Thiện tích đức, lành tích phúc

Học kinh tế, từng làm trong lĩnh vực khách sạn, nhưng cuối cùng bà Huỳnh Thị Thu Hà lại gắn mình với ngành y. Và cái cách bà đóng góp cho ngành y cũng khiến nhiều người phải học.

Xã hội hóa giúp y tế phát triển

Năm 1997, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa; một số bệnh viện đã liên kết với tư nhân đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Trong khuynh hướng đó, các bệnh viện tư nhân đã lần lượt ra đời.

Năm 2006, nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này mà Công ty CP Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn đã mạnh dạn vay vốn, mở bệnh viện. Năm năm qua, từ chỗ chỉ là một bệnh viện nhỏ với 21 giường bệnh, đến nay, lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn ngày càng đông, buộc nhà đầu tư phải mở thêm phòng khám và xây bệnh viện mới.

* Bà có đồng ý là từ khi có chính sách xã hội hóa, ngành y tế Việt Nam đã phát triển?

– Tôi nghĩ là thay đổi nhiều so với trước đây. Khi chưa có các bệnh viện tư, các bệnh viện công chỉ giải quyết những vấn đề cơ bản. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện công đều đã quá tải và nhờ có các bệnh viện tư mà tình trạng này đã được giải quyết một phần.

Với sự linh hoạt trong việc đầu tư máy móc thiết bị và chất xám, bệnh viện tư đã giúp người dân có điều kiện tiếp xúc với cái mới mà nhiều khi các bệnh viện nhà nước chưa làm được. Người dân có tiền thì họ có quyền được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đó chính là lý do hiện nay tại TP.HCM đã có đến 40 bệnh viện tư được thành lập.

* Nhưng khi các bệnh viện, phòng mạch mở ra ngày càng nhiều thì đi cùng với nó là những đơn vị làm ăn không đàng hoàng, thậm chí, lừa gạt đã xảy ra. Ở góc độ là một nhà đầu tư trong lĩnh y tế, theo bà, làm sao để giải quyết tình trạng này?

– Theo tôi, người dân ngày nay rất “tinh”. Không có bệnh viện hay phòng khám nào có thể lừa họ đến lần thứ hai. Nếu phòng khám của bạn không có những bác sĩ giỏi, máy móc thiết bị tốt thì người ta biết ngay. Như vậy, tự mình đào thải chứ không cần Nhà nước can thiệp.

Tuy nhiên, cũng có những nơi làm quá đáng thì ngay lập tức họ bị đưa lên báo, bị thưa kiện và dĩ nhiên thanh tra Sở Y tế sẽ vào cuộc. Tôi nghĩ, thời nay không thể lừa được ai. Chỉ có người “ăn xổi ở thì” mới làm như thế. Muốn kinh doanh lâu dài trong lĩnh vực này không gì khác hơn là phải “ăn chắc mặc bền”.

* Với việc xã hội hóa y tế ngày một sâu rộng, bà có nghĩ đến một lúc nào đó, ngành y Việt Nam sẽ “cất cánh” và bệnh viện của Việt Nam có thể sánh với bệnh viện của Thái Lan, Singapore?

– Hiện nay, các bệnh viện trong nước chỉ thua bệnh viện nước ngoài về dịch vụ còn tay nghề bác sĩ, máy móc thiết bị thì Việt Nam không hề thua kém. Theo tôi, nếu các bệnh viện chịu khó đầu tư vào khâu này thì ngành y của Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều so với bây giờ. Và tôi tin, trong thời gian tới, khi lực lượng bác sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài trở về sẽ mang theo những công nghệ mới và ứng dụng những dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp vào Việt Nam. Và khi đó, lĩnh vực y tế của Việt Nam sẽ “cất cánh”.

Thật ra, các bệnh viện ở Singapore không hẳn là bác sĩ giỏi hơn mình mà dịch vụ của họ quá chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, đã có một số bệnh viện đầu tư vào việc này và cũng đã thu hút được bệnh nhân nước ngoài. Chẳng hạn như tại bệnh viện của chúng tôi, rất nhiều người Úc, Hàn Quốc, Nhật… làm việc tại Việt Nam đến khám và chữa trị.

