Bà Phạm Chi Lan:Tôi phản đối việc vay vốn Trung Quốc, với tư cách người nộp thuế

Trong một công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.600 tỷ đồng, trong đó vay Trung Quốc 300 triệu USD, tương đương gần 7000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ thực hiện.

Liên quan đến đề xuất này, PV infonet đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan.

– Thưa bà, bà đánh giá thế nào về đề xuất vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn- Móng Cái?

Bà Phạm Chi Lan: Trước hết tôi muốn nói, dự án này có thật cần thiết làm ngay không trong bối cảnh nợ công ở Việt Nam tăng rất cao, thứ hai nữa là nguồn lực đầu tư phát triển không có nhiều, ba nữa là nhu cầu hạ tầng còn rất lớn ở rất nhiều nơi.

Dự án này có đặt thành ưu tiên hay không để Bộ GTVT phải đưa ra từ bây giờ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại Giao cũng phải lên tiếng về việc đó.

So với tác động của cả nền kinh tế nói chung, cũng như lượng dân cư có thể hưởng lợi từ dự án để cải thiện cuộc sống của mình thì tôi không nghĩ dự án này đáng đặt ưu tiên. Chọn lựa như vậy có lẽ không trúng với ưu tiên.

Có người cũng lập luận rằng nó nằm trong quy hoạch nhưng quy hoạch của mình có thể cho 20 năm, 30 năm nữa, chứ không phải cứ vào quy hoạch là phải làm ngay, rất nhiều thứ quy hoạch của VN đã là quy hoạch treo.

cau-vuot-cat-linh

Nếu dự án này cần thiết đến mức đấy thì phải chứng minh tác động kinh tế xã hội, hiện trạng ở vùng đó, liệu có phải nếu không có dự án này thì vùng Móng Cái, Vân Đồn không thể phát triển được hay không? Hay nếu có dự án thì vùng này phát triển như thế nào? Bao nhiêu dân được hưởng lợi? Tính tác động lan tỏa đến các vùng khác như thế nào.

Tôi nghĩ nếu tính được như vậy thì dự án này không nằm trong ưu tiên. Tôi nghĩ có nhiều dự án cấp bách hơn nhiều.

– Vậy theo bà có những dự án nào được cho là cấp bách hơn?

Bà Phạm Chi Lan: Ví dụ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những tác động của biến đổi khí hậu mà nó làm thay đổi cơ bản bộ mặt, cuộc sống của hơn 20 triệu người dân ở vùng đó.

Tôi cho đó là ưu tiên hàng đầu, đất nước phải đặt vào. Đó là vùng lúa, vùng nông nghiệp của cả nước, nó là nồi cơm của cả nước, cuộc sống của biết bao nhiêu người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến nông nghiệp- là ngành mà VN vẫn coi là thế mạnh của mình, đóng góp lớn vào xuất khẩu…

Nói về ý nghĩa KT-XH thì các dự án của nhà nước tập trung vào đây đáng hơn rất nhiêu so với dự án Vân Đồn- Quảng Ninh.

Hơn nữa Móng Cái đã có thời phát triển tấp nập nhưng vẫn chủ yếu là quan hệ buôn bán với Trung Quốc, tiêu thụ hàng Trung Quốc chứ không phải là cửa ngõ cho hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh được bao nhiêu.

Quảng Ninh cũng có lực để vực khu vực này dậy nên tôi nghĩ dựa vào ngân sách Trung ương, phải đi vay đi mượn để làm một dự án như vậy thì nó không phù hợp. Tôi cho không nên đặt ưu tiên. Chính vì thế không cần thiết phải làm ngay. Tại sao bao nhiêu thứ trong quy hoạch mà Bộ GTVT không đưa ra để đề xuất mà nhằm vào dự án này, phải chăng vì Trung Quốc họ quan tâm?

Tôi thấy có ý kiến nói rằng vì không có ai khác quan tâm nên phải làm với Trung Quốc nhưng phải xem Trung Quốc họ quan tâm vì lợi ích của họ hay vì lợi ích của Móng Cái- Vân Đồn, họ muốn cho Vân Đồn phát triển?

Tôi nghĩ cần phải xem xét lại, đặt lại vấn đề? Dù có vay đi chăng nữa cũng phải tính nhiều yếu tố khác.

– Nghĩa là bà phản đối việc vay vốn Trung Quốc để đầu tư dự án?

Bà Phạm Chi Lan: Như tôi đã nói, với tư cách người nộp thuế tôi phản đối việc vay vốn Trung Quốc. Bao nhiêu dự án Trung Quốc làm dưới dạng ODA hay tổng thầu thì đều có những yếu kém cốt lõi: yếu kém về chất lượng, kéo dài thời gian, vốn tưởng rẻ nhưng hóa ra đắt vì sau 1 thời gian cái gì cũng đội giá lên.

bauxitemau-1362470801

Đó là chưa nói dự án khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đặc biệt với Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ thể hiện quá rõ, không che giấu. Tôi nghĩ cái đó ai cũng thấy và phải tỉnh.

