Nhiều người muốn kinh doanh nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Điều đầu tiên không phải là có thật nhiều vốn để kinh doanh mà là thay đổi tư duy trước đã

Bạn không thể nào trở thành một doanh nhân, hay kinh doanh giỏi nếu bạn không thực hiện một ý tưởng kinh doanh. Đúng vậy, điều đầu tiên là cần một ý tưởng.

Vậy ý tưởng kinh doanh là gì?

Nhiều người cho rằng kinh doanh là công việc chỉ dành cho những người có khiếu quản lý tài chính và có duyên với các cơ hội.

Theo tôi, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một doanh nhân, sở hữu công việc kinh doanh, đạt được sự tự do tài chính để theo đuổi những đam mê của riêng mình.

Ý tưởng là rất cần thiết, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, mà nó còn là điều tối quan trọng trong cuộc sống. Bất cứ khi nào bạn nảy sinh một ý tưởng, bạn chỉ cần nỗ lực thực hiện nó, bạn sẽ thu lại một thành quả nhất định. Sợ nhất là vẽ ra rồi lại để đó thì bạn sẽ về tay không. Không hành động thì không có kết quả.

Nhưng làm thế nào bạn có thể nảy sinh một ý tưởng doanh đột phá? Và theo bạn, một ý tưởng kinh doanh đáng giá sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm khi bắt đầu công việc kinh doanh?

30%

50%

70%

Hay hơn thế nữa?

Thực tế, đáp án tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng doanh nghiệp, vị trí Startup của từng người. Một ý tưởng hay có thể quyết định được rất nhiều thứ: lợi nhuận, khách hàng, sự phát triển của công ty… Nhưng để quyết định thành công của một doanh nghiệp cần phải tính toán nhiều hơn tới các yếu tố như: tính thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, kế hoạch thực hiện, nhân công hay nguồn vốn... Do vậy, con số chính xác đưa ra của thành công của ý tưởng cũng vì thế mà không cố định.

Nảy sinh một ý tưởng kinh doanh mới lạ khác biệt so với đối thủ cạnh tranh đã là điều khó khăn. Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh đó vào thực tế lại là câu chuyện nghiêm túc cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể.

Có nhiều người muốn bước chân vào công việc kinh doanh nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.

Quan trọng nhất, chính là mọi người phải hiểu được một yêu cầu cơ bản về kinh doanh, đó là KINH DOANH  KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TRÒ CHƠI CHỈ ĐỂ KIẾM TIỀN.  Mà kiếm tiền là kết quả của công việc kinh doanh. Nhưng để bắt đầu, nó cần một điều kiện quan trọng: đó là khả năng quan sát.

Thay đổi tư duy – công việc quan trọng nhất để làm kinh doanh

Chẳng hạn như tại khóa học Wake Up, tôi luôn giao cho các học viên tìm ý tưởng kinh doanh bằng một bài tập nhỏ trong vòng vài giờ. Học viên phải tự tìm được ý tưởng kinh doanh từ những gì quan sát được từ: môi trường, sinh hoạt cộng đồng, tương tác với các cá nhân khác… phải phát hiện ra điểm gì đó bất tiện, điểm gì đó không hài lòng. NHÌN THẤY ĐƯỢC ĐIỂM BẤT TIỆN ĐÓ – SAU ĐÓ ĐƯA RA PHƯƠNG PHÁP CẢI THIỆN NÓ – ĐÓ CHÍNH LÀ Ý TƯỞNG. Ý tưởng kinh doanh chính là giải quyết nhu cầu, rắc rối, mong muốn của nhiều người từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp.

Thay vì nói “tôi muốn làm cái này để kiếm được chừng này tiền” thì bạn phải thay đổi tư duy của mình, tư duy của một người làm kinh doanh là “tôi muốn làm cái này, để giải quyết vấn đề cho nhóm người này”.

Chẳng hạn, bạn đi chợ, bạn nhìn thấy rất người bán hàng vì lợi nhuận cao sẵn sàng đẩy thực phẩm, bạn nhìn thấy nỗi lo lắng khi chọn lựa thực phẩm của những người tiêu dùng. Bản thân vừa là người mua, vừa là người đang thực hiện ý tưởng, với tư duy thay đổi thị trường thực phẩm an toàn và tiện dụng hơn. Từ đó bạn nảy sinh ra mong muốn cung cấp chính sản phẩm, dịch vụ của thị trường thực phẩm này. Như vậy, bạn đã hoàn thành xong bước Tư duy của một người làm kinh doanh.

Khi đã có ý tưởng rồi, thì bước tiếp theo của bạn là gì để hiện thực hóa ý tưởng đó?

