Lựa chọn cuộc sống: Bạn là người có chính kiến hay mãi chạy theo đám đông?

Mỗi người được sinh ra trên cuộc đời là một cá thể độc lập, các cá thể chỉ chung sống và hòa hợp với nhau chứ không bao giờ hợp nhất được. Thế nên, chúng ta trở thành người như thế nào là cách chúng ta lựa chọn.

Tâm lý đám đông hoặc hiệu ứng bầy đàn

Có một câu chuyện vui thế này: “Một cậu bé đang đi bên lề đường bỗng nhiên dừng lại, ngửa mặt lên trời. Vừa lúc có một vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi 1 bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy, 1 người, rồi 1 người nữa….

Lúc cậu bé cúi xuống, quay ngang quay ngửa, ngạc nhiên khi thấy cả chục người đứng chung quanh mình, và cũng hành động y như mình. Cậu hỏi: “Ủa ! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?”. Đọc xong câu chuyện, ta có thể hiểu được phần nào cái gọi là “hội chứng đám đông”.

dam-dong

Hội chứng đám đông hay “hiệu ứng bầy đàn” là chỉ những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.

Bầy đàn có tính rất tản mạn, bình thường khi ở bên nhau, động vật  thường xuyên chen lấn, xô đẩy, nhưng khi “con đầu đàn” hành động, các “con khác” cũng không suy nghĩ mà hùa theo ngay, bất chấp phía trước có thể có “sói” đang rình rập. Chính vì vậy, “hiệu ứng bầy đàn” là thuật ngữ được dùng để chỉ tâm lý hùa theo đám đông, tâm lý đám đông rất dễ dấn đến mù quáng khiến người ta bị rơi vào những trò lùa bịp hoặc gặp thất bại.

Người ta đã từng làm một thí nghiệm như sau: Đặt một cây gậy nằm ngang trước một đàn dê, con dê đầu đàn nhảy qua, con dê thứ 2, thứ 3 cũng bắt chước nhảy qua. Sau đó người ta liền bỏ cây gậy đi, khi qua đây những con dê phía sau vẫn có động tác nhảy lên giống như những con dê đi trước, mặc dù cây gậy chặn đường không còn nằm ở đó. Đây chính là “hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông”.

Nhà sinh vật học người Pháp Henri Fabre đã từng làm một thí nghiệm với sâu róm, ông đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó Henri Fabre rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Chúng đi liền 7 ngày 7 đêm, và rồi đàn sâu róm đã chết dần do mệt và đói. Một điều đáng thương là, chỉ cần một con sâu róm trong đàn thay đổi một chút lộ trình là có thể ăn được lá thông ở ngay bên cạnh.

dam-dong-1

Có một câu chuyện vui như thế này: Có 1 “ông trùm” dầu mỏ lên thiên đường tham gia một hội nghị, vừa bước vào phòng hội nghị, phát hiện ra không còn chỗ trống nào nữa, “ông trùm” này liền nảy ra một kế, hét lớn một câu: “Địa ngục phát hiện ra dầu mỏ rồi!”. Và thế là tất cả các “ông trùm” dầu mỏ trên thiên đường bèn thi nhau chạy xuống địa ngục, chẳng mấy chốc trên thiên đường chỉ còn lại “ông trùm” đến cuối cùng. Lúc này “ông trùm” đến cuối cùng liền nghĩ, mọi người đã chạy đi hết rồi, có khi địa ngục phát hiện ra dầu mỏ thật chăng? Và thế là ông ta cũng vội vàng chạy về phía địa ngục.

Câu chuyện này cho thấy, có nhiều lúc chúng ta buộc phải từ bỏ cá tính của mình để chạy theo phong trào, bởi mỗi chúng ta không thể hiểu được tường tận mọi sự việc, đối với những sự việc không hiểu, không chắc chắn, chúng ta thường “chạy theo phong trào”.

Người dân bình thường, thường dễ để mất đi khả năng phán đoán cơ bản. Những lúc như thế ánh mắt của mọi người thường đổ dồn về phía các phương tiện truyền thông để tìm kiếm sự tư vấn, mong muốn thông qua đó có được căn cứ phán đoán. Tuy nhiên, nhân viên làm việc trong các phương tiện truyền thông cũng là người bình thường, chính vì vậy, thu thập thông tin và phán đoán một cách nhạy bén là phương pháp tốt nhất có thể giúp người ta giảm thiểu những hành vi mù quáng.

Đối với cá nhân, việc chạy theo người khác sẽ khó tránh khỏi cảnh ngộ bị “nuốt chửng” hoặc bị “loại bỏ”. Điều quan trọng nhất, phải có ý tưởng của mình, không đi con đường bình thường mới là con đường tắt để bạn trở nên xuất chúng.

