Con người ta thiên vị bản thân mình như thế nào?

Sau nhiều năm chiêm nghiệm, tôi sống và trưởng thành. Tôi đã từng có suy nghĩ về bản thân một cách hào phóng, rộng lượng và vĩ đại hơn tất thảy những thứ tôi từng làm. Giả dụ bản thân tôi, tốt 9 phần, người khác công nhận 5 phần, nhưng với tư cách bản thân nhìn nhận mình ở góc huyễn hoặc nào đó tôi tự cho rằng mình vĩ đại hơn cả 9 phần.

Tôi lấy tôi, để minh chứng cho một điều, chúng ta hay tự huyễn hoặc mà cho rằng bản thân nhiều khi đã hoàn hảo hơn mình nghĩ, và điều tôi muốn chỉ ra, rõ ràng và chắc hơn là:

  1. Con người ta luôn thiên vị cho mình hơn cho người khác ngay cả trong suy nghĩ.

Tôi thử lấy ví dụ, trong team của bạn chỉ duy nhất bạn được khen thưởng khi có thành tích, sếp bạn cũng công nhận điều đó và vang danh bạn đến toàn công ty. Nhưng nếu không có sự đóng góp của những người còn lại dù ít hay nhiều thì chắc chắn bạn chẳng bao giờ được xướng tên. Phải thú nhận đi, có thể trước mặt mọi người bạn vẫn khiêm tốn và hô to không dám nhận tất cả công lao về mình nhưng ở một góc nào đó trong suy nghĩ bạn sẽ tự ca tụng bản thân rằng mình xứng đáng như thế và mình giỏi như thế.

Kế hoạch thay đổi bản thân 2(4)

Cái này có phần tích cực, bởi cái tôi, cái tự cho mình được hưởng thụ sau chuỗi ngày cố gắng là điều tất lẽ. Tuy nhiên, với những “suy nghĩ nhỏ” hay nói chính xác với những người dễ hài lòng với bản thân mình thì điều này rất tệ, nó khiến con người ta dễ trở nên tự phụ. Hậu quả là, kết quả sau sẽ tồi tệ hơn kết quả trước.

Đó là một minh chứng nhỏ, nhưng chúng ta thấy được rằng con người ta hay tự đưa mình lên một mức cao hơn thành quả. Tự tin tốt, tự thưởng cũng tốt, nhưng nếu lòng khiêm tốt không xuất phát từ tâm mà xuất phát từ lợi ích thì có lẽ cần phải suy nghĩ lại.

Ở góc độ nào đó, thiên vị nó tốt đẹp vô cùng. Trên thế giới này nếu không có “tư hữu” chắc chắn không có cạnh tranh, không có cạnh tranh chắc chắn không có phát triển. Nói một cách khác, “tư hữu” chính là thiên vị cho bản thân. Ai chẳng muốn mong mình hơn những người còn lại, ai chẳng muốn được chứng tỏ. Chỉ có điều bạn thiên vị cho bản thân mình như thế nào, mức độ ra sao và bạn có bằng lòng về sự thiên vị đó hay không mà thôi.

Ngạn ngữ Đông Á có câu “Người không vì mình trời tru đất diệt” ấy là vì cổ nhân đã biết rằng bản tính thiên vị bản thân ở con người sẽ chẳng bao giờ thay đổi, đúng hơn là nó đi theo suốt thời kỳ phát triển của con người. Bài toán đặt lợi ích của cái gì lên cái gì thường làm đau đầu tất cả mọi người. Bởi bạn cứ thử suy nghĩ về những điều không tưởng, khi gặp 1 tai họa ập đến, thì bạn sẽ cứu ai trước tiên, mình hay bạn bè, đồng đội hay đôi khi là tình yêu…?

Bản tính thiên vị cho bản thân này, còn được biểu hiện ở một góc cạnh khác ngay trong tình yêu. Ngay cả với tình yêu, chúng ta vẫn sẵn sàng thiên vị cho chính mình và tự đặt câu hỏi rằng “tình yêu” và “vật chất” có đi liền với nhau. Khi có tình yêu, liệu chúng ta dám hi sinh cái tôi của mình.

  1. Tình yêu chưa bao giờ khiến người ta hi sinh tất thảy.

Có những người yêu nhau hay thử thách nhau rằng “liệu anh có thể chết vì em chứ”? Ồ thật là một trò đùa, bởi tình yêu là thứ thứ tình cảm mà thế giới này chưa ai dám định nghĩa chắc chắn được, nhưng cái chết thì chắn chắn được.

Tình yêu chẳng bao giờ được định nghĩa, nó có thể được cam kết bằng một tờ giấy kết hôn, nhưng không ai chắc chắn được ngày mai bạn còn yêu người đó không, chứ đừng nói là sống chết. Đừng cam kết điều gì cả, vì con người ta chỉ thiên vị chính bản thân mình mà thôi. Nếu một mai tình yêu tan vỡ, liệu rằng bạn còn nhớ câu hẹn thề thốt ra dăm ba hôm trước đó, chứ đừng nói đến việc sẵn sàng chết vì ai.