Vài năm trở lại đây, bệnh nhân từ Campuchia, Lào sang chữa trị cũng khá nhiều. Theo họ, hiệu quả chữa trị ở Việt Nam không thua gì Thái Lan, Singapore nhưng giá cả thì cạnh tranh hơn nhiều. Và sau khi chữa trị, mỗi lần tái khám, việc di chuyển qua Việt Nam cũng ít tốn kém và tiện lợi hơn rất nhiều so với đến Singapore và Thái Lan.

Đưa dịch vụ khách sạn vào bệnh viện

Với vốn vay ngân hàng 14,5 tỷ đồng, nhờ nhạy bén trong kinh doanh, bà Thu Hà đã làm cho nó sinh sôi nảy nở nhưng vẫn giữ được chuẩn mực của ngành y. Và chỉ 5 năm sau, bà đã trả hết nợ và mở rộng hoạt động của bệnh viện. Một trong những yếu tố được cho là thành công ở Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là chất lượng dịch vụ và điều trị.

* Nhiều bệnh nhân từng chữa trị tại bệnh viện của bà thường hay đùa là vào nằm viện mà như đang ở khách sạn. Sao bà làm được điều này?

– Đó là lợi thế của một người kinh doanh. Tôi tốt nghiệp đại học kinh tế. Ra trường lại làm trong lĩnh vực khách sạn nên rất hiểu cung cách phục vụ khách hàng. Khi làm bệnh viện, tôi thấy dịch vụ trong bệnh viện cũng gần giống với dịch vụ trong khách sạn. Vậy là những gì học được trong thời gian làm khách sạn tôi đem ứng dụng vào bệnh viện.

Tôi vẫn thường đùa với bệnh nhân là khi đến nằm viện thì chỉ cần mang theo hai cái thẻ: thẻ bệnh nhân và thẻ tín dụng. Mọi thứ, chúng tôi đã trang bị đầy đủ. Trong phòng, ngoài tivi, tủ lạnh, tủ đựng đồ, các bệnh nhân được trang bị quần áo, khăn tắm, kem đánh răng, lược chải đầu. Các bệnh nhân nữ còn có thêm khăn quấn tóc, bệnh nhân nam được phục vụ dao cạo râu…

Bên cạnh đó, chúng tôi còn có “dàn đầu bếp” phục vụ cho việc ăn uống của bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được ăn theo thực đơn do chính bác sĩ điều trị hướng dẫn. Còn với bệnh nhân ngoại trú thì được khám và tư vấn rất kỹ. Theo quy định của bệnh viện, mỗi bệnh nhân được khám từ 10 – 15 phút và một bác sĩ, trong một buổi chỉ được khám tối đa 25 bệnh nhân.

Tôi nghĩ, dù bệnh viện có tuyệt vời đến đâu, sạch thế nào, ăn uống, phục vụ tốt ra sao thì cũng không có bệnh nhân nào thích nằm lâu. Vì vậy, chúng tôi giảm tối đa thời gian nằm viện cho bệnh nhân.

Trong khi một ca phẫu thuật ở bệnh viện công, bệnh nhân phải nằm viện đến 5 – 7 ngày thì ở đây tối đa chỉ mất hai ngày. Muốn làm được điều này không gì khác hơn là chúng tôi phải đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, mới đây, chúng tôi đã đầu tư dàn máy hiện đại cho phẫu thuật amidan. Máy này có chức năng vừa cắt, vừa đốt và cầm máu tại chỗ và không gây nên tình trạng chảy máu. Và ngay khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể nói chuyện được.

* Dịch vụ tốt khiến bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng đông và bà đã tính đến chuyện mở bệnh viện thứ hai?

– Đúng là bệnh viện của chúng tôi đã bắt đầu quá tải. Cả bệnh viện chỉ có 33 giường, 14 bác sĩ, nhưng có những hôm đón đến 300 bệnh nhân. Không chỉ có bệnh nhân đến từ Campuchia, Lào mà không ít người bệnh là Việt kiều các nước.

Để giải quyết tình trạng này, tôi đã tính đến phương án mở thêm bệnh viện mới lớn hơn và nếu không có gì thay đổi thì vào đầu năm sau, bệnh viện này sẽ được xây dựng. Nhưng đó là trước mắt, về lâu dài chúng tôi sẽ đưa bệnh viện ra ngoài thành phố.

