7 lỗi thường gặp khi thay đổi thói quen

Thay đổi một thói quen là điều rất đáng kể mà bạn có thể làm được cho mình và những người khác. Nhưng rõ ràng, nó không đơn giản. Thậm chí, sẽ rất khó khăn để thay đổi nề nếp nào đó khi bạn vẫn tiếp tục mắc những lỗi trong quá trình cải tạo bản thân. Phần dưới đây sẽ chỉ ra những lỗi thường gặp này. Rất có thể, từ việc nhìn ra chúng, bạn sẽ thấy việc thay đổi thói quen dễ dàng hơn một chút. Từ đó, tạo nên những biến chuyển thực sự lâu dài trong đời.

Cố gắng thay đổi quá nhiều thói quen cùng một lúc

Có thể nói, đây dường như là lỗi hay gặp nhất. Nói chung, tất thảy chúng ta đều dễ bị cuốn theo niềm cảm hứng và hy vọng dạt dào về việc xây dựng được một cuộc sống nề nếp, trật tự. Điều đó hẳn nhiên chẳng có gì sai. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, bạn sẽ khó duy trì mọi thay đổi cùng một lúc cho tới khi những thói quen mới được thiết lập và đi vào ổn định. Có thể bạn sẽ ngập tràn hưng phấn trong một hoặc hai tuần đầu tiên. Nhưng chẳng chóng thì chầy, cuộc sống sẽ nảy sinh những sự kiện mang tính “ngáng chân”, hoặc sự căng thẳng vì phải làm quá nhiều việc cùng lúc với những khó khăn cả khách quan và chủ quan sẽ khiến bạn phải đầu hàng.

Thay đổi thói quen là nỗ lực tinh thần rất to lớn. Bạn sẽ phải chống lại những lúc tâm trí chỉ chực kéo bạn trở lại với những trật tự đã quá quen thuộc trong thời gian dài (ngay cả khi sự quen thuộc đó chưa hẳn đã tốt). Thậm chí, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những phản ứng của mọi người xung quanh khi họ thắc mắc về sự thay đổi của mình.

Việc chỉ thay đổi duy nhất một thói quen tại một thời điểm thoạt nghe có vẻ hơi nhàm chán. Nhưng liệu bạn có muốn rơi vào tình huống, trong khi bạn rất sung sướng vì nghĩ rằng mình đang thực sự thay đổi cuộc sống, nhưng thực ra kết quả thu lại chẳng có là bao? Hay bạn mong muốn tạo ra một thay đổi đích thực?

Lời khuyên của tôi với bạn là, hãy tiến hành với một thói quen mà bạn có nhu cầu thay đổi ngay bây giờ, và chỉ tập trung vào nó. Hãy gạt đi một tiếng thì thầm con trẻ có thể đôi lúc sẽ vang lên trong bạn “Tôi muốn thay đổi tất cả ngay bây giờ”.

Nghĩ rằng mọi việc sẽ trơn tru và nhanh chóng thôi

Khi cố gắng bổ sung thói quen tập thể dục mỗi tuần, tôi nghĩ mình đã thất bại khoảng 4 lần trước khi nó dứt hẳn.

Có một thực tế là bạn nên làm điều gì đó liên tục trong suốt 21 ngày, và nó sẽ trở thành thói quen mới của bạn. Với tôi, khoảng thời gian cần thiết nhiều hơn thế. Có vẻ như nó rắc rối hơn.

Rõ rằng, để bắt nhịp và hòa điệu với một thói quen mới sẽ đòi hỏi bạn những nỗ lực đáng kể. Nó sẽ gây ra cho bạn khá nhiều khó chịu. Đã có vài thói quen xấu tôi không thể dễ dàng loại bỏ nếu chỉ trong vài tuần thử nghiệm.

Vì thế, hãy cho phép bạn ít nhất 60 ngày, thậm chí tới 90 ngày để có thể làm quen với một thói quen mới. Và hãy chấp nhận một vài sai sót hay thất bại trong thời gian đó.

Không tìm ra phương pháp phù hợp

Khi muốn giảm cân và nâng cao năng lượng cho cơ thể, tôi biết mình cần tập thể dục nhiều hơn. Tôi đã thử chạy. Tôi cũng đã thử đạp xe trong phòng tập. Nhưng cả hai môn đó chẳng thú vị chút nào. Tôi thực sự không thích.

Tôi đã không thể hình thành được thói quen tập thể dục cho đến khi tôi bắt đầu tham gia các bài luyện cơ bắp từ hồi đầu năm 2009. Tôi thích môn này vì nhịp độ nhanh cũng như cường độ tập, thêm nữa, tôi có thể tập chúng ở bất cứ chỗ nào, miễn là có sàn nhà. Tất cả những tiện ích ấy đã thực sự giúp tôi gắn bó được với chế độ luyện tập.

Thế nên bạn hãy thử nghiệm. Hãy tìm ra cho mình giải pháp phù hợp nhất, một giải pháp mà bạn có thể tiếp tục theo đuổi trong một thời gian dài và gặt hái được những ích lợi từ nó.

