Trong tình trạng kinh tế khó khăn và đang trên đà suy thoái, liệu bạn có phải là một người tiêu dùng thông minh và hiểu rõ giá trị của đồng tiền? Hay bạn cũng đang tự biến mình thành một “tín đồ mua sắm” với những suy nghĩ “mất tiền”.
Dưới đây là 5 suy nghĩ khiến bạn luôn phải “vét” sạch ví mỗi lần đi mua sắm:
1. Nếu mình không mua nó, chắc chắn sẽ có người khác nhảy vào ngay
Có lẽ đây là suy nghĩ phổ biến của hầu hết người tiêu dùng khi đi mua hàng. Bởi chúng ta thường cho rằng, cái mà chúng ta thích cũng là cái mà nhiều người ao ước. Vì thế, bằng mọi giá, bạn phải mua cho bằng được món đồ đó. Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn tiêu dùng cho biết “Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng rất đa dạng và ít khi trùng nhau. Hơn nữa, chúng ta thường bị thu hút bởi những cửa hàng off sales (giảm giá) nên luôn có tâm lý “nếu mình không mua thì người khác sẽ mua mất”. Nhưng trên thực tế, đa số đó chỉ là những chiêu câu khách của nhiều hãng kinh doanh. Khi đi mua sắm, chúng ta nên hết sức tỉnh táo và nhớ rằng chỉ mua những gì mình thực sự cần”.
2. Mình cần nó
Khi đi qua gian hàng điện tử, bạn nhìn thấy một chiếc máy ảnh hiện đại và có nhiều chức năng hơn cái mà bạn đang sở hữu. Bạn sẽ chăm chú ngắm nhìn nó và kết luận rằng nó rất… cần thiết cho công việc của bạn. Bạn cần phải mua nó, mua ngay lập tức. Nhưng liệu nó có thực sự hữu ích với bạn đến vậy không?
Giáo sư James Roberts- một chuyên gia tâm lý tiêu dùng cho biết “Những thứ thiết yếu mà con người không thể thiếu được trong cuộc sống của mình chỉ bao gồm thực phẩm, nước uống, quần áo và chỗ ở; chứ không phải là những món đồ điện tử hiện đại đắt tiền hay chiếc túi xách thời trang hàng hiệu. Nhiều người trong chúng ta thường mua hàng theo cảm tính, chứ không phải theo nhu cầu. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì thế, hãy mua hàng trong khả năng của bạn”.
3. Mình có thể trả lại nó cơ mà
Để cạnh tranh, rất nhiều nơi có chính sách cho đổi hoặc trả lại hàng nếu khách hàng thấy không hài lòng về sản phẩm. Vì thế, người tiêu dùng thường có tâm lý cứ mua đi, không thích thì mang trả. Nhưng thực tế là để trả lại hàng, bạn phải tuân thủ rất nhiều điều kiện cũng như quy định nghiêm ngặt. Một số cửa hàng chấp nhận cho trả hàng nhưng lại yêu cầu bạn đổi lấy một món đồ khác có giá trị tương đương hoặc thấp hơn. Hơn nữa, dù trả được hàng nhưng chưa chắc bạn đã nhận được đầy đủ tiền hoàn lại.
4. Mình nên mua nó để góp phần làm từ thiện
Nhiều công ty có chính sách trích một khoản doanh thu từ việc bán hàng để làm từ thiện và kêu gọi sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng. Do vậy, người tiêu dùng có tâm lý “Dù có đắt hơn cũng không sao. Vì đó là làm từ thiện mà”. Tuy nhiên, liệu bạn có thể đảm bảo 100% rằng số tiền mà bạn đóng góp sẽ được gửi đến hội từ thiện hay không? Nếu muốn làm từ thiện, bạn nên đích thân gửi tiền đến các hội từ thiện thay vì mua những món đồ mà mình không cần hoặc không thích chỉ vì lí do “muốn làm tự thiện”.
5. Mình nên mua vì được giảm giá nhiều nên sẽ có lợi hơn
Khi đi mua hàng, một sai lầm lớn mà nhiều người tiêu dùng thường xuyên mắc phải đó là so sánh giá. Tuy nhiên, điều đó không nghiêm trọng bằng việc so sánh xem mặt hàng đó được giảm giá bao nhiêu và nếu mua nó thì bạn sẽ “lời” được bao nhiêu. Hãy nhớ rằng, giá trị của hàng hóa chính là giá trị của đồng tiền bạn phải bỏ ra để có được hàng hóa đó chứ không phải là khoản giảm giá do nhà sản suất niêm yết.
Theo Vnmedia