Lúc này lúc khác, chúng ta ai cũng có thể bị xuống tinh thần, hay thậm chí là hơi sa sút. Có thể ta đang thấy quá tải, hoặc thấy chán nản vì ta xoay sở không tốt mấy với những mục tiêu của mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới xuống tinh thần và tôi không đủ chuyên môn để bàn về tất cả những nguyên nhân ấy, những hệ lụy của nó hay điều trị lâm sàng. Điều tôi có thể nói là những gì đã có tác dụng với tôi.
Cảm giác hơi sa sút tinh thần có thể cản trở ta vươn tới những mục tiêu của ta. Chúng ta biết là chúng ta nên làm điều gì đó, nhưng đơn giản là ta không thấy muốn làm gì cả. Cảm giác này có thể đeo bám rất lâu nếu ta không chặn đứng nó càng sớm càng tốt và bắt tay vào hành động. Sau đây là vài thứ có tác dụng nhất với tôi:
1. Lập 1 danh sách.
Đôi khi ta thấy xuống tinh thần đơn giản chỉ vì ta bị quá tải với những điều ta phải làm đến mức ta chẳng bắt tay được vào làm cái gì. Bạn có thể thích mê phương pháp Làm Cho Xong (LCX) nhưng thỉnh thoảng chính những tín đồ LCX cũng không theo kịp hệ thống của mình, và có lúc đơn giản là bạn không có năng lượng để mà làm thế. Cho nên tất cả mọi “thứ” ở trong đầu ta có thể khiến ta kiệt sức. Hãy bắt đầu bằng cách lấy một mẩu giấy và một cây bút, rồi lập ra một danh sách những việc cần kíp mà ta phải làm. Có lúc đó là công việc, có là đó là những thứ quanh nhà đang khiến ta thấy bức bối, có lúc đó là những nhiệm vụ mục tiêu, hoặc là một mớ tất cả những thứ tôi mới kể ra và còn hơn thế nữa. Việc lập ra danh sách không thôi có thể đã khiến ta nhẹ nhõm rồi – ta đang đưa mọi việc vào tầm kiểm soát. Bạn có thể thấy, ngay trước mắt bạn, điều bạn cần phải làm, và chỉ riêng điều đó cũng đã có thể khiến bạn cảm thấy đỡ hơn.
2. Bắt tay vào hành động.
Bạn đã lập một danh sách, và bạn vẫn thấy ủ ê? Nào, hãy bắt tay vào điều đầu tiên mà bạn phải làm. Nó có phải là một nhiệm vụ lớn không? Hãy bẻ nhỏ nó ra và chỉ cần làm phần nhỏ nhất, bất cứ cái gì chỉ để khiến bạn khởi động. Một khi bạn đã khởi động, một khi bạn đã bắt tay vào hành động, bạn sẽ thấy khá hơn. Hãy tin tôi đi. Có thể bạn vẫn thấy uể oải, nhưng ít ra là bạn đang làm gì đó. Và khi bạn bắt đầu làm gì đó, bạn có xung lực, mà thế thì thấy khá hơn nhiều so với cứ nằm ườn ra mà than thân trách phận.
3. Tập thể dục.
Tôi biết, bạn có thể không có tâm trạng mà tập thể dục. Nhưng cứ làm đi! Đi bộ 1 quãng, chạy 1 vòng, đến phòng tập thể dục, bất cứ thứ gì bạn coi là vận động cơ thể – hãy ra ngoài và làm ngay đi! Bạn không cần phải tập thể hình cực nhọc, chỉ vài động tác hình thể đã vực tinh thần bạn dậy ngay. Cứ làm đi!
4. Tắm rửa và chăm sóc bản thân.
Nằm vạ vật với bộ đồ ở nhà nhếch nhác, hôi hám chẳng đưa bạn tới đâu cả. Chỉ việc tắm rửa một tý, cảm giác sạch sẽ có thể khiến tâm trạng của bạn tốt lên bất ngờ. Hãy đánh răng, chải đầu, cạo râu hay bất cứ thứ gì bạn thấy cần phải làm để cảm thấy sạch sẽ và khỏe khoắn. Tươi lên tức thì!
5. Ra khỏi nhà mà làm gì đó.
Đôi khi, nếu bạn đang nằm vật vạ ở nhà, cảm giác chán chường, thì chỉ cần ra khỏi nhà (sau khi tắm gội và chải chuốt tí) đã có thể thay đổi tâm trạng của bạn. Ở mãi trong nhà thực sự có thể khiến bạn suy sụp, mà bạn có lẽ không nhận ra cho đến lúc bạn ra ngoài và làm gì đó. Tốt nhất là điều gì đó trong danh sách của bạn (xem số 1).
6. Chơi một điệu nhạc sống động.
Tôi thích Cô Gái Mắt Nâu (Brown Eyed Girl), ban nhạc the Kinks, ban nhạc the Ramones, hoặc một giai điệu lạc quan của nhóm Beatle, nhưng bạn có thể có gu riêng của bạn về loại nhạc tươi vui. Bất kể đó là gì, hãy gõ nhịp và để cơ thể bạn chuyển động theo điệu nhạc. Đó rất có thể là điều mà bác sĩ cũng yêu cầu đấy.
7. Trò chuyện về điều đó.
Hãy chọn một đối tượng nhất định mà bạn có thể nói chuyện: bạn thân nhất, người nhà, đồng nghiệp. Trút nỗi niềm vào tai họ. Thì họ là để cho những lúc như thế mà. Nếu bạn chẳng có ai, thì vẫn còn những đường dây nóng, còn những chuyên gia tâm lý mà bạn có thể giãi bày. Ngoài ra luôn có những diễn đàn trên mạng. Đó là những nơi tuyệt vời để kiếm người cùng trò chuyện. Trút gánh nặng khỏi vai mình tạo nên một sự khác biệt cực lớn, và có thể cho bạn sự nhẹ nhõm khủng khiếp. Việc đó cũng có thể giúp bạn tìm ra những nguyên nhân khiến bạn xuống tinh thần.
Nguồn: Zenhabits.net & songthatcham.wordpress.com