Lưu luyến thói quen cũ

Tâm trí bạn thoạt đầu hiển nhiên không thích thú gì khi bạn vượt ra khỏi vùng an toàn để thay đổi những thói quen. Bạn sẽ khó chịu. Có thể, bạn sẽ thấy một sự đau đớn nào đó. Cơ thể bạn đang phản ứng bằng những tín hiệu cho thấy một cái gì đó không giống như nó vẫn thế trong lâu nay. Có lẽ, nó sẽ bảo với bạn rằng, bạn đang làm gì đó có vẻ không “an toàn” và quen thuộc. Chúng ta rất dễ hồi cố lại sự thoải mái quen thuộc và có mong muốn được trở về với những thói quen cũ. Vậy thì bạn cần làm gì?

Bạn cần hiểu rằng, đây có thể chính là cách sự thay đổi thói quen sẽ diễn ra. Tâm trí bạn thoạt tiên sẽ phản kháng. Cũng có thể, đúng là có những lợi ích từ những thói quen cũ. Nhưng bạn phải chấp nhận là mình đang từ bỏ những lợi ích đó vì những lợi ích tốt hơn thế từ thói quen mới đang thiết lập.

Thế nên, nếu cảm thấy mình đang có ý trở lại những thói quen cũ, bạn hãy tự nhắc nhở rằng tâm trí đang chơi khăm bạn. Hãy hướng bản thân về những điều mới mẻ, tốt đẹp bạn sẽ gặt hái được với thói quen mới.

Quá cầu toàn mà không chấp nhận sự tiến bộ từng bước

Hãy để bạn được thoải mái. Trong trường hợp ngay cả khi đã tự nhắc mình về những lợi ích của thói quen mới mà bạn vẫn cố tình trở về với thói quen cũ, bạn cũng đừng tự sỉ vả bản thân. Đó không phải điều gì quá nghiêm trọng. Đôi khi chúng ta vẫn vậy. Chỉ có điều, hãy tiếp tục duy trì thói quen mới thiết lập. Bạn cần hiểu rằng, mình sẽ rút kinh nghiệm để không tiếp tục vấp phải những sai lầm như thế.

Quá cầu toàn trong những thay đổi lớn như vậy sẽ chỉ khiến bạn tự đặt ra cho mình thêm rào cản, và điều đó chẳng giúp được bạn gì thêm.

Hoang mang khi chấm dứt một thói quen

Nếu bạn quyết định dừng làm việc gì đó, như giảm bớt lượng thức ăn và bánh kẹo ăn vào, bạn sẽ tạo ra một khoảng trống. Tất nhiên là bạn có thể làm được điều này. Nhưng tôi nhận thấy, bạn sẽ dễ dàng thực hiện điều ấy hơn nếu thay thế một thói quen cũ bằng một thói quen mới và tích cực hơn. Bạn có khỏa lấp khoảng trống vừa tạo ra, và có thể, với cách này, bạn sẽ tránh được cho mình tâm lý muốn quay trở lại thói quen cũ.

Chẳng hạn, nếu muốn bỏ thói quen lướt web trong suốt nhiều giờ liền vào buổi tối, bạn có thể thay thế thói quen đó bằng cách đọc sách, hoặc tham gia câu lạc bộ thể thao hay một lớp học nào đó vào buổi tối.

Khi đã có được “phom” người tương đối chuẩn, tôi chất đầy rau củ và các món ăn tốt cho sức khỏe trong tủ lạnh và tủ bếp. Trong nhà tôi không hề có bánh kẹo. Vì tôi biết, mình khó tránh khỏi nhu cầu ăn nếu có chúng trong nhà. Tôi chỉ thay thói quen dùng đồ ăn nhanh bằng những món tốt hơn cho sức khỏe mà thôi.

Không hình dung cụ thể về thói quen mới cần thiết lập

Khi thay đổi thói quen cũ hay thiết lập thói quen mới, bạn có thể sai lầm trong việc không hình dung cụ thể về thói quen này. Điều đó thường dẫn tới tâm lý trì hoãn, cố né tránh việc thực hiện hoặc làm tắt. Hãy hình dung về thói quen mới thật cụ thể và có nền tảng để bạn biết rõ mình cần phải làm gì hôm nay trong khi xây dựng thói quen mới. Điều đó cũng giúp bạn gắn bó lâu dài được với nó cho tới khi, nó trở thành một thói quen thực sự.

Vậy nên, hãy đặt ra kế hoạch xây dựng thói quen thật cụ thể. Chẳng hạn, hãy nói với bản thân là bạn sẽ chạy mỗi lần 15 phút, một tuần 3 lần. Đừng để mình bị cuốn vào những ao ước mù mờ, chung chung theo kiểu: mình sẽ tập luyện nhiều hơn mà thôi.

“Đầu tiên chúng ta tạo ra những thói quen, và sau đó, chúng tạo nên chúng ta”
Charles C. Noble

“Cảm hứng là yếu tố để bạn bắt đầu. Nhưng thói quen mới là cái giúp bạn tiếp tục”
Jim Rohn

Nguồn: timtrongkhobau.vnweblogs