Con Muốn Làm Doanh Nhân

 

Tư duy an toàn của các bậc phụ huynh ở châu Á

Thế giới đang thay đổi và thái độ đối với tinh thần kinh doanh đang ngày càng trở nên tích cực. Nhưng khi nói tới sự hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là các gia đình Singapore truyền thống hoặc rộng hơn là các gia đình châu Á, suy nghĩ của họ đối với tinh thần kinh doanh phần lớn là tiêu cực.

Các bậc phụ huynh ở châu Á, những người đã làm việc vất vả trong nhiều năm, thường sử dụng hầu hết số tiền họ dành dụm được để đầu tư vào việc giáo dục cho con cái với hy vọng con cái họ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Một số phụ huynh trong số này cũng là doanh nhân điều hành những doanh nghiệp nhỏ với những thành công nhất định.

Họ biết làm kinh doanh khó khăn như thế nào và không muốn con cái mình phải đối mặt với khó khăn. Thay vào đó, họ hy vọng con cái mình kiếm được công việc ở các tập đoàn lớn hay công ty nhà nước. Họ muốn con cái mình làm những công việc nhẹ nhàng với mức lương ổn định và cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Họ cảm thấy thất bại nếu các con không theo đuổi một sự nghiệp ổn định. Và nếu các con trở thành doanh nhân giống như họ, họ sẽ coi sự nghiệp của con mình là một chu kỳ khó khăn kéo dài, luôn luôn có nguy cơ bị đổ vỡ.

Ảnh hưởng tới cả lớp trẻ

Bằng một cách nào đó, tư duy an toàn của các bậc phụ huynh ảnh hưởng tới cả những doanh nhân trẻ tuổi.

Năm 2014, Jacky đã phải rời startup mà anh cùng người bạn thân nhất sáng lập ra. Khi đó startup đang trong quá trình phát triển nên Jacky không được trả lương mà bạn gái anh lại muốn kết hôn. Sau khi kết hôn hai người sẽ phải mua nhà nữa. Để có tiền góp chung với bạn gái cho việc kết hôn và mua nhà Jacky đã phải bỏ startup đi kiếm việc khác.

Jacky gặp khó trong việc giải thích cho người bạn thân, đồng sáng lập startup, hiểu lý do tại sao anh phải bỏ công ty để kiếm một công việc full-time.

Doanh nhân khó thành công nếu không được ủng hộ

Có một câu nói khá nổi tiếng là: “Cần một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ”. Tương tự vậy, cần cả một hệ sinh thái, bao gồm cả gia đình và bạn bè, để nuôi lớn một doanh nhân. Sự ủng hộ của những người thân yêu rất quan trọng với một doanh nhân.

Một gia đình hạnh phúc cực kỳ quan trọng với một sáng lập startup. Nhờ nó, các nhà sáng lập, doanh nhân có thể toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh, không bị phân tâm bởi các vấn đề cá nhân.

Làm thế nào để chia sẻ với cha mẹ, người thân rằng bạn đang làm kinh doanh và thuyết phục họ ủng hộ bạn?

1. Hãy đảm bảo bạn đã sẵn sàng làm doanh nhân

Không phải ai cũng có thể trở thành một doanh nhân. Có rất nhiều bài viết trên mạng về chủ đề này. Có rất nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ trước khi bạn khởi nghiệp.

Bryan Lee, đồng sáng lập của Intraix, chia sẻ rằng nếu thời gian quay ngược trở lại anh ấy sẽ làm một việc khác.

“Khởi nghiệp phải theo công thức giảm thiểu rủi ro và kiếm tiền. Nhưng tôi lại làm ngược lại, bỏ công việc đang làm, thành lập một startup và tập trung hoàn toàn cho việc kinh doanh.

Đáng ra, tôi nên tiếp tục công việc đang làm và chỉ làm startup trong thời gian nghỉ, thử nghiệm các ý tưởng cho tới khi hoàn toàn chắc chắn kế hoạch kinh doanh của mình sẽ thành công. Mọi người có thể cho rằng làm như vậy tôi sẽ không thể tập trung vào việc kinh doanh. Tuy nhiên, ngược lại, khi dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp kinh doanh tôi bị làm phiền bởi các vấn đề liên quan tới tài chính cá nhân”, Lee chia sẻ.

Vì vậy, trước khi bạn công khai với cha mẹ rằng bạn muốn trở thành doanh nhân, hãy dành thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm xem kế hoạch này có phù hợp với bạn hay không.

2. Chọn đúng thời điểm để nói chuyện

Nói chuyện cũng cần có chiến lược. “Có lúc nên nói, có lúc nên im lặng”, người ta nói như vậy. Lee cho rằng bữa tối là thời điểm tốt nhất để nói chuyện, chia sẻ tin tức với cha mẹ.