– Cũng có quan điểm cho rằng, không nên phân biệt nguồn vốn từ nước nào miễn là nó đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng phát triển ở Việt Nam?

Bà Phạm Chi Lan: Không phải là chuyện tôi kỳ thị Trung Quốc, hay cũng đừng nghĩ, đừng nói người có quan điểm giống tôi, đồng tình như tôi là những người kỳ thị Trung Quốc.

Gạt yếu tố nước này nước kia đi, công bằng mà nói nhìn vào dự án mà ở Việt Nam, có nước nào mà có quá nhiều dự án có nhiều vấn đề, mang lại nhiều hệ quả xấu cho Việt Nam như Trung Quốc hay không?

Như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam vay 1 đồng nhưng giờ đắt thêm gấp 3 đồng rồi mà vẫn chưa xong; đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 18 liên tiếp. Ngoài ra có các dự án liên quan đến Trung Quốc như bô xít Tây Nguyên, dự án Nhà máy thép Thái Nguyên…

Trong quan hệ cá nhân, nếu tôi làm ăn với bạn, nhưng nếu bạn liên tục gây hại cho tôi thì tôi chẳng có lý gì để giữ tình bạn với bạn. Tôi phải đi tìm những người bạn tốt hơn, sống với nhau đàng hoàng hơn. Đó là mối quan hệ cá nhân, hay trong gia đình cũng vậy, không thể cứ tiếp tục sống với người luôn bắt nạt, chèn ép mình. Đặc biệt là trong quan hệ kinh tế, mình phải chọn lựa người chơi, làm sao lợi ích hai bên có thể đảm bảo, hai bên cùng có lợi.

Nhưng ở đây, lợi ích của Việt Nam bao giờ cũng bị giảm xuống rất đáng kể, trong nhiều trường hợp còn thua thiệt với Trung Quốc. Trong khi điều này không xảy ra với các đối tác khác.

Chính vì thế, mọi người như tôi mới có phản ứng với việc vay vốn từ Trung Quốc. Đành rằng là cần, mình cần tiền, mình chưa có tiền nhưng cần không đến mức phải đi mua một gánh nợ lớn, nhiều rủi ro như vậy. Như vậy là nhắm mắt đi vay, hơn nữa dự án này không phải là quá cần thiết nên càng không có lý do gì đâm đầu vào đi vay của Trung Quốc trong trường hợp đó.

– Từ những bài học nhãn tiền của các dự án Trung Quốc, chúng ta cần rút ra điều gì? Được biết, Bộ KH&ĐT cũng đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại điều kiện cho vay thuận lợi hơn.

Bà Phạm Chi Lan: Việc đàm phán là chắc chắn rồi. Nhưng với Trung Quốc, ngay cả có đàm phán, có thỏa thuận trên giấy tôi cũng không tin họ thực hiện được.

Tôi nghĩ lâu nay người ký để Trung Quốc vào làm đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, họ cũng không dại gì ký vào thỏa thuận mà Trung Quốc nói “bây giờ tôi chào 1 nhưng giá sẽ lên ba, đáng lẽ tôi cam kết làm hai năm nhưng sau thành 4 năm, công ty của chúng tôi chưa có kinh nghiệm, chất lượng của chúng tôi tồi, dự án này là để thử nghiệm, tôi cam kết từng đấy vốn nhưng tôi không có tiền đâu…”.

Không ai cam kết thế cả, chính vì thế tôi mới nói, đàm phán cái gì thì đàm phán nhưng ký vào đấy người ta có coi trọng hay không, có làm hay không thì lại là chuyện khác.

Những dự án đó phải làm rất rõ ràng: Việt Nam có quyền phạt nếu họ làm không đúng tiến độ, không có vốn như cam kết, chất lượng của họ tồi… Quan trọng nhất là chúng ta có quyền tịch thu và yêu cầu họ bồi thường thiệt hại. Liệu đàm phán có tiến tới được như vậy không. Nếu đàm phán được như vậy thì tôi đồng ý.

Đàm phán và phải đưa ra tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tham gia ý kiến rộng rãi của xã hội. Vì nói cho cùng thì vay mượn như vậy nhưng người trả tiền là người dân, những người đóng thuế như tôi.

Tôi đóng thuế và tôi có quyền biết tôi đóng thuế để làm giàu cho ai, tôi sẵn sàng đóng thuế để làm giàu cho Việt Nam chứ không phải đóng thuế để làm giàu cho Trung Quốc.

