“Những thói quen thường nhỏ bé đến mức ta không nhận thấy, cho đến khi chúng đã quá mạnh mẽ để phá bỏ.” – Samuel Johnson
Có bao giờ bạn gặp vấn đề với việc tạo ra một thói quen mới chưa? Tôi nên hỏi là, có bao giờ bạn không gặp vấn đề với việc tạo ra một thói quen mới chưa? Từ việc dậy sớm, đi chạy hàng ngày, giảm cân, viết nhật ký – ta hãy cùng nhìn thẳng vào sự thật: hầu hết mọi cố gắng thiết lập một thói quen mới đều có một kết cục thảm hại.
Trong cuốn sách “Năm nay tôi sẽ...” của mình, Andy Ryan, một chuyên gia về tư duy hợp tác đã vạch rõ tại sao thay đổi lại khó khăn:
“Cứ hễ ta bắt đầu thay đổi, thậm chí là một thay đổi tích cực, chúng ta kích hoạt sự sợ hãi trong phần não cảm xúc của chúng ta… Nếu nỗi lo sợ ấy đủ lớn, bản năng sinh tồn sẽ bật ra và ta sẽ chạy trốn khỏi điều chúng ta đang cố gắng làm.”
Đó là miêu tả chính xác. Một phần trong tôi hùng hổ muốn thay đổi, phần còn lại chỉ muốn ngoảnh đuôi và chuồn thẳng theo hướng ngược lại!
Ta cùng xem xét cách ta có thể dần thay đổi mà không khiến bản thân sợ hãi. Hoặc có phải ta chỉ cần chấp nhận rằng mình là loại người sống chung với thói quen sẵn có và chẳng gì có thể khiến ta thay đổi bao giờ?
Trong bài báo đăng trên tờ New York Times về nghiên cứu của Andy Ryan có viết:
“Thay vì nhìn nhận một cách hời hợt rằng bản thân mình là người không thể thay đổi được thói quen, ta có thể định hướng sự thay đổi của mình bằng cách phát triển những thói quen mới một cách chủ ý. Thực tế, ta càng thử những điều mới mẻ – càng bước ra khỏi phạm vi quen thuộc của mình – ta càng trở lại với sự sáng tạo vốn có của mình, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống cá nhân.
Nhưng đừng cố công giết chết hẳn những thói quen cũ làm gì; một khi những lối mòn cũ kỹ bị xóa mờ đi, thì chẳng mấy chốc chúng không còn ở đó nữa. Thay vào đó, những thói quen mới được ta thận trọng cắm rễ vào mình sẽ tạo ra những lối đi song song thay thế dần lối cũ.
Làm cách nào ta có thể tạo ra những thay đổi lối mòn một cách nhẹ nhàng đến nỗi ta không thấy sợ hãi?
Có một triết lý của Nhật Bản rất thú vị có tên gọi là Kaizen (cải thiện) có thể giúp chúng ta làm điều đó. Kaizen tập trung vào những thay đổi liên tục nhưng rất nhỏ bé.
Để hiểu được cách Kaizen giúp chúng ta tạo lập những thói quen mới, ta hãy nhìn sự thay đổi dưới dạng xung lực. Hãy tưởng tượng trong giây lát rằng bạn là thuyền trưởng của một con tàu viễn dương. Nếu bạn quyết định đổi hướng hải trình 90 độ, sẽ có hai cách khác nhau để làm điều này. Một cách là triệt tiêu lực đẩy tới và chuyển hướng lập tức.
Những thay đổi lớn đồng nghĩa với xung lực bị bỏ phí.
Cách khác để thay đổi hành trình là vẫn tận dụng lực đẩy tới và dần thay đổi hướng đến khi nào đạt được phương 90 độ.
Nếu ta đổi hướng từng chút từng chút một, ta có thể dùng xung lực tác động lên thay đổi.
Andy Ryan nói:
“Những bước nhỏ trong Kaizen không khiến ta chạm tới bản năng sinh tồn mà giữ ta ở phần não tư duy, nơi ta có thể tiếp cận khả năng sáng tạo và tính khôi hài của mình.”
Với chiến lược thay đổi ở mức độ thấp một cách liên tục, ta có thể tránh được rào cản số một của thay đổi: nỗi sợ hãi.
Hãy xem điều này có tác dụng thế nào trong cuộc sống hàng ngày của ta. Cứ tưởng tượng rằng bạn muốn hàng ngày dậy sớm hơn một tiếng đồng hồ để có hiệu quả hơn.
Chiến lược số 1: Bạn nghiến răng nghiến lợi đặt đồng hồ báo thức sớm lên một tiếng rồi gắng sức lết ra khỏi giường buổi sáng hôm sau. Việc này có thể có tác dụng trong ít ngày, hoặc lâu hơn một chút nếu bạn là người có kỷ luật. Nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ lại trở lại nếp cũ ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.
Chiến lược số 2: Bạn dùng phương pháp Kaizen và mỗi ngày dậy sớm hơn ngày hôm trước một phút. Hai tháng sau bạn sẽ dậy sớm hơn lúc bắt đầu 1 tiếng mà thậm chí còn chẳng nhận ra sự thay đổi!
Bạn có thể thấy Kaizen là một chiến lược uy lực đến mức độ nào qua ví dụ trên.
Phương pháp cải thiện liên tục theo chiều hướng tăng dần này không chỉ là một triết lý mang tính cá nhân. Nó đã được những hãng công nghiệp hàng đầu, như Toyota chẳng hạn, sử dụng triệt để và đã giúp họ trở thành những hãng hàng đầu thế giới trong việc cải tiến tự động.
Khi tôi đọc các nguyên tắc của Kaizen, cái từ khiến tôi quan tâm nhất là “liên tục”. Tôi không biết bạn thì thế nào, chứ với tôi thì sự phát triển cá nhân xảy ra theo từng cơn, với những khoảng lặng rất dài ở giữa.
Chuyện này kiểu như ta chạy một cuộc chạy đường dài hoặc tham gia lớp yoga mức độ cực khó trong một ngày, và rồi buông rơi tất cả mọi hoạt động thể dục khác trong những ngày tiếp theo vì cơ thể ta quá đau. Ít ngày sau đó ta lại cảm thấy có nhu cầu phải tập thể dục tích cực trở lại – thế là ta lại ép bản thân quay lại chạy đường dài hoặc chui vào lớp yoga cũ. Và cứ thế lặp đi lặp lại mãi…
Nếu như chúng ta giữ mức độ tập vừa phải hàng ngày và tăng dần độ dài hoặc độ khó lên thì sao? Nếu như chúng ta dùng cách thức đầy uy lực nhưng mềm mại này để thay đổi cuộc đời chúng ta thì sao?
Bạn thấy dùng phương pháp Kaizen sẽ tác động lên những thói quen mà bạn đang muốn tạo lập thì thế nào?
Nguồn: Dịch từ goodlifezen.com