Glenn Martin – Niềm đam mê bay lượn

Đêm rằm tháng giêng năm 1886, bà Minta Martin ở Macksbung nằm mộng thấy ngồi trên một cái máy, bay trên không trung, lượn trên châu thành bà ở, đưa tay ra vẫy vẫy bạn bè  đứng dưới đường và buồn rầu vì họ không thể bay như mình được.

Việc đó xảy ra mười bảy năm trước khi hai anh em Wright bay thử lần đầu.

Gặp lúc khác thì chắc bà không để ý gì tới giấc mộng đó cả, nhưng hồi ấy bà  đương có mang và  đã được nghe nhiều người đoán điềm giải mộng nên bốn mươi tám giờ sau, khi sanh con trai là Glenn Martin thì bà tin rằng con bà sau này sẽ bay được trong không trung như bà.

Điều lạ lùng nhất trong truyện đó là con bà sau tập bay thật, sau hai anh em Wright một chút và là người thứ ba ở Châu Mỹ lái một máy bay tự mình sáng chế ra.

Bây giờ Martin là người đứng đầu trong kỹ nghệ hàng không mà ông đã làm cho phát triển một cách phi thường. Xưởng chế tạo của ông, tức công ty Glenn L. Martin, ở gần Baltimore xứ Maryland, là một trong ba xưởng chế tạo phi cơ lớn nhất thế giới. Ông đã đóng những chiếc Marauder cho lục quân, Mariner cho hải quân và Baltimore cho nước Anh. Ông là nhà chế tạo phi cơ danh tiếng nhất thế giới. Mà nếu thân mẫu ông không nằm mộng thấy mình bay lên trên không trung thì có lẽ ông đã không lựa nghề đó.

Bạn hỏi tôi:

– Tại sao vậy?

Là vì suốt thời thơ ấu của ông, bà cụ thường kể cho ông nghe giấc mộng ấy, gây cho ông một mục đích cao vời, một quyết tin, một tham vọng: chinh phục được thế giới của bão tố. Mà ở trên những cánh đồng cỏ miền Kansas, nơi tuổi thơ ông trôi qua, luôn luôn có những trận bão tố dữ dội cần phải chế ngự.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông kể cho nghe rằng những trận gió ở Kansas đã đóng một vai trò chủ yếu trong thời thiếu niên của ông. Hồi sáu tuổi, ông lấy một chiếc mền cột vào chiếc xe nhỏ sơn đỏ, rồi cho gió thổi xe chạy trên đường phố như thuyền buồm chạy trên sông.

Sau ông đi giày đạp tuyết, tay cầm một chiếc buồm tự ông cắt lấy rồi để gió đẩy chạy trên băng. Ông cũng dùng cách đó để khỏi phải đạp xe máy. Ông bảo rằng thời đó hễ gặp một khu rộng nào có thể dùng buồm để di chuyển được là ông cũng mê mẩn, như bị thôi miên.

Tôi ngờ rằng cái thời xa xăm ấy, thời bà cụ Martin còn ở Kansas thì cụ chưa hề được nghe chữ tâm lý nhưng cụ đã dùng một phương pháp tâm lý mà các tâm lý gia ngày nay chắc chắn đều công nhận là hiệu quả, để nung lòng can đảm và  đức tự tin của con trai. Khi con khôn lớn, làm được một việc gì thì cụ để cho cậu tự lãnh lấy mọi trách nhiệm. Một lần cậu muốn có một đôi giày trượt tuyết mà không có tiền mua, cụ bảo cậu lại tiệm thợ rèn mà mượn đồ, xin sắt, tự rèn lấy một đôi, cậu vâng lời làm liền. Muốn có một chiếc diều, cậu cũng phải làm lấy. Và  đọc một tạp chí, cậu đã nảy ra ý chế ra một kiểu diều rất mới có hai tầng cánh. Cậu ráp nó trong nhà bếp và khi thấy nó bay thẳng hơn, cao hơn tất cả những diều khác ở Kansas, cậu thích thú, hăng hái vô cùng.

Cậu hãnh diện về sự thành công đó đến nỗi tự tổ chức cuộc thi diều và cậu thắng. Thế là các trẻ em trong châu thành đều năn nỉ cậu làm cho một chiếc diều như của cậu.

