Cơ hội và thách thức trong kinh doanh

Câu truyện về tổng thống và sách

Có một nhà xuất bản tồn đọng một lượng lớn đầu sách không bán được. Sau một hồi tính toán và suy nghĩ, giám đốc nhà xuất bản đã quyết định gửi tặng ngài tổng thống một quyển sách với ghi chú: “Mong Ngài đọc và cho ý kiến về nội dung của cuốn sách”. Đương nhiên, với người có cương vị là tổng thống thì có rất nhiều việc phải làm, ông cũng không có nhiều thời gian để xem qua quyển sách đã được tặng đó. Nhưng vì nhà xuất bản cứ thúc giục cho ý kiến nên tổng thống đành phải nói lấy lòng: “Tôi thấy quyển sách này cũng khá”. Chớp lấy thời cơ này, trên các mục và chương trình quảng cáo cho cuốn sách, nhà xuất bản đều nhấn mạnh vào dòng chữ: “Quyển sách này đến tổng thống còn khen”. Lập tức sau một thời gian ngắn, không những lượng sách tồn được bán hết mà nhà xuất bản còn phải tái bản thêm 2 lần nữa.

Rồi cũng chính tại nhà xuất bản này khi lựơng sách bán ra của một đầu sách cũng không được khả quan. Cũng như lần bán hàng trước, lần này nhà xuất bản lại gửi tặng tổng thống với hy vọng nhận được phản hồi từ tổng thống. Rút kinh nghiệm, sau khi đựợc tặng, mặc dù cũng chưa hề đọc qua nhưng tổng thống vẫn nói: “Nội dung quyển sách này rất tệ”. Tưởng chừng lời nói của tổng thống sẽ làm nhà xuất bản nản lòng, nhưng ông giám đốc đã cho in bên ngoài cuốn sách dòng chữ: “Quyển sách này đến tổng thống cũng còn chê”. Và dòng chữ này đã kích thích sự tò mò của độc giả, chẳng bao lâu sau lượng sách bị tồn kho cũng được bán hết.

Rồi đến lần thứ 3 khi một đầu sách lại bán ra chậm, nhà xuất bản lại tiếp tục gửi tặng tổng thống. Để rút kinh nghiệm hai lần trước, lần này tổng thống nhất quyết không có ý kiến gì. Tưởng chừng như thế thì nhà sách sẽ không có bất cứ lý do gì để mượn câu nói của tổng thống viết lên sách của mình, nhưng mọi người lại nhầm. Lần này, trên bìa quyển sách ghi một dòng chữ khá lớn: “Đến tổng thống còn khó kết luận về độ hút khách của cuốn sách này”. Và đương nhiên, số lượng sách bán ra không phải là con số nhỏ.

Nguồn: ST