Bạn cũng vậy, nên chia sẻ với cha mẹ và người thân khi họ thoải mái và có thể lắng nghe bạn. Đầu tiên hãy nói chuyện để thăm dò xem ngày hôm nay của họ như thế nào. Nếu họ đang buồn, đừng đổ dầu vào lửa, chờ cơ hội tốt hơn.

3. Lên kế hoạch sẽ nói những gì và những lời hứa

Lee nói với mẹ anh rằng: “Mẹ ơi, con muốn bỏ việc và muốn làm gì đó của riêng mình. Con có một đối tác. Cậu ấy cũng sẽ bỏ việc và chúng con muốn cố gắng trong vòng một hoặc hai năm. Nếu không thành công, chúng con sẽ trở lại làm việc”.

Khi nói chuyện với cha mẹ và người thân, bạn phải trình bày một cách đơn giản và tập trung vào việc giải quyết các lo ngại của họ. Khác với Joe, người khiến cha mẹ mơ hồ về kế hoạch của anh ta, Lee đi thẳng vào vấn đề và hứa với mẹ sẽ trở lại công việc nếu không thành công. Thay vì nói về việc kinh doanh, việc đầu tiên Lee làm là xua tan nỗi sợ hãi của mẹ anh.

Khi đã giải quyết xong vấn đề thông báo kế hoạch cho cha mẹ, bạn nên chuyển sang vấn đề tài chính cá nhân.

4. Đầu tiên là tiền đâu

Nỗi lo sợ lớn nhất của cha mẹ khi con cái họ bắt đầu khởi nghiệp đó là thiếu tiền. Và bạn cũng vậy, khi bắt đầu khởi nghiệp bạn nên có tiền trong tài khoản ngân hàng, khoản tiền này tối thiểu bằng 12 tháng tiết kiệm của bạn.

Đây là số tiền cần thiết để bạn sống sót cho tới khi huy động được vốn và trả lương cho bản thân. Khi bạn khẳng định với cha mẹ rằng bạn có tiền để trang trải thì cha mẹ bạn sẽ yên tâm hơn và họ không cần phải lo lắng về việc chu cấp cho bạn trong thời gian bạn chuẩn bị khởi nghiệp.

5. Chuẩn bị sẵn kế hoạch để trình bày cho cha mẹ

Cha mẹ và người thân của bạn được coi là các bên liên quan trong công ty của bạn. Mặc dù họ không thể tác động trực tiếp vào công ty nhưng họ ở đây để thấu hiểu, khuyến khích và yêu thương bại khi bạn gặp khó khăn và cung cấp cho bạn nguồn sức mạnh tinh thần khi bạn cần.

Do vậy, bạn cần tôn trọng họ bằng cách cho họ thấy doanh nghiệp của bạn đang làm gì, thậm chí bạn phải trình bày với họ các kế hoạch như bạn làm với các đối tác hoặc nhà đầu tư tiềm năng.

Một doanh nhân từng nói: “Nếu một sáng lập viên của startup không thể thuyết phục cha mẹ đồng ý kế hoạch của anh ấy thì làm sao anh ấy thuyết phục những người khác làm việc cùng anh ấy và không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư”?

Hơn nữa, bạn nên trình bày bản kế hoạch trước cha mẹ theo một cách đơn giản nhất có thể. Cha mẹ và người thân của bạn không làm startup và cũng không hiểu các thuật ngữ kỹ thuật.

6. Hãy bình tĩnh xử lý mâu thuẫn

Là một doanh nhân, bạn phải biết cách kìm nén cảm xúc. Đừng vội nổi đóa lên khi cha mẹ phản đối kế hoạch của bạn. Câu chuyện của Joe là một ví dụ, bạn không nên làm bất cứ điều gì khi đang bị kích động. Hãy trưởng thành trong cách nhận định tình hình.

Nếu bạn đang bị kích động hãy lùi lại và chờ cho tới khi bạn có thể bắt đầu nói chuyện một lần nữa với cha mẹ về vấn đề này.

Kết

Cho dù đã thực hiện những lời khuyên trên, bạn có thể không thể thành công trong lần nói chuyện đầu tiên với bố mẹ.

Với Bryan Lee, mẹ anh sợ quyết định của anh sẽ làm ảnh hưởng tới tài chính gia đình, nhưng khi bà nhìn thấy sự tiến bộ của con mình và nhìn thấy anh ấy trên bản tin bà hiểu lý do con mình khởi nghiệp và bắt đầu hỗ trợ anh.

Bạn hãy chuẩn bị kỹ càng trước khi nói chuyện với bố mẹ, nó sẽ giúp giảm sự căng thẳng không cần thiết trong quá trình nói chuyện.

 

Theo GenK.