Cậu bé Glenn Luther Martin – mà năm chục năm sau chế tạo được chiếc phi cơ lớn nhất thế giới, chiếc Mars. Hồi đó lập một xưởng làm diều trong nhà bếp của bà cụ. Mỗi đêm cậu làm được ba chiếc diều và bán hai cắc rưỡi một chiếc: trả mặt một cắc rưỡi cho trả góp làm ba tuần, mỗi tuần năm xu.

Lòng tự tin của cậu còn tăng lên nữa khi cậu thấy mình có khiếu về máy móc và có thể làm được nhiều đồ mà các trẻ khác làm không được.

Ba chục năm sau, khi ông đã chế tạo những phi cơ đánh đắm được nhiều chiến hạm, một ký giả ở Cleveland lại phỏng vấn ông về những bước đầu trong nghề, ông đáp:

Má tôi đã ảnh hưởng nhiều đến tôi. Người đã khuyến khích tôi làm diều trong nhà bếp. Người đã tập cho tôi đức tự tin.

Khi những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện ở Kansas, Martin chỉ ước ao mỗi một điều là  được lái loại xe kỳ dị chạy không cần ngựa đó. Ông xin được vào làm trong một hãng sửa xe. Sau này, khi gia đình ông dời qua Santa Ana ở California, ông mở một hãng sửa xe, xin được làm đại lý các hãng xe Ford và Maxwell. Hồi đó, ông hai chục tuổi, làm nghề bán và sửa xe ấy mà kiếm được từ ba đến bốn ngàn Mỹ kim mỗi năm.

Rồi một việc xảy ra làm cho cuộc đời ông thay đổi hẳn.

Một buổi sáng năm 1905, một tin trong báo làm ông sửng sốt rồi như bị thôi miên: hai anh em Wright ở Kitti Hawk, miền Bắc Caroline, đã bay được trong một trăm giây. Tin đó kích thích ông vô cùng, ông nhận ra rằng thứ máy bay đó đương rầm rộ mở một kỷ nguyên mới.

Vậy ra hai anh em Wright đã bay được trong một trăm giây. Ông lấy đồng hồ ra, đếm một trăm giây, rồi tự nhủ: “Có người bay được một trăm giây thì sau này sẽ có người chế tạo được những máy bay bay được một giờ, có lẽ năm giờ…. biết đâu chừng?”

Vài tháng sau ông lại bị kích thích một lần nữa: ông thấy một tạp chí kỹ thuật in hình phi cơ của hai anh em Wright. Nghiên cứu tỉ mỉ hình đó xong, ông thưa với bà cụ:

– Xét cho kỹ thì chẳng qua máy bay chỉ là một chiếc diều lớn có động cơ. Con làm diều được, thì cũng chế tạo một chiếc máy bay như vậy được, để con làm rồi lắp ráp cho mà xem.

Bà cụ nhớ lại giấc mộng hồi xưa, đáp:

– Con có lý, con có lý, con tất làm được.

Hồi đó ông hai mươi tuổi, ham bay tới nỗi muốn bỏ hết thời giờ vào việc chế tạo máy bay. Nhưng không được như sở nguyện vì còn phải kiếm ăn nữa, cho nên ban ngày đ ành trông nom hãng xe hơi, còn ban đ êm, ồ ban đ êm, thì tha hồ muốn làm gì thì làm. Mới đầu ông đóng một kiểu diều lớn chở nổi một người, không có động cơ, rồi ông tập bay thử. Sau nhiều tháng tập bay như vậy, ông nóng lòng muốn chế tạo một phi cơ thực, có động cơ đ àng hoàng. Nhưng phải làm ra sao bây giờ? Ông mù tịt hay gần như mù tịt về khoa khí động học, và chưa được học tập về kỹ thuật bao giờ.

Mặc dầu vậy ông cũng cố đóng một chiếc máy bay, không có bản đồ vẽ trước, mà cũng chẳng được ai giúp đỡ, chỉ bảo. Ông hăng hái lắm, lại một thư viện công cộng, đọc sách về kỹ thuật xây cầu vì ông nghĩ rằng biết cách xây cầu thì sẽ tìm được cách đóng một chiếc phi cơ nhẹ chở được một người và một động cơ.