* Dịch vụ bà đã làm tốt, còn trong quản lý, chắc là không dễ vì quản lý bệnh viện không giống như quản lý một công ty…

– Thực ra, trước khi mở bệnh viện này, tôi đã có hai năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Trong thời gian này, tôi đã ấp ủ việc mở phòng khám. Vì vậy, khi đầu tư vào đây, tôi đã tham gia quản lý và đến các phòng ban để học việc. Nhưng hai năm đó tôi cũng chỉ học được những cái “mắt thấy tai nghe” thôi.

Ngoài ra, tôi còn có một “hậu thuẫn” vững chắc là ông xã – một bác sĩ giỏi về chuyên khoa tai mũi họng nên yên tâm về vấn đề chuyên môn. Nhưng để quản lý tốt bệnh viện, trong quá trình làm tôi theo học lớp giám đốc bệnh viện.

Hiện tại, công việc của tôi là làm quản lý. Thực ra, trên thế giới, các giám đốc bệnh viện không cần phải là bác sĩ mà chỉ là người có bằng về quản lý. Và tôi nghĩ, về lâu dài, Việt Nam cũng phải thay đổi như vậy.

Ở Việt Nam, các giám đốc bệnh viện thường là những bác sĩ giỏi được đề bạt lên. Theo tôi, bác sĩ nên để cho họ chuyên tâm làm chuyên môn. Vì khi đứng ở vị trí điều hành, họ không còn làm chuyên môn được nữa, như vậy rất uổng phí.

Bởi vì, để trở thành bác sĩ phải mất đến 6 năm, muốn trở thành bác sĩ đứng vững được thì phải mất thêm 10 năm và phải tích lũy kinh nghiệm 10 năm nữa mới trở thành bác sĩ giỏi được. Những kinh nghiệm tích lũy gần 30 năm trong nghề là vốn kiến thức quý báu nhưng không được sử dụng thì thành ra rất lãng phí.

Con người – tài sản quý giá

* Kinh doanh thì ai cũng nghĩ đến lợi nhuận trong khi ngành y lại đặt nặng yếu tố y đức. Theo bà, làm sao để việc kinh doanh tiến triển nhưng vẫn giữ được những điều tốt đẹp ấy?

– Tôi không biết những người kinh doanh bệnh viện khác như thế nào nhưng với tôi, bệnh viện tư giải quyết được vấn đề tiêu cực mà các bệnh viện công đang vướng. Đó là do mình trả lương đúng với năng lực họ đã bỏ ra nên không có lý do gì để phát sinh tiêu cực.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, tôi dám chắc một điều rằng không bao giờ có chuyện nhân viên (từ bác sĩ cho đến hộ lý) nhận một đồng nào của bệnh nhân. Tôi nghĩ, khi mình đã tính đủ các khoản rồi thì không có lý do gì người bệnh phải bỏ thêm tiền nữa.

Còn chuyện nhận hoa hồng từ các hãng dược cũng thế. Tôi cho rằng, việc này chỉ có thể diễn ra ở các bệnh viện công và những nơi quản lý chưa chặt còn ở bệnh viện chúng tôi tuyệt nhiên không có chuyện này.

Ngay từ khi mới hoạt động, chúng tôi đã quy định: trình dược viên không được vào bệnh viện giới thiệu thuốc với các bác sĩ. Chưa cần biết bác sĩ có nhận tiền không nhưng nhìn cảnh người bệnh thấy trình dược viên đưa các tập gấp cho bác sĩ thì họ sẽ nghĩ như thế nào?

Để không xảy ra chuyện này, định kỳ mỗi tháng, chúng tôi đều tổ chức các buổi hội nghị khoa học. Tại đây, các hãng dược giới thiệu các loại thuốc mới và hội đồng dược của bệnh viện sẽ chọn loại thuốc phù hợp.

Theo thông lệ, để đưa thuốc vào bệnh viện, các hãng dược phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định để giới thiệu. Thay vì nhận chi phí này, chúng tôi yêu cầu các hãng chuyển thành tài liệu cho các bác sĩ tham khảo hoặc có thể thì đầu tư mua máy chiếu hay máy tính cho bệnh viện.

Nhưng hình thức áp dụng nhiều nhất là tài trợ thuốc cho các chương trình khám bệnh từ thiện của bệnh viện. Việc này vừa có ích cho người nghèo vừa giải quyết những chuyện tế nhị trên.

* Đã nhiều năm làm trong lĩnh vực này, bà thấy kinh doanh y tế có khó hơn những ngành khác?