Một thế giới với tỷ lệ cạnh tranh quá cao thì cần nhất những người khác biệt. Đám đông đôi khi sẽ là sự lựa chọn an toàn, nhưng chính kiến mới nói lên được BẠN LÀ AI?

Tại sao đừng nên đi theo đám đông?

“Đám đông” ở đây tức chỉ một nhóm người có chung ý kiến, quan điểm. Nhưng quan trọng là những quan điểm đó có phải của mỗi người hay không. Theo lối tư duy thông thường, nếu có quá nhiều người lựa chọn một thứ gì đó, tức là thứ đó đúng, và vì con người luôn muốn hướng đến lẽ phải nên thường chọn ý kiến theo số đông.

Nhưng các bạn này, nếu không thể giải thích lí do cho sự lựa chọn của chính mình, hay nếu lí do đó chỉ là “Mọi người ai cũng chọn thế” thì ban đang quá xem thường bản thân rồi, bạn tự cho mình núp dưới cái bóng của những người khác.

Giống như việc bạn biết rõ lối đi của con đường A, nhưng nghiệt ngã rằng có quá nhiều người đi vào đường B, và thế là bạn cũng rẽ vào hướng đó mặc dù không biết tại sao, cũng chả biết sẽ phải đi thế nào, bạn cứ phải đi theo họ, làm theo hướng dẫn của họ và chắc chắn không bao giờ trở thành người dẫn đường được.

dam-dong-2

Nói tóm lại, nếu bạn chỉ đi theo đám đông vì nó “ĐÔNG”, bạn sẽ là một con người mờ nhạt, bạn hay bất kì ai trong đám đông đó cũng sẽ giống những người còn lại.

Điều này lâu dần sẽ trở thành thói quen. Đứng trước bất kì một vấn đề nào, bạn cần phải suy nghĩ, phân tích và cân nhắc chọn lựa phương án phù hợp nhất với bản thân mình. Đừng để bản thân trở nên thụ động trong bất cứ tình huống nào.

Có chính kiến chứ không phải không theo đám đông

Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng điều bạn nên ghi nhớ là hãy luôn có chính kiến, chứ không phải đừng bao giờ đi theo đám đông. Đứng trước bất kì sự lựa chọn nào, hãy suy nghĩ để có ý kiến của riêng bản thân mình, nếu nó vô tình giống với ý kiến của nhiều người thì đó là chuyện bình thường. Vấn đề là bạn cũng đã có lí do cho riêng mình, chứ không phải nương theo sự lựa chọn của người khác.

Hãy tập tư duy phản biện

Tư duy phản biện hẳn là một khái niệm không quá xa lạ trong thời buổi hiện nay. Thật ra trên thế giới đặc biệt là các nước phát triển, tư duy phản biện đã được giáo dục cặn kẽ cho trẻ em. Là khi chúng ta biết phân tích một kết luận và đưa ra những dẫn chứng chống lại kết luận đó.

Điều này không nhằm mục đích gây xung đột hay cãi vã, mà chỉ để mỗi cá nhân tìm ra những lỗ hổng của vấn đề và cùng nhau phát triển, bởi vì không một ai hoàn hảo, ngay cả khi họ đang ở một vị trí cao, nên chấp thuận trông có vẻ “đẹp lòng” nhưng lại khó có những bước đột phá.

Hãy tập điều này một cách đơn giản nhất, ví dụ như khi ba mẹ bảo bạn chọn học một lĩnh vực gì đó, hãy suy nghĩ nó có phù hợp với bản thân hay không và mình có thể theo đuổi được không? Hoặc dễ hơn hãy phản biện chính mình, khi ngồi chơi facebook đừng bảo rằng bạn bè ai cũng online suốt ngày rồi mặc định thói quen này không có gì sai, hãy tự hỏi lợi ích hay thiệt hại bản thân từ việc chơi facebook là gì. Nếu nhận ra được nó không chỉ không có lợi nhiều mà còn đang bòn rút thời gian của cuộc đời bạn thì dần dần bạn sẽ có thể từ bỏ được những thói quen xấu.

Nên nhớ rằng cuộc đời ngỡ dài, nhưng cũng thật ngắn, nên không có quá nhiều thời gian để chần chừ. Qũy thời gian của bạn cũng chỉ đủ cho việc xác định con đường của mình, không đủ để làm theo quá nhiều người xung quanh. Có một câu nói rằng: “Chú tâm đến bản thân thì cuộc đời là một đường thẳng, để ý đến người khác thì cuộc đời là một mê cung”.

Sưu tầm