Các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng, y tế… – những khía cạnh giúp cuộc sống của con người hoàn thiện và đảm bảo hơn – là những gợi ý quan trọng cho các startup mong muốn thử sức.
“Tôi thách thức bạn biến cuộc sống của mình thành một kiệt tác”. Câu nói mang tính thách thức và truyền cảm hứng này của Tony Robbins – một trong những tác giả, diễn giả hàng đầu về phát triển tiềm năng con người đã bắt đầu buổi trò chuyện, chia sẻ nhiều thú vị của chúng tôi với doanh nhân Phạm Ngọc Anh.
“Mr. Why” – Phạm Ngọc Anh là cái tên được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực đào tạo phát triển cá nhân. Vị CEO của Tập đoàn Giáo dục và Đào tạo ASK này còn được biết đến là doanh nhân có nhiều trải nghiệm thất bại nhất. Cũng chính từ những thất bại xương máu ấy, chân dung của một diễn giả – doanh nhân mới hiện lên rõ nét, với nhiều thành tựu hiện tại.
* Là người trải qua nhiều lần “tái khởi nghiệp”, chắc ông sẽ có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ?
– Điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn trẻ là “Cứ từ từ, đừng có vội”. Lý do đơn giản là: Khởi nghiệp và tự vận hành một mô hình kinh doanh riêng là cảm giác rất khoan khoái, đam mê. Tuy nhiên, để thành công, chúng ta cần rất nhiều tham số. Từ việc chọn sản phẩm đúng, thị trường đúng, chiến lược marketing đúng, chiến lược bán hàng, chiến lược thương hiệu rồi quản trị về tài chính, con người… Cần tích hợp rất nhiều chiến lược khác nhau để có thể tạo ra một mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Và để thực thi những chiến lược ấy, nhà quản trị cần có một số kỹ năng cơ bản.
Quá vội vã khởi nghiệp trong khi chưa tích lũy đủ kỹ năng cần thiết như: hiểu biết về marketing, quản trị con người, tài chính… thì rất dễ đối diện với những rủi ro mà không có giải pháp. Đương nhiên lúc đó, tỷ lệ thất bại sẽ rất cao. Vì vậy tôi không khích lệ các bạn trẻ khởi nghiệp khi chưa đủ trải nghiệm sống cũng như kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh. Đừng vội khởi nghiệp, trừ khi bạn có một ý tưởng đột phá hay những hậu thuẫn vững về tài chính, hoặc có một đội nhóm đủ mạnh.
* Vậy theo ông, để có thể thành công với một mô hình kinh doanh, yếu tố quan trọng nhất là gì?
– Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất với một mô hình kinh doanh không phải là sản phẩm hay thị trường, mà là những con người vận hành mô hình kinh doanh đó. Bởi kinh doanh là một phương trình với quá nhiều biến số cần phải giải, và bài toán chỉ được giải bởi những con người có khả năng tư duy giải quyết vấn đề và điều chỉnh những vấn đề mà họ phải đối diện với tốc độ rất nhanh.
* Ông đã từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng “Bạn chỉ cần đúng một tố chất để có thể trở thành doanh nhân, đó là yêu thích giải quyết vấn đề, còn lại mọi thứ khác đều học và luyện tập được bằng ý chí và quyết tâm”. Ông có thể giải thích rõ hơn về quan niệm này?
– Trong kinh doanh có rất nhiều tham số để đo đếm, kết luận rằng bạn có phù hợp với vai trò người điều hành doanh nghiệp hay không. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, “yêu thích giải quyết vấn đề” phải là yếu tố tiên quyết dẫn bạn đến đích của con đường kinh doanh.
Nếu khi bắt đầu, bạn thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu hướng phát triển thì vẫn có rất nhiều người sẵn sàng chung tay hỗ trợ, chỉ cần bạn kiên trì đi đến tận cùng mục tiêu, ý tưởng của mình.
Việc hướng đến giải quyết vấn đề cho người dùng thay vì chỉ đi theo lợi nhuận giống như kim chỉ nam giúp bạn luôn hướng đến một sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Đó là điều cốt lõi tạo ra nền tảng của một sản phẩm, dịch vụ thành công. Một doanh nhân phải là người luôn đau đáu vì sứ mệnh giải quyết những vấn đề của xã hội, của người dùng.
* Một số bạn trẻ có ý tưởng và thích kinh doanh thường dồn toàn bộ tiền của mình vào việc khởi tạo mô hình kinh doanh và làm cho nó thật hoành tráng. Quan điểm của ông về con đường này như thế nào?
– Việc làm to hay làm nhỏ phụ thuộc nhiều vào năng lực thực thi của bản thân bạn cũng như đội nhóm của mình. Nếu năng lực quản trị yếu, hiểu biết về thị trường mơ hồ mà bạn dồn hết mọi nguồn lực vào kinh doanh thì giống như việc bạn chỉ có khả năng nhảy cao ở mức 1,5m mà liều mình chọn mức xà cao 2m vậy. Khả năng thất bại là rất lớn.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, thị trường đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt và có những xu hướng kinh doanh chỉ tồn tại rất ngắn trong vòng 2-3 năm. Nếu cứ chần chừ, làm với tốc độ chậm thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong khi bạn có thể làm lớn ngay từ đầu. Trong những trường hợp như vậy, bạn phải làm lớn ngay từ đầu, tránh sự sao chép từ những người khác.
Tất cả cần phải cân nhắc dựa vào năng lực thực hiện cũng như xem xét, cập nhật các cơ hội kinh doanh trên thị trường.
* Trong thời gian tới, theo ông thì mô hình khởi nghiệp kinh doanh nào sẽ chiếm ưu thế và lời khuyên của ông dành cho những “lính mới” bước chân vào con đường kinh doanh là gì?
– Tôi cho rằng năm 2018 vẫn sẽ là một năm rất tích cực của nền kinh tế với những tín hiệu phát triển trong một số lĩnh vực. Và “thị trường” startup vẫn sẽ thu hút đông đảo giới trẻ và cả các nhà đầu tư.
Gần đây, người ta nó nhiều về công nghiệp 4.0 và các mô hình startup trong đó. Dựa vào lợi thế và tốc độ phát triển nhanh chóng hiện nay, dự báo năm 2018, các startup công nghệ sẽ vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt trong lĩnh vực mobile, xây dựng các ứng dụng làm thế nào để con người kết nối với nhau thuận tiện hơn.
Về lĩnh vực kinh doanh, các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng, y tế… – những khía cạnh giúp cuộc sống của con người hoàn thiện và đảm bảo hơn – là những gợi ý quan trọng cho các startup mong muốn thử sức. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng có nhiều lợi thế với các khóa học, gói khóa học tư vấn phát triển cho cá nhân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 2018, 2019, 2020 sẽ là những năm thuận lợi để startup phát triển vì các chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ngày càng được quan tâm.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Doanh nhân Sài Gòn online
(https://doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/rat-nhieu-dat-cho-khoi-nghiep-trong-2018-1083875.html)