Trước hết, bạn nên nghiên cứu, xem xét quy mô thị trường xem vấn đề mình đang nghiên cứu có lớn hay không, có nhiều người gặp hay không… như vậy bạn mới biết được sản phẩm của mình giải quyết được một vấn đề đơn lẻ hay nhu cầu của cả một nhóm người trong xã hội. Nếu nó đáp ứng được việc bạn giúp được rất nhiều người thì bạn hãy tiếp tục triển khai những bước tiếp theo.

Bạn sẽ phải nghiên cứu, thăm dò xem quy mô thị trường (nhóm người đó) có đáng để mình dành tâm huyết, sản xuất thực hiện sản phẩm, dịch vụ của mình. Hay chỉ là phát sinh ở một vài người, vài giai đoạn nhỏ… không có tính chất lâu dài. Lúc này bạn mới biết chính xác mình có đi được đường dài với nhóm khách hàng này không.

Tiếp đến, bạn phải nhận ra là “ý tưởng”, việc phát hiện vấn đề này của bạn có phải mình bạn nhận ra hay không, có ai đã làm chưa, nhiều hay ít, họ làm thế nào, có những cơ hội và thách thức gì… và nếu bạn làm, bạn sẽ làm tốt hơn họ chứ??

Chẳng hạn: Việt Nam được gọi là thủ phủ của cà phê, cà phê Việt ngon và nổi tiếng toàn cầu cũng chẳng khác gì Apple nổi tiếng với iphone. Người Việt cũng thích văn hóa uống cà phê mỗi sáng, đọc báo cũng uống cà phê, hoặc tám bạn cũng uống cà phê. Vì vậy, không khó gì để đi vài km lại thấy một quán cà phê ở phố hiện ra. Tại các thành phố lớn, dân số đông, các bạn trẻ mọi miền tập hợp về đây khởi nghiệp cũng chọn cho mình cách khởi nghiệp bằng việc mở quán cà phê. 10 năm trở lại đây quán cà phê mọc nhiều không tả nổi, và nó vẫn chưa dừng lại, chỉ là  được mở rộng hơn, cách thức kinh doanh phong phú hơn.

Càng nhiều quán, càng chứng tỏ ý tưởng kinh doanh quán cà phê này vẫn được nhiều người khởi nghiệp chọn lựa, nếu như bạn cũng là một trong số họ. Thì đây chính là bài toán cho bạn giải khi bắt tay vào công việc kinh doanh của mình.

  • Khu vực bạn sinh sống, có nhiều quán cà phê hay không? Là bao nhiêu trên tổng số dân ở khu vực đó. 
  • Thói quen ăn uống của khu vực đó thế nào, họ hay tụ tập bạn bè, đi chơi ở đâu, quán cà phê có phải là sự lựa chọn đa số của họ.
  • Địa điểm bạn mở quán có phải là mặt đường, giao thông, môi trường, an ninh có thuận tiện?
  • Chi phí, giá cả mặt bằng, thực phẩm, nhân công có rẻ? Vốn của bạn có nhiều?
  • Bạn có chịu được áp lực về thời gian, không kể ngày đêm, ngày thứ hay chủ nhật?
  • Bạn có chịu phục vụ được mọi tính khí khách hàng?
  • Có chịu được áp lực khi quán mới mở không có khách
  • Hay đơn giản là bạn có thể tự đi phục vụ từng người một thay vì thuê nhân viên…?

 

Nghiên cứu kỹ từng bước, dù có nhiều việc cần phải bắt tay vào làm, và là việc nhỏ nhặt nhất thì cũng đừng chần chừ, nếu có quá nhiều sự đắn đo và sợ rủi ro, công việc của bạn sẽ khó suôn sẻ được.

Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, các vấn đề ngoại cảnh khác và bạn chắc chắn mình có thể làm được, thì yếu tố quan trọng nhất trong khi thực hiện một ý tưởng kinh doanh đó là QUYẾT TÂM CỦA BẠN CÓ ĐỦ LỚN? Nếu bạn chắc chắn về điều này hãy bắt tay vào thực hiện.

Nếu trả lời được tất cả các câu hỏi trên, và nắm chắc các yếu tố về: Ý TƯỞNG KINH DOANH, TƯ DUY KINH DOANH, PHƯƠNG PHÁP HIỆN THỰC HÓA Ý TƯỞNG, thì đó là bàn đạp chắn chắn cho ý triển khai sản phẩm, dịch vụ thật đến người tiêu dùng. Nếu không trả lời được thì đừng nên bắt đầu.

Mr Why – Phạm Ngọc Anh