc vì sợ làm hư con; keo kiệt với mong muốn của con; bố và mẹ không thống nhất cách dạy con chi tiêu; chờ con lớn mới dạy cách tiêu tiền.
Chị Linh nhận định: “Nên hướng dẫn con cách tiêu tiền càng sớm càng tốt vì sẽ sớm hình thành thói quen tiêu tiền cho trẻ. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình gặp khó khăn về tiền bạc do khủng hoảng kinh tế. Con cái cũng cần hiểu nỗi vất vả của cha mẹ. Khi hiểu được giá trị của đồng tiền, con sẽ biết trân trọng sức lao động, biết cách chi tiêu tiết kiệm. Sau này cố gắng kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Việc này cũng giúp các em sau này có tính tự lập, lao động mưu sinh chứ không dựa dẫm vào cha mẹ. Đồng thời biết cách tránh xa việc vay nợ, cầm cố dẫn đến bị xiết nợ…”
Bà Neale S.Godfrey, chuyên gia tài chính và gia đình của Mỹ cũng cho rằng ở lứa tuổi từ 3 đến 5, cha mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ các vấn đề liên quan đến tiền. Lúc này con trẻ đã biết cách đòi và muốn sở hữu những đồ vật xung quanh chúng. Dạy trẻ em có ý thức về đồng tiền từ lúc bé sẽ dễ dàng hơn lúc chúng trở thành thanh thiếu niên. Cha mẹ phải chỉ cho con hiểu được giá trị của đồng tiền. Ví dụ, khi đứa bé hỏi về chiếc thẻ tín dụng, phụ huynh cần phải giải thích nó không chỉ là một miếng nhựa đơn thuần mà đó là một bài học về cách chi tiêu và tiết kiệm.
Lợi ích thấy rõ
Việc giáo dục kiến thức tiền bạc cho học sinh gần đây được nhiều trường phổ thông quan tâm. Dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh” được triển khai từ cấp tiểu học đến THPT với sự tham gia của cả học sinh và CMHS đã giúp HS thực hiện các hành vi như lập bảng ngân sách cá nhân, theo dõi ngân sách; tạo cơ hội cho CMHS tham gia các sự kiện, các cuộc đối thoại, hỏi đáp và tham dự cuộc thi về cách chi tiêu cũng như giáo dục con chi tiêu hợp lý.
Một trong những trường tại Hà Nội chú trọng đến việc giáo dục tài chính cho học sinh là trường PTCS Nguyễn Đình Chiều. Trường đã triển khai rộng chương trình “Giáo dục tài chính cho học sinh trường học” nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về tài chính cho học sinh, từ đó chuẩn bị cho các em kiến thức cơ bản để bước vào cuộc sống khi trưởng thành. Trường cũng đã thực hiện nhiều hoạt động lồng ghép trong công tác giáo dục và các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh. Trong đó có rất nhiều hoạt động kêu gọi học sinh thực hành tiết kiệm, giúp đỡ học sinh khó khăn như: “Chào xuân mới kết nối yêu thương”, “Phong trào hỗ trợ bạn nghèo đón tết cổ truyền”, “Xổ số yêu thương”…
Việc giáo dục tài chính đã mang lại hiệu quả thực tế. Chị Vũ Hồng Chuyên vừa là giáo viên tiểu học của trường, đồng thời là phụ huynh của học sinh Lê Triệu Anh (lớp 6) kể lại câu chuyện của bản thân: “Theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh tiểu học được tiếp cận với tiền từ lớp 2 với bài học “tiền Việt Nam”. Và chúng tôi cũng bắt đầu lập một kế hoạch giáo dục con về tiền bạc. Tôi bắt đầu cho con quản lý tiền giúp mẹ qua việc mua những đồ dùng có giá trị trong phạm vi 5 nghìn mà không cần hỏi ý kiến của mẹ nhưng mua xong phải báo cáo với mẹ. Ngay tết năm đó, tôi cho con quản lý tiền mừng tuổi và các khoản tiền thưởng. Sau tết, con đã mua được 1 chiếc xe đạp của Nhật. Nhiều người bảo mua chiếc xe như vậy là lãng phí? Tôi lại cho rằng, người tiết kiệm không phải là mua những thứ rẻ mà là mua những thứ hữu dụng, hiệu quả trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Tôi cũng cho con tự giữ tiền hàng ngày. Được mẹ tin tưởng, con rất có ý thức và còn cẩn thận hơn mẹ. Cháu sắp xếp rất gọn gàng, thỉnh thoảng mang ra kiểm tra và tự tính toán xem với số tiền đó có thể mua được những vật gì, làm những việc gì. Con đã dùng số tiền đó để mua bộ làm sữa chua, góp tiền đi du lịch, mua cây trồng hàng rào quanh vườn…”
Tuy nhiên, trường hợp như câu chuyện của chị Hồng Chuyên chưa nhiều. Trong các gia đình vẫn còn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khi trò chuyện về tiền bạc. Các em thường lo lắng mỗi lần xin tiền và phải giải thích “tiêu tiền vào việc gì? tại sao và như thế nào?”. Nhiều phụ huynh còn vặn vẹo hỏi đi hỏi lại và lén xem ví tiền của con còn bao nhiêu. Để giảm dần khoảng cách này, theo các chuyên gia, giao tiếp chính là chìa khóa để cha mẹ thiết lập mối quan hệ thân thiết và xây dựng sự tin tưởng ở con. Trong quá trình trò chuyện, cha mẹ cần tạm dừng những việc khác nếu thấy con muốn nói chuyện, đặc biệt khi con khẳng định có điều gì muốn nói; chăm chú lắng nghe, không cắt lời khi con đang kể về vấn đề của con và kiên trì lắng nghe cho dù bạn đang mệt mỏi vì công việc; tôn trọng con bằng cách không xâm phạm vào đời sống riêng tư của con như lục ví tiền hay vật dụng cá nhân đồng thời khích lệ, đánh giá cao việc con mạnh dạn chia sẻ vấn đề của mình với bố mẹ; không sử dụng những từ ngữ làm con xấu hổ, bẽ mặt trước người khác như “trẻ con biết gì, dốt nát…”
Nếu bạn muốn dạy con cách sống và tiêu tiền, chính các bạn cũng cần phải biết rõ về điều đó. Ngay hôm nay, hãy đăng ký khóa học “Định Hướng Quản Lý Tài Chính Cho Trẻ” tại đây bạn nhé!
Hùng Sơn
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 44 (tháng 9/2013)