Để xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân, một trong những cách nhanh nhất là làm việc gì đó cho người khác mà không để người ta trả ơn bằng tiền bạc.
Vài năm trước, tôi bắt đầu tình nguyện dành thời gian tập huấn chương trình xây dựng thái độ và hình ảnh bản thân tích cực cho một số tù nhân. Chỉ sau vài tuần những điều tôi học được thật là quý giá.
Sau khi tham dự được hai tuần một tù nhân tìm gặp tôi và bảo: “Anh Shiv vài tuần nữa là tôi mãn hạn tù”. Tôi bèn hỏi anh đã thu nhận được gì qua chương trình xây dựng thái độ. Ngẫm nghĩ một lát, anh bảo bản thân cảm thấy rất thoải mái. Tôi nói: “Cảm giác thoải mái chung chung quá. Anh có thể cho biết cụ thể hành vi gì đã thay đổi ở mình?” (vì theo tôi nếu hành vi không thay đổi thì không diễn ra quá trình học hỏi).
Anh kể từ khi bắt đầu chương trình, anh đọc kinh thánh hàng ngày. Tôi hỏi việc này có hiệu quả thế nào với anh. Anh đáp bây giờ anh cảm thấy thoải mái với chính mình và với người khác, đó là điều trước đây anh chưa bao giờ cảm nhận được. tôi nói: “Nghe cũng hay, thế anh dự định làm gì khi ra tù?”. Anh bảo: “Sẽ cố gắng làm việc có ích cho xã hội”. Tôi lại hỏi câu ấy và anh vẫn nói như vậy. Rồi tôi gặng tiếp: “Anh sẽ làm gì khi ra tù?” đương nhiên ý tôi mong muốn một câu trả lời khác.
Khi đó bằng giọng có vẻ giận, anh đáp rành rọt: “Tôi sẽ làm người có ích cho xã hội”.Lúc này tôi mới phân tích cho anh thấy sự khác biệt lớn giữa lời nói ban đầu và lời nói của anh bây giờ. Đầu tiên anh chỉ bảo “sẽ cố gắng” nhưng hiện tại là “sẽ làm”. Sự khác biệt nằm ở từ “cố gắng”, nó có nghĩa là hoặc anh sẽ làm hoặc là không. Điều này đồng nghĩa với việc cánh cửa nhà giam vẫn để ngỏ chờ anh trở lại. Trong khi đó từ “sẽ làm”lại như lời khẳng định chắc chắn về một con người hoàn lương sắp tới.
ột tù nhân khác nãy giờ lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, bèn hỏi: “Anh Shiv làm thế này thì anh được trả lương thế nào?”. Tôi bảo cảm giác được trải nghiệm của tôi giá trị hơn với đồng tiền. Người ấy hỏi tiếp: “Tại sao anh đến đây?” Tôi nói: “Tôi đến vì lí do cá nhân, tôi muốn thế giới này trở thành môi trường sống tốt đẹp hơn”. Sự ích kỷ như vậy là rất lành mạnh. Nói tóm lại, một khi ta đã đầu tư có hệ thống thì luôn được đền đáp, mà thường là nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra.
Một người tù khác có ý kiến: “Bất kỳ chuyện gì người ta làm đều có lý do riêng của họ cả. Khi họ chích ma túy thì đâu là phải việc của anh. Sao anh không để họ yên?” Tôi đáp: “Anh bạn thân mến, dù không đồng tình điểm này, nhưng tôi vẫn chấp nhận ý anh – tức là chuyện đó không phải việc của tôi. Nếu anh chắc chắn là khi có người chơi ma túy rồi lái xe và gây tai nạn, thứ duy nhất họ đụng vào chỉ là một gốc cây bên đường thì tôi xin nhượng bộ anh. Nhưng nếu anh không thể đảm bảo được điều này, vì có thể nạn nhân tai nạn ấy là anh, tôi hay là con cái chúng ta, thì anh nên tin rằng chuyện này có liên quan đến tôi. Tôi phải đưa con người ấy ra khỏi con đường lầm lạc”.
Câu nói: “Đó là cuộc đời tôi, tôi sẽ làm điều mình muốn” dễ dẫn đến những suy nghĩ ích kỷ. Người ta sẽ tìm cách phớt lờ tinh thần tích cực của câu nói mà chỉ tập trung vào ý nghĩa sao cho có lợi với mình. Họ quên mất rằng giữa con người luôn có sự liên hệ với nhau. Điều bạn làm có tác động tới tôi và ngược lại. Giữa chúng ta có một sợi dây vô hình gắn kết, vì vậy cần học cách hành xử có trách nhiệm.
Là con người, tất cả chúng ta đều có nhu cầu cho và nhận với những mức độ khác nhau. Người tốt là người luôn biết cho đi và ít quan trọng việc nhận lại.
Shiv Khera – trích trong Bí quyết của người chiến thắng