Năm 1908 ông chế tạo xong chiếc phi cơ thứ nhất trong một nhà thờ bỏ hoang ở Santa Ana, xứ Californie mà ông phải mướn mỗi tháng mười hai Mỹ kim. Thân phụ ông mắc cỡ vì có đứa con điên điên khùng khùng bán xe hơi kiếm được rất nhiều tiền thì không chịu lại bỏ phí thì giờ chế tạo những máy để bay. Thanh niên trong tỉnh thấy ông bỏ ăn, bỏ ngủ, không biết là ngày lễ, ngày nghỉ là gì, cặm cụi hết tháng hết năm, cũng chế giễu ông nữa. Một bà già nọ lại thuyết thân mẫu ông để cụ bảo ông bỏ cái ý của ma quỷ đó đi.

– Nếu thượng đế muốn cho loài người bay được thì đã cho chúng ta cặp cánh rồi, phải không cụ?

Chỉ mỗi có một người khuyến khích ông là thân mẫu ông. Cụ nhớ lại giấc mộng của cụ. Cụ tin chắc con cụ sẽ bay được. Mỗi đêm cụ cặm cụi với con trong ngôi nhà thờ hoang, cầm chiếc đ èn dầu chiếu sáng cho con làm. Kẻ tò mò ngó qua cửa sổ xem thằng khùng đó làm cái trò gì. Ông bực mình sơn các cửa kính không cho ai nhìn qua được nữa. Rồi ông khóa cửa lại. Nhưng họ vẫn tới để cười, chế ông. Ông lại phải mướn người coi cửa để ngăn họ đừng tới gần.

Luôn mười ba tháng như vậy, hai mẹ con ông làm việc đêm này qua đêm khác, cả trong đêm lễ Giáng Sinh, cả trong đêm Nguyên Đán. Nhưng xin bạn đừng phàn nàn cho họ. Công việc đó không phải là một công việc thường: nó là một sự đam mê. Không phải là một chuyện đóng một phi cơ mà là chuyện chinh phục thế giới của gió bão, cho một giấc mộng thành sự thật. Chắc chắn hồi ấy ông sống vui thích hơn một ông vua hoặc một nhà triệu phú rất nhều. Có lần ông bảo tôi rằng mười ba tháng đó là quãng đời đẹp nhất của ông.

Ông lắp một động cơ hai mã lực vào phi cơ của ông. Muốn cho nhẹ, ông thay cái vỏ gang bằng một cái vỏ đồng. Ông phải đẽo sáu chiếc chong chóng mới được một cái vừa ý.

Sau cùng phi cơ đóng xong. Phải phá một vài mảng tường của nhà thờ rồi ngày cuối tháng bảy năm 1909, vào nửa đ êm, Glenn Martin và hai người phụ tá, đẩy máy bay ra ngoài, cho ngựa kéo nó lên đường cái hơn năm cây số nữa, tới một cánh đồng để sáng sớm hôm sau bay thử. Sở dĩ phải kéo ban đ êm như vậy là  để cho ngựa không thấy hình thù kỳ dị của nó mà hoảng hốt.

Tinh sương ngày mùng một tháng tám năm 1909, Glenn Martin leo lên phi cơ, mở máy, động cơ nổ vang trời. Ông lên số, máy ông rung chuyển mạnh, đâm xiên đâm xẹo, rồi thì, ôi phép mầu! Nó cất cánh được. Em nhỏ Glenn Martin xưa làm diều trong nhà bếp ở Kansas nay đã bay được. Phút đó là phút quan trọng nhất đời ông.

Sau ông đóng những chiếc China Clipper, tức những phi cơ đầu tiên đã vượt Thái Bình Dương và  đóng rất nhiều phi cơ chiến đấu.

Đời ông là một tấm gương sáng cho ta thấy năng lực phi thường của một ý chí chuyên chú vào một mục tiêu độc nhất. Mới rồi ông nói với tôi:

– Nếu ông lựa một con đường và không khi nào quên mục đích của ông thì dù con đường khó khăn, lởm chởm đến đâu, rốt cuộc thế nào ông cũng tới được một nơi nào đó.

Trích từ : 40 Gương thành công