KIỂM SOÁT CHI TIÊU HỢP LÝ TRONG GIA ĐÌNH

Trong điều kiện thông thường, bạn hãy nhớ một nguyên tắc đơn giản để thiết lập ngân sách chi tiêu cho gia đình là: Số tiền tiêu phải ít hơn số tiền kiếm được. Dưới đây là những mẹo hay về kinh nghiệm kiểm soát tiền bạc gia đình.

Hãy coi việc quản lý tài chính cá nhân như công việc của một nhà quản lý, khi đó, bạn sẽ có động lực để hoàn thành các mục tiêu nhiều hơn và chủ động đưa ra danh sách những khoản chi cần được cắt giảm, những khoản chi không cần thiết (có thể tưởng tượng rằng mình là một giám đốc và đang duyệt ngân sách thực hiện cho nhân viên).

Mục đích cần đạt được khi thực hiện việc lập ngân sách này là các khoản chi tiêu phải được quản lý hiệu quả mỗi ngày. Sau đây là các bước thực hiện:

Bước 1: Nhìn tổng quát và khách quan việc chi tiêu của bạn

Đây là một bước quan trọng đầu tiên đòi hỏi bạn phải nghiêm túc và thành thật với chính mình. Từ đây, bạn có được cái nhìn khái quát để biết mình có những khoản chi nào, số tiền dành cho chúng nhiều hay ít, các khoản chi này có hợp lý hay chưa.

Bạn có thể dùng một quyển sổ hoặc các phần mềm quản lý tài chính cá nhân đơn giản như MyMoney – đây là phần mềm quản lý chi tiêu cực kỳ đơn giản và tiện ích – bạn nhập các thông tin tiêu xài hằng ngày của mình để theo dõi. Vào cuối mỗi ngày hoặc mỗi tuần bạn dành một ít thời gian của mình để đánh giá nhanh việc chi tiêu của chính mình.

Nếu bạn thường dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để thanh toán thì hãy sử dụng các số liệu mà ngân hàng và yêu cầu họ báo cáo cho bạn hằng tháng.

Khi thực hiện đánh giá, bạn hãy lưu ý những khoản chi chiếm nhiều tiền của mình và làm nổi bật chúng lên. Lợi ích của việc này là bạn có thể dễ dàng nhận ra những khoản chi “vung tay quá trán” của mình và đưa ra giải pháp cho mình để giảm lại số tiền chi.

Bước 2: Lập kế hoạch về những khoản mua sắm sắp tới của bạn

Hãy lập danh sách cho những thứ mà bạn nghĩ mình sẽ mua trong vòng 3-6 tháng tới, bao gồm những chi tiêu thông thường như mua xe, ti vi, máy giặt, du lịch,… cho đến những khoản chi có liên quan đến tài chính, đầu tư như gửi tiết kiệm, thanh toán thẻ tín dụng,… và những khoản chi khẩn cấp. Tương tự, bạn cũng liệt kê những khoản chi quan trọng trong vòng 3-5 năm tới cho mình trong kế hoạch dài hạn. Danh sách này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra các quyết định ưu tiên khi mua sắm cũng như giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình, nhất là khi ngân sách của bạn là có giới hạn.

Ngoài ra, có một cách lập danh sách cũng khá thú vị. Về nội dung chính vẫn là các dự định mua sắm trong tương lai của bạn nhưng sẽ được phân loại thành nhóm:

Nhóm những khoản mua sắm có ảnh hưởng tích cực đến cảm xúc của bạn trong dài hạn, ngắn hạn

Nhóm những khoản mua sắm có thể giúp cải thiện chất lượng sống của bạn (có thể trong 3, 5, 10 năm hoặc hơn)

Việc lập danh sách theo kiểu này cũng giúp bạn giảm bớt cảm giác buồn chán trong khi lập kế hoạch chi tiêu của mình và có thể tạo động lực cho những khoản cần tiết kiệm của bạn!

