Tìm kiếm điểm yếu của nhãn hiệu

Dù cho có được thiết kế kỹ lưỡng và được thực hiện cẩn thận đến mấy, nhãn hiệu nào cũng có những nhược điểm nhất định.

Theo Curt Hanke, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của Shine United, một công ty quảng cáo và kỹ thuật số có trụ sở ở Madison, bang Wisconsin (Mỹ), đó chính là những lỗ hổng trong quá trình tương tác với khách hàng hay những điều dưới mức mong đợi của họ và làm cho họ thất vọng. Hanke khuyên doanh nghiệp nên rà soát xem liệu nhãn hiệu của mình còn có những điểm yếu nào bằng ba câu hỏi dưới đây.

1. Khách hàng kém hài lòng nhất của doanh nghiệp nói gì?

Lần sau cùng nhất mà doanh nghiệp thật sự lắng nghe và cởi mở với khách hàng là khi nào? Doanh nghiệp thường đổ lỗi cho việc không có thời gian hoặc vì tính trì trệ, từ đó suy nghĩ đơn giản rằng “việc ấy thì phải làm như thế thôi!”. Sự thụ động này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không lắng nghe khách hàng, tìm lý do để biện minh cho việc mình chưa thật sự phục vụ khách hàng tốt và cứ thế làm theo lối mòn

Hanke khuyên doanh nghiệp nên đặt mình vào vị trí của những khách hàng không hài lòng, rà soát lại một cách toàn diện mọi vấn đề liên quan đến nhãn hiệu của mình, từ những bức thư điện tử trao đổi qua lại với khách hàng, những lời bình luận, nhận xét của khách hàng về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông xã hội, xem lại các báo cáo dịch vụ khách hàng, các biên bản ghi lại các cuộc gọi với khách hàng, các nghiên cứu phân tích định tính và định lượng về chất lượng dịch vụ hay sự hài lòng của khách hàng, các phản hồi từ nhiều phòng ban nội bộ khác nhau trong quá trình làm việc với khách hàng.

Từ đây, doanh nghiệp sẽ có thể phát hiện ra những điểm yếu, những phản hồi tiêu cực và các nguyên nhân liên quan. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp cần tìm hiểu ảnh hưởng của những điểm yếu này đến khách hàng hiện tại và tương lai.

2. Nếu được một đối thủ cạnh tranh tuyển dụng để tấn công nhãn hiệu của doanh nghiệp hiện tại, bạn sẽ làm gì?

Câu hỏi này nghe có vẻ khiêu chiến nhưng trên thực tế khi đặt ra câu hỏi này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra những điểm yếu trong nhãn hiệu của mình. Ngoài ra, Hanke khuyên doanh nghiệp cũng nên đánh giá nhãn hiệu hiện tại của mình dưới con mắt của một doanh nghiệp trẻ mới thành lập với nhiều khát vọng chinh phục thị trường. Câu hỏi đặt ra là nhãn hiệu “có vẻ già cỗi” hiện tại đang mạnh hay yếu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường? Dựa trên những phân tích này thì kế hoạch tấn công của bạn sẽ có những thay đổi gì?

3. Nếu có thể thay đổi ngay ba việc trong cách tương tác với khách hàng thì đó là những việc gì?

Đó có thể là quy trình bán hàng, chương trình khách hàng giới thiệu khách hàng, chương trình xây dựng lòng trung thành với khách hàng… Theo Hanke, doanh nghiệp cũng có thể đánh giá lại nhãn hiệu của mình dưới con mắt của khách hàng hiện tại và khách hàng triển vọng và tìm ra ba điểm chính cần thay đổi để khách hàng không còn những lo lắng khi giao dịch với doanh nghiệp, trở nên gắn bó hơn với doanh nghiệp và thậm chí trở thành những sứ giả chủ động quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp.

 

Nguồn: NHẤT NGUYÊN theo INC/DNSGCT