Ngày nay, nhiều người có MacBook và một trang blog cứ nghĩ mình là doanh nhân. Đây là một thực tại khó khăn dành cho thế hệ doanh nhân: tự gọi mình là CEO không khiến bạn trở thành CEO và một đội quân những người theo dõi trên Twitter cũng không khiến bạn trở thành một nhà lãnh đạo. Như lời một nhà đầu tư mạo hiểm thông thái mà tôi từng gặp đã nói thì: “Có những doanh nhân, và có cả những Doanh Nhân”.
Nói ra không phải là để làm tan vỡ hi vọng và mơ ước của bạn, nhưng sự thật là phần lớn những gì thuộc về bạn không thể khiến bạn trở thành một doanh nhân hay lãnh đạo. Tôi biết bạn không muốn nghe điều đó, nhưng đó là sự thật. Và bạn càng sớm nhận ra mình không thể trở thành Mark Zuckerberg bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Đừng hiểu sai ý tôi. Vươn tới đỉnh cao là một điều tuyệt vời. Như Robert Browning đã từng nói: “Tầm với của một người đàn ông nên vượt qua phạm vi quyền lực của anh ta”. Nhưng sau khi trưởng thành trong ngành công nghệ cao và làm việc với hàng trăm CEO, nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân thực sự trong hàng thập kỷ qua, tôi chỉ có thể nói với bạn một từ vốn đã bị lạm dụng quá nhiều và hoàn toàn vô nghĩa.
Vì thế mặc dù không có một mô hình phù hợp với tất cả các doanh nhân đích thực, nhưng theo kinh nghiệm của bản thân tôi vẫn thấy họ có một số điểm chung. Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên, nhưng chính những điểm chung đó đã khiến họ khác biệt hẳn so với những doanh nhân tự phong. Đó chính là những hành động của họ. Điều khiến họ đặc biệt chính là những việc họ làm, và quan trọng hơn là những việc họ không làm.
1. Họ không nghĩ về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Họ hầu hết là những người nghiện việc. Điều đó có nghĩa là công việc luôn được họ ưu tiên số 1. Đó là lẽ sống của họ. Họ không phải là người theo chủ nghĩa tự do, thích sự vui vẻ, thích các ngày nghỉ cuối tuần. Họ sống để làm những việc họ yêu thích, và đó chính là công việc.
2. Họ không cố gắng trở thành người mà họ không thể trở thành
Có lẽ chuyện hoang đường gây tổn hại nhất trong kinh doanh trong nhiều thập kỷ qua là xây dựng thương hiệu cá nhân.Bạn không phải là một sản phẩm và bạn không thể thay đổi con người mình. Bên cạnh đó, các doanh nhân thực sự không nghĩ về bản thân họ. Họ nghĩ về ý tưởng của họ và cách biến chúng thành các sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời. Và sau đó họ phân phối chúng.
3. Họ không làm vì tiền
Họ không than vãn họ đã phải khó nhọc thế nào để gây dựng sự nghiệp. Họ chỉ làm việc đó. Và vì họ đam mê những việc họ làm và tập trung cao độ nên tiền cứ thế chảy vào túi họ.
4. Họ không có các công việc hằng ngày
Các doanh nhân giỏi không chỉ nhúng chân xuống nước. Họ nhảy xuống nước với tư thế đầu xuống trước mà không mảy may nghĩ tới những tảng đá dưới đó. Họ không làm việc này một chút, việc kia một chút. Khi họ bắt gặp điều gì đó mà nghĩ là thực sự hay ho và hứng khởi, họ sẽ nhập cuộc hết mình.
5. Họ không vừa làm vừa sợ
Họ không để tâm tới những giọng nói nhỏ trong đầu – đó là giọng nói luôn cảnh báo bạn rằng mọi việc sẽ hỏng bét. Không phải là họ không biết sợ là gì. Chẳng ai lại không biết sợ cả. Họ chỉ không để nỗi sợ ngăn cản họ mạo hiểm. Mặc dù vậy, họ cũng lắng nghe một số giọng nói: giọng nói của lý lẽ và bản năng của họ.
6. Họ không có những tầm nhìn lớn
Trong khi nhiều người có ảo tưởng rằng họ có số làm những điều vĩ đại- lời tiên đoán thường đem đến sự tự mãn- điều thú vị ở chỗ là những người như vậy không có tầm nhìn lớn đối với công ty của họ. Ví dụ như Zuckerberg, anh đã từng không cố tạo ra một công ty. Anh chỉ muốn đánh giá quan điểm của các bạn cùng lớp mà thôi.
7. Họ không có những cố vấn dày kinh nghiệm ảo
Ngày nay, hầu hết mọi người đi theo đủ loại nhà văn, người viết blog và người tạo tweet. Điều này không có gì sai, nhưng để đạt đến một cái đích nào đó trong cuộc đời này, để làm những điều tuyệt vời, bạn phải có người cố vấn dày dạn kinh nghiệm trong thế giới thực. Cựu chủ tịch công ty Intel, Andy Grove đã cố vấn cho Steve Jobs. Sau đó đến lượt Jobs lại cố vấn cho những người sáng lập nên Google là Larry Page và Sergey Brin. Đằng sau những doanh nhân vĩ đại có ít nhất là một người cố vấn vĩ đại. Một người cố vấn thực sự.
Quan trọng nhất là, các doanh nhân thực sự không tự gọi họ là doanh nhân. Họ không làm những việc mọi người khác đang làm. Họ không theo châm ngôn hay mốt nhất thời. Họ tự tạo ra con đường của riêng họ. Họ là người chỉ huy số phận của chính họ. Đó là thứ tạo động lực cho họ. Và đó là lý do tại sao họ thành công.
(Dịch từ Entrepreneur)