Tôi đóng thuế để nhà nước cải thiện tình hình đời sống kinh tế xã hội ở vùng này vùng kia,cải thiện cuộc sống của người dân, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo năng lực cho Việt Nam làm quen và nâng dần năng lực cạnh tranh trong các dự án. Tôi nộp thuế vì mong mỏi những việc đó, dù có đóng thuế, đội giá lên một chút tôi vẫn chấp nhận nhưng tôi không chấp nhận để Trung Quốc lạm dụng như vậy.

Tại sao các dự án hạ tầng, chúng ta để người ta làm hết, trong khi mình lăn cổ ra để đi đàm phán các nơi để cử người của mình đi làm.

Lao động của Việt Nam đi sang các nước rất vất vả như sang Trung Đông, phải làm những công việc mà người địa phương không làm. Hơn nữa, mỗi 1 lao động Việt Nam đi lại mất 5-7 nghìn USD để lo lót đủ các thứ. Mỗi khi có sự cố xảy ra thì nhà nước phải bỏ tiền để đưa họ về.

Như thế có đáng không? Một đất nước đang ổn định, đang có nhu cầu phát triển, tại sao mình lại đi dâng dự án đó cho người khác mà mình lại không cố gắng tìm nguồn vay để mình có thể làm được.

Những thứ chúng ta yếu về công nghệ, thiết bị thì có thể chào mời những nhà thầu giỏi hơn mà được mặt bằng thế giới chung công nhận như nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước phát triển chứ không phải từ những nước đi đến đâu làm hỏng đến đấy mà mình vẫn nhắm mắt tiếp nhận.

Ngay cả việc đàm phán lại thì phải đàm phán lại kiểu đó chứ đừng tin cam kết trên giấy. Mình đã bị rất nhiều rồi, như boxit, nhà máy thép Thái Nguyên….

– Nếu không vay từ Trung Quốc thì theo bà còn những nguồn lực nào khác?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ những năm qua Chính phủ đã huy động rất nhiều nguồn lực trong nước như trái phiếu chính phủ. Nhưng phải siết lại kỷ cương cho vay dự án, đừng kéo dài năm này qua năm khác, gây lãng phí cho nhà nước và thuế cho người dân.

Tôi nghĩ còn nhiều khả năng chứ không phải chỉ đi vay thế đâu. Tiền trong dân vẫn còn, trong doanh nghiệp, ngân hàng vẫn còn.

Ngay cả Quảng Ninh cũng có khả năng hợp tác bên ngoài.Tôi không hiểu vì sao Bộ GTVT lại nhảy vào từ đầu đến giờ, khi đưa lên báo chí công luận thì chỉ thấy Bộ GTVT nói mà không thấy tiếng nói của địa phương đâu.

Làm ở địa phương nào thì rất cần tiếng nói của địa phương đấy. Với Quảng Ninh, dự án này có phải là dự án mà Quảng Ninh ưu tiên nhất? Quảng Ninh có thể đánh giá sát nhất hiệu quả, tác động của nó, Quảng Ninh suy nghĩ như thế nào, tính toán như thế nào,bản thân QN khai thác như thế nào để trả nợ và đóng góp vào sự phát triển?

Bộ Giao thông nói không có ai quan tâm nhưng thử hỏi, Bộ đã đi trao đổi với các nơi chưa. Những ngày gần đây tôi có được nghe chia sẻ, vào tháng 2 vừa rồi khi Thủ tướng dẫn 1 đoàn có cả lãnh đạo Quảng Ninh sang Ả Rập, họ đã có chào mời, đã có những thỏa thuận, ý tưởng hợp tác trong 1 số lĩnh vực phát triển mà không đòi hỏi phải để họ làm vì họ có tiền là chính.Tôi không hiểu Bộ GTVT có tham vấn từ Quảng Ninh hay không.

– Theo bà làm thế nào để quản chi tiêu ngân sách khi ngân sách đang phải chịu áp lực lớn, nợ công tăng nhanh như hiện nay?

Bà Phạm Chi Lan: Vấn đề này đã nói quá nhiều. Tôi rất mừng với thông điệp mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra gần đây. Thủ tướng cũng đã nói căn bệnh trong nền kinh tế số một của Việt Nam là nợ công, các vấn đề đầu tư công, chi tiêu công. Giải pháp về nợ công cũng được đưa ra hàng đầu. Lãnh đạo chính phủ không ai không rõ điều này, nó là mối lo chung.

Tuy nhiên tôi chỉ lo Thủ tướng quyết liệt như vậy nhưng các địa phương bộ ngành liệu có thực hiện hay không. Một số bộ ngành, địa phương vẫn tham lam muốn đề xuất hết dự án này đến dự án kia thì chứng tỏ họ chưa đủ nhận thức. Họ không thấy vấn đề nợ công là vấn đề chung mà trong đó có trách nhiệm của họ. Không thể giảm nợ công, bớt đầu tư công mà tỉnh này bớt nhưng tỉnh kia vẫn đề xuất hết cái này đến cái nọ.

– Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

 

Theo cafeBiz