Sử dụng ngân sách tiếp thị hiệu quả hơn

Tìm cách sử dụng ngân sách tiếp thị một cách hiệu quả hơn đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, nhưng đó là một bài toán không dễ giải quyết.

Ardi Kolah, tác giả của cuốn sáchHigh Impact Markerting That Gets Results (tạmdịch: Bí quyết làm tiếp thị hiệu quả) do Nhà xuất bản Kogan Page phát hành, cho rằng dù ngân sách có hạn hẹp thì vẫn có thể làm tiếp thị hiệu quả và đưa ra một số lời khuyên sau:

1.Tìm cơ hội trong khó khăn

Một số doanh nghiệp dễ bị rơi vào cái bẫy của sự tự mãn, tự tin quá mức hoặc đi theo thói quen mà quên mất những cách làm sáng tạo để tiết kiệm chi phí tiếp thị. Trên thực tế, họ không để ý đến những dấu hiệu ban đầu trong các xu hướng thay đổi về nhân khẩu học, công nghệ và pháp luật nên đánh mất cơ hội để tận dụng những thay đổi đó nhằm sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tiên phong. Kolah nhấn mạnh rằng bí quyết để biến thách thức thành cơ hội chính là sử dụng những khó khăn, hạn chế để thúc đẩy sự sáng tạo.

2.Thực hiện chính sách tiết kiệm

Doanh nghiệp không nhất thiết phải có ngân sách lớn để tiếp thị thành công. Những doanh nghiệp tiếp thị thành công nhất đều biết cách sử dụng ngân sách vừa đủ để tạo ra kết quả lớn bằng cách thực hiện sách lược tiết kiệm trong mọi khâu, từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối đến dịch vụ sau bán hàng. Chính sách tiết kiệm được họ vận dụng không chỉ trong việc sử dụng nguồn vốn và nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn trong cả cách sử dụng nhân lực và thời gian. Thay vì tự làm hết mọi việc, họ thường liên kết, hợp tác với nhiều đối tác để hướng tới mục tiêu nhanh mà vẫn tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và chi phí.

3. Suy nghĩ và hành động linh hoạt

Kolah khuyên doanh nghiệp không nên suy nghĩ cứng nhắc theo lối mòn vì lối suy nghĩ ấy sẽ cản trở việc vận dụng những giải pháp tiếp thị có hiệu quả. Chẳng hạn không nên nghĩ rằng các đối thủ cạnh tranh lúc nào cũng xấu, còn đối tác thì tốt hoặc các quy định của các cơ quan chức năng thường gây phiền hà và bất lợi cho hoạt động kinh doanh, còn các chính sách bảo hộ thì có lợi. Trong hoàn cảnh thị trường trong nước và thị trường toàn cầu luôn biến động và thường xuất hiện những tình huống bất ngờ, doanh nghiệp càng phải linh hoạt trong suy nghĩ và hành động.

4. Đơn giản hóa

Cần nhận thức rằng những thông điệp tiếp thị và quảng cáo trừu tượng, hoa mỹ hay kiểu cách quá chỉ làm doanh nghiệp thêm tốn kém, mà khách hàng lại dễ bị phân tâm. Kolah cho rằng thế giới đang có nhiều thay đổi đáng kể. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chuyển hướng sang những chọn lựa đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và có ý nghĩa cho cuộc sống hơn. Các nhãn hiệu nếu thể hiện được thái độ, niềm tin, nhận thức và cách hành xử theo xu hướng đó của người tiêu dùng thì sẽ thu được nhiều lợi ích không chỉ trước mắt, mà còn trong nhiều năm sau.

5. Khai thác triệt để internet

Kolah khuyên doanh nghiệp nên tham gia vào các cộng đồng trực tuyến nhưng vẫn phải giữ được những giá trị cốt lõi, nét văn hóa riêng của mình, tỏ ra minh bạch, luôn lắng nghe khách hàng và giúp khách hàng giải quyết các vấn đề của họ một cách hiệu quả. Có vậy, doanh nghiệp mới xây dựng được niềm tin cho khách hàng bằng những con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất.

6. Không nên quá lệ thuộc vào các đối tác quảng cáo, tiếp thị

Doanh nghiệp không nên tin tưởng hoàn toàn vào các đối tác, mà cần thẳng thắn chia sẻ với họ về các thành công cũng như các bài học cần rút ra sau mỗi chương trình, chiến dịch tiếp thị. Nên thận trọng trước những trường hợp đối tác đề xuất chương trình quá hoành tráng mà không chỉ rõ được những lợi ích cụ thể.

7. Kiên định với định mức chi phí trong kế hoạch

Không ít người tiêu dùng bị rơi vào trường hợp dự định mua một món hàng với số tiền đã định trước nhưng cuối cùng lại móc thêm hầu bao để mua món hàng khác đắt tiền hơn vì bị người bán hàng thuyết phục. Tương tự, các nhà làm tiếp thị cũng có thể bị rơi vào tình huống đó, nhất là khi thiết kế, xây dựng trang web. Kolah khuyên doanh nghiệp nên cân nhắc trước khi đầu tư cho các hoạt động tiếp thị nằm ngoài kế hoạch, không nên bỏ tiền cho những thứ chưa thật sự cần thiết.

8. Tăng cường mở rộng quan hệ

Các công ty, các nhà làm tiếp thị thường muốn duy trì quan hệ với những khách hàng, đối tác đã quen biết từ lâu. Nhưng để phát triển kinh doanh, Kolah khuyên doanh nghiệp nên mở rộng các quan hệ mới (networking). Một trong những cách làm tiếp thị hiệu quả về mặt chi phí là tiếp thị truyền miệng và networking chính là cách tốt nhất để thực hiện điều này.

9. Phối hợp chặt chẽ với khách hàng

Thay vì bỏ ra nhiều chi phí để thực hiện những cuộc khảo sát, nghiên cứu thị trường ở quy mô lớn, Kolah cho rằng doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với khách hàng để hiểu rõ mong muốn của họ, từ đó tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều khách hàng. Chính khách hàng hiện tại sẽ là người định hướng cho doanh nghiệp về cách thiết kế, định giá, phân phối những sản phẩm hợp lý nhất.

10.Luôn rà soát lại kết quả

Ngay cả những chương trình tiếp thị, quảng cáo có vẻ rất thân thiện với giới tiêu dùng cũng có thể trở nên vô nghĩa nếu chúng không đem lại những kết quả mà doanh nghiệp mong đợi. Vì vậy, doanh nghiệp phải luôn rà soát lại các chương trình, hoạt động tiếp thị để có những điều chỉnh kịp thời, tránh lãng phí tiền của và thời gian.

Nhất Nguyên (DNSGCT)