Sống cho hiện tại – Làm việc cho tương lai

Guy Kawasaki hiện đang là giám đốc tiếp thị cho Canva và là cố vấn cho mảng kinh doanh của Motorola (Google). Trước đây, ông từng là cựu chuyên gia tại Apple, giúp “Quả táo” trở thành một “hiện tượng” mà tất cả mọi người đều mơ ước như ngày nay.

Kawasaki là tác giả của 8 cuốn sách Best Seller, trong đó có Nghệ thuật khởi nghiệp (The Art of the Start) hay Nguyên tắc cách mạng (Rules for Revolutionaries). Dưới đây là một số lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ ngày nay.

1. Thử thách những cái đã biết và nắm lấy những gì chưa biết

Chấp nhận những gì đã biết và chống lại những gì chưa biết quả thực là một sai lầm lớn. Trong thực tế, điều tốt nhất là bạn hãy làm ngược lại: thử thách những gì đã có và học cách chấp nhận những điều mới mẻ.

Bạn chỉ còn quá trẻ và đây là lúc để bạn chấp nhận những rủi ro đó bởi bạn có quá ít để mất. Những điều tuyệt vời và vĩ đại thường đến với những ai luôn sẵn sàng đương đầu với những rủi ro mới.

Sống hạnh phúc mỗi ngày: Thử thách những cái đã biết, nắm lấy những gì chưa biết

2. Hãy học cách ngắn gọn

Khác với trường học, môi trường làm việc sẽ ưa thích sự ngắn gọn hơn bao giờ hết. Sẽ không còn chỗ cho những bài luận dài hàng chục trang để làm hài lòng các giáo sư nữa mà thay vào đó là sự ngắn gọn và chính xác.

Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ phải trả lời hàng chục email, lắng nghe vài lần thuyết trình và đọc vài báo cáo mỗi ngày, lúc đó bạn sẽ muốn chúng dài như thế nào? Đây là vài quy tắc mà tôi hay sử dụng: email – không quá 5 câu, thuyết trình – dưới 10 slide hay 20 phút và báo cáo – giới hạn trong 1 trang.

3. Hãy sử dụng những câu chuyện và ví dụ cụ thể

Những người “mê hoặc” nhất thường là những người biết cách kể chuyện, làm thử và sử dụng các hình ảnh trực quan để truyền tải thông điệp tới người khác.

Khi thảo luận một chủ đề nào đó, họ tạo nên một bức tranh sống động trong tâm trí mọi người thông qua các phương tiện truyền thông, email, thuyết trình hay cuộc gọi.

Steve Jobs không chỉ là bậc thầy về công nghệ mà còn là người rất giỏi khi thuyết trình. Nếu bạn muốn trở nên thuyết phục như  ông ấy, hãy học cách giao tiếp bằng những câu chuyện và các ví dụ trực quan.

4. Hãy trân trọng công việc đầu tiên

Thông thường, mỗi người sẽ trải qua từ 5 tới 10 vị trí khác nhau ở vài lĩnh vực. Do vậy, công việc đầu tiên chưa chắc sẽ là công việc cuối cùng của bạn. Trừ phi bạn là một trong những người sáng lập ra Google hay Facebook nhưng tất nhiên, đây chỉ là thiểu số mà thôi.

Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là chẳng học được điều gì từ công việc đầu tiên đó vì nghĩ rằng trước sau gì mình cũng sẽ nghỉ công việc này. Điều này quả thật vô cùng lãng phí. Bạn sẽ chẳng thể có công việc thứ 2 hay thứ 3 nếu như không có cái thứ nhất.

Hãy xắn tay áo lên mà làm việc cật lực cho công việc đầu tiên của bạn, và cũng đừng bao giờ nghĩ về việc tìm được một vị trí hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên.

5. Sống cho hiện tại, làm việc cho tương lai

Ngay khi bạn bắt đầu công việc mới của mình, sẽ chẳng có ai trong văn phòng của bạn còn quan tâm tới việc bạn từng học ở đâu, điểm GPA ra sao, bạn có từng làm thủ lĩnh của đội bóng hay bố mẹ bạn là ai nữa cả.

Tất cả những gì họ quan tâm là bạn có mang tới những kết quả như kỳ vọng hay không mà thôi. Vì thế, hãy làm việc thật chăm chỉ để sếp của bạn hài lòng.

6. Hãy khiến sếp của bạn hài lòng

Đừng hiểu nhầm rằng tôi đang khuyên bạn đi nịnh sếp của mình. Điều tôi muốn nói ở đây là hãy làm cho vị quản lý luôn hài lòng với kết quả của bạn.

Nếu từ trước đến giờ bạn luôn nghĩ mình cần phải đối đầu với các ý kiến của cấp trên để ghi điểm trong mắt của họ thì có thể bạn đã nhầm. Làm như vậy chỉ khiến bạn tỏ ra không trung thành với công ty và ngớ ngẩn đối với những đồng nghiệp.

Hãy làm cho sếp của mình thành công, như vậy cơ hội thăng tiến của bạn cũng vì thế mà rộng mở theo.

7. Không ngừng học hỏi

Sống hạnh phúc mỗi ngày: Không ngừng học hỏi

Rất nhiều người lầm tưởng rằng sau khi ra trường và yên vị với một công việc nào đó, việc học tập coi như đã hoàn thành. Thực tế cho thấy, bất kỳ bạn đang làm gì đi chăng nữa, học tập luôn là một quá trình không bao giờ có điểm kết thúc.

Và khi bước chân vào con đường chuyên nghiệp, việc học đôi khi trở nên dễ dàng hơn bởi bây giờ bạn đã biết là mình thích cái gì và những thứ bạn học sẽ trở nên có ích hơn so với trước đây.

Nói không ngoa, việc học chỉ thực sự bắt đầu khi bạn nhận được tấm bằng tốt nghiệp.

8. Không có gì là tuyệt đối

Khi bạn còn nhỏ, bạn biết rằng nói dối, gian lận hay ăn trộm là hoàn toàn sai. Khi bước chân vào công việc, bạn cần nghĩ về những điều tương tự như thế.

Khi trưởng thành hơn, bạn sẽ thấy giữa cái đúng và cái sai đôi khi không còn là tuyệt đối nữa. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng cái gì đúng sẽ luôn đúng và cái gì sai sẽ luôn luôn sai.

9. Hãy dành thời gian cho những người thân yêu của mình

Sống hạnh phúc mỗi ngày: Hãy dành thời gian cho nhưng người thân yêu

Tiền bạc, quyền lực hay danh vọng đều chẳng thể thay thế cho gia đình và bạn bè của bạn. Chúng càng trở nên vô nghĩa nếu một ngày bạn mất đi những người thân yêu nhất của mình.

Khi những người thân vẫn còn ở bên cạnh, bạn thường coi đó là một điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta đâu thể biết trước được điều gì sẽ tới trong tương lai.

Vì thế hãy dành thời gian cho những người thân của bạn bởi suy cho cùng, một cuộc sống hạnh phúc cũng chính là mục đích cuối cùng khi chúng ta bắt tay vào một công việc nào đó.

Theo Doanh nhân Sài Gòn