– Sinh mạng con người ta là thứ quý giá nhất và đó cũng là trách nhiệm nặng nề nhất đối với người làm kinh doanh ngành y tế. May một chiếc áo hư, chủ tiệm có thể sửa lại hoặc đền cho khách chiếc áo khác.

Nhưng bác sĩ mổ nhầm thì không có cơ hội để sửa chữa. Nhất là với các bệnh viện tư, chỉ cần để xảy ra một tai biến là cả một vấn đề. Bởi khi xảy ra sự cố thì họ phải đối mặt với báo chí, với các cơ quan quản lý nhà nước dù cái đó không phải do tắc trách của bệnh viện mà là vấn đề ngoài ý muốn.

Với chúng tôi, quan trọng nhất vẫn là giữ được tính mạng cho người bệnh. Và điều này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình chăm sóc, thăm khám cho đến phẫu thuật, hậu phẫu.

Tại bệnh viện, chúng tôi có ba lớp bác sĩ: lớp bác sĩ là những “cây đại thụ”, lớp thứ hai là các bác sĩ có 10 – 15 năm kinh nghiệm và lớp thứ ba: bác sỹ có 5 – 7 năm trong ngành.

Khi thực hiện các ca phẫu thuật khó, bao giờ cũng có những “cây đại thụ” đứng cạnh để có gì xử lý ngay lập tức. Có lẻ nhờ cách này mà 5 năm nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 12.000 ca mổ nhưng chưa từng có tai biến nào xảy ra.

Tuổi trẻ tự tin

Không chỉ đam mê kinh doanh và toàn tâm toàn ý với ngành y, bà Hà còn mong muốn làm điều gì đó cho lớp trẻ. “Những điều gì đó” mà bà Hà làm là tài trợ học bổng cho “Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với CLB Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng.

Dù rất bận rộn với việc điều hành bệnh viện và phòng khám, nhưng bà vẫn dành thời gian tham gia vào ban giám khảo cuộc thi, các chương trình giao lưu với sinh viên trong khuôn khổ của chương trình.

* Có vẻ bà rất tâm huyết với “Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can”? Trong mắt bà, lớp trẻ hiện nay như thế nào?

– Đây là năm thứ hai tôi tham gia vì thấy chương trình rất có ý nghĩa. Lớp trẻ ngày nay cũng có những ý tưởng làm giàu táo bạo nhưng không phải “ăn xổi ở thì”. Nhiều em nắm rất rõ đạo làm giàu của cụ Lương Văn Can, nhưng cũng có em đi theo theo cách nghĩ của riêng mình. Tôi thấy các em làm tốt, có nhiều ý tưởng hay.

Bên cạnh đó, các em cũng có ý thức trách nhiệm với xã hội. Trong chương trình năm trước, tôi thấy có rất nhiều đề tài đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có những em suy nghĩ còn quá viển vông. Đó cũng là điều dễ hiểu vì các em chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tôi nghĩ, qua chương trình này, sẽ có nhiều đề tài nếu được hướng dẫn, tiếp sức sẽ trở thành hiện thực.

Với tôi, lớp trẻ bây giờ có mục tiêu rõ ràng và rất tự tin, có khát vọng làm giàu. Trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ được học tập ở nước ngoài, đã, đang và sẽ quay về cống hiến cho đất nước. Trong khi đó, các bạn trẻ ở trong nước cũng được tiếp cận thông tin, được học nhiều cái mới, cái hay nên sẽ phát triển.

* Có nhiều nhận xét cho rằng, dù rất tự tin, sáng tạo, chịu học hỏi nhưng lớp trẻ ngày nay cũng rất thực dụng, thưa bà?

– Đúng là như vậy, nhưng chúng ta cũng đừng quá “bi quan”. Con người mà! Ai cũng muốn kiếm tiền, muốn làm giàu để mang lại cuộc sống tốt cho cho chính mình và gia đình rồi sau đó mới tính chuyện đóng góp cho xã hội.

Thực dụng không xấu, nhưng vấn đề là cách thức biểu hiện như thế nào. Tôi nghĩ, đừng thực dụng theo kiểu “đè người khác” để ngoi lên hay làm trái pháp luật, còn làm giàu chân chính là điều đáng quý. Vì các em có giàu thì xã hội mới giàu chứ. Chúng ta đừng nghĩ như các cụ ngày xưa: làm giàu là tội lỗi, làm giàu là bất chính…

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện chân tình này!
HỒNG NGA