Tôi không nói đến việc, tình yêu là không đẹp, không đủ ý nghĩa để con người ta hi sinh cho nhau. Nhưng các bạn thấy không, nếu không có sự ích kỷ, không có cái tôi, không có những tính toán tình yêu chắc không xảy ra cãi vã, không có chia xa.

gh

Vốn dĩ, những thứ không chắc chắn, không bao giờ được xếp hạng và danh sách để con người ta hi sinh thứ gì. Tình yêu cũng vậy, tình yêu cũng không chắc chắn, nhưng có thể tình yêu là thứ tình cảm khác tồn tại trong cảm xúc của con người khiến người ta khóc cười, khôn dại trong giây lát, nên có thể bồng bột là điều đương nhiên. Nhưng nếu là bạn, bạn hãy đặt là mình bây giờ đi, bạn đang yêu nhưng bạn dành hết tất cả những thứ cho đối phương chứ? Hay nếu không chắc chắn về người bạn đời của mình là ai, bạn vẫn chỉ nghĩ rằng yêu không phải lúc chúng ta hi sinh tất cả những gì chúng ta còn.

Đừng hiểu lệch lạc về tình yêu, nó vẫn đẹp. Hãy hiểu về việc, ngay cả với những thứ đẹp chúng ta vẫn thiên vị cho chính bản thân mình.

  1. Con người ta thiên vị mình khi cùng hành động cho một việc so với người khác

Ý tưởng sẽ dừng lại nếu không được thực hiện hóa, ngay cả việc thiên vị bản thân cũng thế.

Hầu hết các việc làm thiên vị bản thân dễ gây tính ích kỷ, hiếu thắng cho con người hơn mặt tích cực nó mang lại. Đấy là con tùy vào việc người nào, làm gì ứng dụng nó. Nếu thiên vị đúng chắc chắn mọi thứ cứ lao nhanh vun vút, một anh giám đốc nọ tự thiên vị mình bằng ứng cử chức vụ cao hơn, tự đề xuất mình đi học nâng cao ở công ty vì nghĩ rằng chẳng ai xứng đáng hơn anh ta cả. Tốt thôi, chắc chắn tỉ lệ anh ta được duyệt là 99% bởi không phải ai cũng có sự thiên vị cho bản thân một cách tích cực như thế.

Nhưng cũng như vậy, hành động thiên vị này được tiếp diễn với một  anh chàng đang cố phóng ga vượt đèn đỏ vì sắp muộn làm, suy nghĩ chỗ này có thể vượt được, mình chỉ làm hôm nay thôi. Nhưng ngay hôm, sau đó lại nhìn một anh chàng khác cũng vượt đèn đỏ một cách khinh bỉ, và nghĩ con người này thật thiếu ý thức.

anh-sang-cuoi-duong-ham1

 

Vậy đấy, cùng một hành động sai, bạn có thể chu choa lên và cho rằng người khác thiếu ý thức. Nhưng hãy lật lại từng hành động đã xảy ra trong quá khứ của bạn mà xem, bạn tự “tha thứ”, tự bỏ qua lỗi lầm của mình bao nhiêu lần và cố xem nó là không quan trọng.

Chúng ta thường tự thiên vị một cách vô lý cho bản thân, và cùng cực suy nghĩ về việc người khác làm thiếu trách nhiệm đến thế nào. Đấy, ai cũng biết cả thế giới cần phải đổi, nhưng chính bản thân mình lại chẳng hề thay đổi.

Nhà văn Paulo Coelho đã có câu để đời cho thế giới này trong cuốn Nhà giả kim rằng “Ai cũng biết người khác phải sống thế nào, nhưng lại không biết mình nên sống thế nào”. Tự thiên vị bản thân mình – chúng ta vẫn luôn hàng ngày làm điều đó, lặp lại hành động này nhiều lần, liên tục và mức độ ngày càng cao hơn. Đây cũng là mặt thứ hai của việc thiên vị cho bản thân, nó khiến chúng ta ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu đi sự phấn đấu. Thiên hướng này càng ngày càng nhiều mà đôi khi chúng ta không hề nhận ra. Vốn dĩ mọi việc trên đời đều có hai mặt, nhưng dường như nếu bạn không kiểm soát được bản thân mình và ý thức được việc mình làm tổn hại đến ai thì chắc chắn cái xấu xa sẽ lên ngôi. Ngay cả với tâm hồn của chúng ta cũng vậy, nếu cứ bo bo và tự tha thứ lỗi lầm cho mình mà quên đi việc hà khắc với bản thân. Thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bạn sẽ mãi là một vầng trăng khuyết, ai gặp bạn cũng chỉ mong ước “đến bao giờ lại thấy trăng rằm”,… liệu bạn muốn điều này không?

Chẳng muốn đánh giá, phán xét hay bình phẩm quá nhiều, nhưng thực sự, từ chính bản thân mình, tôi thấy rằng việc chúng ta cứ cho bản thân mình là tốt là trên hết chưa bao giờ là ổn. Bạn cứ thử nghĩ mà xem, những con người vĩ đại trên thế giới này, họ luôn cho đi trước khi họ nhận lại, mọi người nhớ đến họ là những thành tựu, cống hiến. Bạn biết bí mật ở đây là gì không? Chính là, họ chưa bao giờ nghĩ rằng “Mình vượt đèn đỏ là có lý do, còn người khác vượt đèn đỏ là vô ý thức”.

Để kết thúc, cho vấn đề chúng ta thiên vị bản thân mình như thế nào, xin được trích dẫn đoạn dịch trên tấm bia mộ huyền bí tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Westminster nổi tiếng thế giới ở Luân Đôn.

Trên tấm bia mộ này có khắc một đoạn văn tự:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”

Cảm ơn vì đã để tôi được thiên vị quan điểm của mình!