Đừng nghĩ rằng trở thành quản lý là sự thăng tiến, thực chất nó là sự thay đổi nghề nghiệp: Hiểu đúng để không “ngã ngửa”!

Nhiều người nghĩ rằng trở thành quản lý là một sự thăng tiến trong công việc nhưng thực chất không phải vậy. Trở thành quản lý chính xác là bạn đang thay đổi nghề nghiệp của chính mình.

Quản lý con người là một sự thay đổi rất lớn. Có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở thành quản lý nhưng tương lai luôn có rất nhiều điều bất ngờ không được dự đoán trước. Hãy có cái nhìn và sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của quản lý với 5 sự thật dưới đây. Những điều khiến nhiều người kinh ngạc này sẽ giúp bạn không “ngã ngửa” và có một quá trình “thay đổi nghề nghiệp” thuận lợi hơn.

1. Đừng ngạc nhiên khi bạn không còn là ưu tiên lớn nhất của chính mình

Trở thành quản lý thực chất là sự thay đổi nghề nghiệp. Dừng công việc hiện tại đồng nghĩa với việc bạn phải “chào tạm biệt” với những gì bạn đã và đang làm trong những năm qua. Điều này có lẽ không phải là một việc dễ dàng.

Là người quản lý, bạn cần đặt công ty lên hàng đầu, nhóm của bạn đứng thứ hai và cuối cùng là các thành viên trong nhóm của bạn. Điều này nghe có vẻ khắc nghiệt và không có lợi cho bạn nhưng trên thực tế, chính nó sẽ mang đến những kết quả tốt nhất cho tất cả mọi người. Điều quan trọng khi trở thành quản lý là bạn cần hiểu được tầm nhìn của những người lãnh đạo. Hãy biết con tàu cần đi đâu và sau đó hãy giúp nhóm của bạn phát triển đúng hướng.

2. “Muốn lười cũng không được” vì luôn cần học tập để nâng cao kiến thức

Tích cực học tập để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết đã quá quen thuôc với bất kì ai. Nhưng nó vẫn cần được đề cập và nhấn mạnh, đặc biệt là khi bạn đang trong quá trình “thay đổi nghề nghiệp” của bản thân để trở thành một người quản lý. Hãy tích cực học tập để nâng cao kiến thức nói chung và mở rộng sự hiểu biết về quản lý nói riêng.

Với tư cách là một người quản lý, bạn cần giúp các thành viên trong nhóm phối hợp và làm việc một cách hiệu quả để thực hiện được các công việc và mục tiêu chung. Bên cạnh đó, bạn cần thúc đẩy tinh thần của các nhân viên và tìm ra các phương án xử lý khi có sự cố phát sinh làm ảnh hưởng đến công việc chung của cả nhóm. Chính vì vậy, việc làm như thế nào để “tìm đúng thuốc” cho uống “đúng người” và “đúng thời điểm” để công việc thuận lợi, suôn sẻ và đạt mục tiêu là rất quan trọng.

3. “Gắn kết” các thành viên của nhóm và “thúc đẩy” họ phát huy hết khả năng chính là thành công của bạn

Teamwork vô cùng quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ lớn cần sự hợp sức và sự nỗ lực của nhiều người. Teamwork có hiệu quả hay lại không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của người quản lý. Do đó, nếu bạn có thể gắn kết các thành viên của nhóm và thúc đẩy họ phát huy hết khả năng thì đó chính là thành công của bạn.

Để làm được điều này, hãy tìm những người sẽ đẩy bạn ra khỏi vùng thoải mái của bạn và chỉ cho bạn một cách làm việc mới. Hãy tiếp xúc với những người có nền tảng và kinh nghiệm khác nhau. Tìm hiểu và học hỏi cách họ tiếp cận vấn đề hoặc tìm giải pháp là rất quan trọng trong việc mở rộng tầm nhìn của bạn. Đừng quên học hỏi kinh nghiệm của các công ty lớn hơn hoặc các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, chắc chắn bạn sẽ có thêm những bài học hữu ích cho mình trong việc làm quản lý.

4. “Làm tất cả” hoặc “bao bọc nhân viên” là biểu hiện của người quản lý tồi

Việc giao quyền và nhiệm vụ càng trở nên quan trọng khi bạn cần dẫn dắt nhiều nhân viên hơn hoặc phải xử lý nhiều việc hơn. Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế biết cách giao quyền và nhiệm vụ để nhân viên hoàn thành theo đúng cách bạn muốn không hề dễ dàng. Dù rằng vậy nhưng đừng bao giờ tự làm tất cả bởi thời gian mỗi ngày và sức lực của bạn đều là hữu hạn.

Bên cạnh đó, nếu bạn có thói quen “giúp đỡ” và “giải quyết hộ” các nhân viên của mình thì hãy dừng lại. Có thể bạn nghĩ rằng bạn đang làm rất tốt công việc quản lý của mình, bạn giúp đỡ nhân viên rất nhiều để mọi việc diễn ra tốt đẹp. Nhưng “sự giúp đỡ” của bạn đã không tốt như bạn nghĩ bởi bạn đã hạn chế sự phát triển của họ.

5. Đừng lo lắng khi “không đo lường được” những việc bạn làm

Đây là điều mà hầu hết mọi người đều phải đối mặt trong quá trình thay đổi công việc. Khi bạn làm việc như một nhân viên bình thường, kết quả công việc của bạn có thể đo lường được một cách dễ dàng. Bạn biết những gì bạn đang làm và bạn luôn có cái gì đó để báo cáo vào cuối ngày.

Nhưng với tư cách là người quản lý, có thể bạn sẽ thấy mình không có gì để đo lường kết quả công việc. Công việc của bạn là giúp cho các nhân viên làm việc một cách hiệu quả, giải quyết các vấn đề và giúp nhóm phát triển. Do đó, tác động của công việc của bạn không thể nhìn thấy ngay lập tức. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng khi được “thay đổi công việc”. Hãy cảm thấy thoải mái với những gì bạn làm. Nếu nhóm của bạn đang làm việc hiệu quả thì bạn đang làm tốt “công việc mới” của mình.

Theo Hải Đăng