Dân Trí – Doanh nhân “mắc kẹt” giữa thành công của chính mình

(Dân Trí) – Khởi nghiệp kinh doanh thường được định nghĩa như công việc của sự đam mê và giàu có. Vì thế, người ta chỉ thấy “ánh hào quang” của doanh nhân nhưng ít ai biết những góc khuất mà họ phải trải qua.

Cùng lúc đóng tới 8 vai khác nhau

Khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, Hoàng Tuấn (Giám đốc một công ty liên doanh tại Hà Nội) hiểu rằng việc anh trở thành doanh nhân sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thời điểm bắt đầu, anh Tuấn thường xuyên phải làm việc với cường độ 15-18 tiếng/ngày. Rồi khi công ty phát triển, anh hiểu mối lo với doanh nhân sẽ chẳng thể nào dứt vì “Thuyền to thì sóng lớn” – công ty ngày càng lớn mạnh cũng đồng nghĩa với áp lực ngày càng tăng thêm.

Và doanh nhân rất hiếm khi có sự nghỉ ngơi thực sự vì thành công không đồng nghĩa với việc dừng lại mà phải cố gắng không ngừng.

Thành công của doanh nhân đồng nghĩa với nỗ lực không ngừng
Thành công của doanh nhân đồng nghĩa với nỗ lực không ngừng

Để thành công và duy trì đam mê, doanh nhân phải đánh đổi thời gian dành cho bản thân, gia đình. Họ cùng lúc phải đóng rất nhiều vai khác nhau: là chồng, là cha, là con, là CEO, là ông chủ, là em trai, là cháu nội, là người bạn,…

Và dường như 24h mỗi ngày là không hề đủ để họ phân chia thời gian cho từng vai trò. Kéo theo đó là tình trạng thiếu hụt thời gian nghiêm trọng: Thời gian phát triển bản thân không có, khoảnh khắc bên gia đình bị thu hẹp lại, những rạn vỡ trong quan hệ vợ chồng ngày một lớn, con cái lớn lên thiếu sự quan tâm từ cha mẹ,…

Càng thành công càng cô đơn

Doanh nhân thường bị cuốn theo công việc và “mắc kẹt” ở hai trạng thái. Một là công việc kinh doanh phát triển, khi đó người đứng đầu doanh nghiệp phải dành thời gian cho những kế hoạch mở rộng công ty, thị trường. Hai là khi công ty gặp khó khăn về tài chính, nhân lực, cạnh tranh thị trường.

Ở thái cực nào người ta cũng thấy doanh nhân phải cố gắng, nỗ lực, thậm chí hy sinh thời gian nhiều gấp đôi người bình thường. Giới doanh nhân hay nói vui với nhau: Doanh nhân là những người càng thành công càng cô đơn. Điều này không phải là không có lý do.

Rồi khi ở đỉnh của thành công, ngay chính ở tập thể mà họ tạo dựng lên không phải lúc nào cũng có người hiểu hết những mục tiêu, sứ mệnh mà người doanh nhân khao khát. Hay với những người thân trong gia đình, cha mẹ, vợ/chồng không phải ai cũng có thể chia sẻ “gánh nặng” trên vai họ.

Đôi khi họ cô đơn trong chính thành công của mình!

Người ta hay nói, doanh nhân là những người cô đơn
Người ta hay nói, doanh nhân là những người cô đơn

Thành công, đơn giản là sống cân bằng!

Cuộc sống là bức tranh muôn màu với rất nhiều mảnh ghép: gia đình, công việc, tình yêu, bạn bè, sở thích, nghỉ ngơi… Người thành đạt sẽ biết quân bình tất cả mọi thứ, biết lúc nào dành thời cho công việc, lúc nào cần ưu tiên cho gia đình, lúc nào phải refesh lại bản thân.

Trong kinh doanh có hằng hà sa số các công việc cần đến quyết định của doanh nhân. Có loại việc cực kỳ quan trọng, phức tạp, có việc ít quan trọng hơn. Do đó, thay vì cố gắng giải quyết tất cả, chủ doanh nghiệp có thể “san sẻ” bớt gánh nặng của mình cho cấp dưới. Tất cả bắt đầu từ một việc làm đơn giản – tin tưởng những cộng sự.

Doanh nhân thành công đơn giản là người biết cân bằng các khía cạnh trong cuộc sống
Doanh nhân thành công đơn giản là người biết cân bằng các khía cạnh trong cuộc sống

Khối lượng công việc quá lớn, chồng chéo hoàn toàn không phải là vấn đề nếu bạn có một quy trình xử lý công việc hoàn hảo cho công ty.

Thật không công bằng nếu như bạn “dành trọn” thời gian cho công việc kinh doanh. Trong khi đó con cái bạn vẫn phải phát triển, phải trưởng thành. Kết hợp thời gian đưa các con đến trường, ăn cơm tối cùng gia đình để trò chuyện với chúng về chuyện học hành, vui chơi ở trường sẽ rất lý tưởng cho các ông bố, bà mẹ bận rộn.

Hoặc có nhiều hơn một cách để bạn dung hòa thời gian dành cho sở thích cá nhân: nghe một bản nhạc, một cuốn audio book trên xe, tham gia các môn thể thao đơn giản như bơi lội, chạy bộ,….

“Sự cân bằng của doanh nhân cũng như sự thăng bằng của con tàu trên biển. Sức nặng đè lên con tàu càng lớn bao nhiêu thì vai trò của người thuyền trưởng càng quan trọng bấy nhiêu. Người thuyền trưởng tài ba không phải là người gỡ bỏ bớt gánh nặng trên con tàu hay chỉ chú trọng vào việc điều khiển động cơ mà quên đi sóng gió phía trước. Người đó phải dung hòa được tất cả các yếu tố để đưa con tàu cán đích” – ông Phạm Ngọc Anh, diễn giả khóa học Wake Up chia sẻ.

Theo báo Dân Trí

Link bài báo gốc: http://dantri.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nhan-mac-ket-giua-thanh-cong-cua-chinh-minh-2016072609323729.htm