Chúng ta thường mắc phải sai lầm rất phổ biến là tưởng mình đã hiểu rất nhiều, song kỳ thực ta mới chỉ biết mà chưa thực sự hiểu. Có cách nào để giúp ta hiểu mình và hiểu người tốt hơn? Đây là những kinh nghiệm vượt thời gian đã được đúc rút từ 2400 năm trước.
Để tâm tới những điều người khác có thể dạy bạn
“Những điều làm ta khó chịu với người khác có thể giúp ta hiểu được về chính mình” – Carl Jung
Những gì ta thấy ở người khác thường là những cái ta thấy ở bản thân mình. Và những gì làm người khác khó chịu về ta có thể cũng là những gì ta không thích. Những gì bạn đánh giá về người khác cũng có thể là những điều bạn đang đánh giá về chính mình.
Vì lẽ ấy, cái bạn để ý và cái gây khó chịu với bạn ở người khác có thể sẽ chỉ ra cho bạn thấy vài điều rất quan trọng về mình. Đó là những thứ có lẽ bạn không hề biết. Ở một phương diện nào đó, mọi người chính là tấm gương phản chiếu bạn. Họ có thể là tấm gương giúp bạn hiểu hơn về mình, những điều bạn sợ hãi và những điều bạn đang ảo tưởng về bản thân.
Qua khát vọng để hiểu trái tim
“Để hiểu trái tim và trí óc của một người, đừng nhìn vào những gì họ đã đạt được, hãy nhìn vào những khao khát của người ấy” – Kahlil Gibran
Một người có thể không làm được nhiều điều như anh ta muốn. Nhưng một phần rất lớn và rất thú vị của một người sẽ nằm trong những mơ ước của họ.
Anh ta khát khao điều gì? Họ thổ lộ mơ ước gì khi đang ăn trưa với bạn? Họ làm gì vào những buổi tối và dịp cuối tuần?
Vâng, có rất nhiều thứ người ta mơ mộng mà chẳng bao giờ thành hiện thực. Một giấc mơ cũng có thể sẽ kết thúc theo cách tích cực dù không hoàn toàn đúng như dự định ban đầu của một người. Tuy nhiên, những mơ ước sẽ khiến họ muốn nói nhiều về những người, những việc đã hằn sâu trong trái tim họ. Và điều đó thú vị và ngạc hiên hơn công việc họ làm hay nơi chốn họ sống.
Bạn phải làm để hiểu?
“Sự khác biệt giữa trường học và cuộc sống là gì? Ở trường, bạn được dạy bài học và sau đó làm bài kiểm tra. Trong đời sống, bạn được giao bài kiểm tra và sau đó, nó sẽ dạy bạn bài học” – Tom Bodett.
“Có sự khác biệt rất đáng kể giữa biết và hiểu: bạn có thể biết rất nhiều về điều gì đó nhưng lại không thực sự hiểu nó” – Charles F. Kettering
“Tôi nghe và tôi quên. Tôi thấy và tôi nhớ. Tôi làm và tôi hiểu” – Khổng Tử
Câu ngạn ngữ Trung Quốc có lẽ là trải nghiệm thật đúng với bất kỳ ai trong chúng ta. Bạn không thể hiểu thứ gì đó bằng cách đọc nó trên blog hay trong sách. Có thể bạn nghĩ mình đã hiểu. Nhưng thực sự bạn sẽ chỉ hiểu khi bạn thực hành nó trong cuộc sống, bạn sẽ biết cảm giác về nó như thế nào và bạn thu nhận được kinh nghiệm trọn vẹn.
Đó là một trong những lý do của việc tại sao việc bạn xắn tay vào hành động lại quan trọng như vậy. Dù bạn có đọc bao nhiêu sách về một chủ đề nào đó rồi thì bạn vẫn cần có những trải nghiệm thực tế để hiểu chính mình và cuộc đời.
Đỗ Dương (Theo Positiviblog)