Bước 3: Phân loại các khoản chi tiêu của bạn

Bước này giúp bạn cân đối và dự tính được “ngân sách” cho các nhóm chi tiêu của mình. Bạn hãy nhìn tổng quát việc chi tiêu của mình và sắp xếp các khoản chi đó vào từng nhóm và phân bổ lượng tiền cần cho từng nhóm đó là bao nhiêu phần trăm. Tuỳ vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người mà các nhóm này sẽ khác nhau. Ở đây, xin chia sẻ một cách phân loại nhóm chi tiêu:

– Nhóm tiết kiệm: chi cho các sở thích, nhu cầu cá nhân ở tương lai hoặc các khoản chi theo thời hạn như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, tiền để dành cho các khoá học, tiền đi du lịch, tiền mua nhà, tiền trả nợ vay, tiền mừng cưới,…

– Nhóm đầu tư: thực hiện chi cho mục đích kinh doanh “tiền sinh tiền” như tiền vốn kinh doanh, tiền chi cho các quỹ đầu tư…

– Nhóm dự phòng: chi cho các khoản phát sinh bất ngờ không mong muốn như tiền sửa xe, tiền khám bệnh, tiền làm giấy tờ,…

Nhóm thường ngày: chi cho những vật dụng hằng ngày như áo quần, ăn uống, vật dụng nhỏ trong gia đình, đi cafe, giải trí, các hoá đơn hàng tháng,…

Bước 4: Lập một tài khoản tiết kiệm

Dù đã rất cố gắng nhưng một khi bạn biết rõ mình cất tiền ở đâu, có chìa khoá hoặc là người đưa ra quy định cho tài khoản đó thì bạn vẫn không thể kiềm chế mình lấy khoản tiền đó để mua sắm. Khi đó, bạn hãy nghĩ đến một người nguyên tắc, nghiêm khắc đáng tin cậy nào đó hoặc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tiết kiệm thông minh của ngân hàng để họ giúp bạn cất giữ số tiền đó.

Bước 5: Ngừng những chi tiêu quá trớn của bạn

Sau khi bạn đã có danh sách đã phân loại những khoản chi của mình và phân bổ kinh phí cho từng khoản đó, thì bạn có thể áp dụng thử mẹo đơn giản sau đây để việc chi tiêu của mình thêm hiệu quả. Giả sử bạn có 4 nhóm phân loại như trên: tiết kiệm, đầu tư, dự phòng và thường ngày thì bạn cần 4 chiếc phong bì. Trên mỗi phong bì, bạn ghi thật to và rõ tên từng nhóm một. Sau đó, bạn bỏ vào đó số tiền mà bạn phân bổ cho mình trong một tháng. (nếu bạn khéo tay, bạn có thể trang trí những biểu tượng icon dễ thương hoặc có liên quan đến tên gọi của các nhóm phân loại cho phong bì thêm xinh xắn)

Riêng với nhóm thường ngày, bạn có thể chia nhỏ thêm lần nữa thành các nhóm với số tiền ứng trong 1 tháng hoặc theo từng tuần:

– Làm đẹp (mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện);

– Thực phẩm;

– Hoá đơn (điện thoại, internet, điện, nước, tiền an ninh, vệ sinh…);

– Giải trí (cafe, xem phim, kịch, nhạc, sách);

– Khác.

Với hai nhóm đầu tư và tiết kiệm, nếu bạn không “tin tưởng” bản thân mình, bạn có thế lập tài khoản cho mình như ở bước 4.

Sau khi đọc xong những bước trên, điều bạn cần làm là bắt tay thực hành sớm nhất có thể và quyết tâm thực hiện tới cùng (hoặc có cam kết tương tự với bất kỳ phương pháp quản lý tài chính nào mà bạn cảm thấy hiệu quả và phù hợp với mình). Suy đi ngẫm lại, để khi quản lý tài chính của mình thành công thật ra không quá khó nhưng cũng không hẳn dễ. Lời khuyên chỉ là bạn hãy: tuân thủ nguyên tắc (có thể linh hoạt), quyết tâm, không trì hoãn, không nuông chiều bản thân và cảm xúc bốc đồng của mình.

Download Ebook miễn phí: http://Phamngocanh.com/ebook-24h

Đăng kí học NGHĨ GIÀU LÀM GIÀU tại: http://nghigiaulamgiau.net

Lưu ý: Bạn có thể copy bài viết này và lưu ý ghi rõ nguồn

MR WHY – Phạm Ngọc Anh