Càng đắt càng rẻ

Một bài viết hay về Hành vi mua sắm của Người Giàu. Và ai trong số các bạn muốn mình có hành vi tương tự như vậy? 

Bình luận về thương vụ CLB Real Madrid mua siêu sao Gareth Bale với giá 91 triệu Euro, HLV Martino của Barca mỉa mai: đó là sự sỉ nhục với bóng đá.

Ý ông Martino ám chỉ giá của Gareth Bale quá cao so với giá trị thật của cầu thủ này.

Bình tĩnh đi ngài Martino kính mến. Ông chủ tịch Perez của Real đâu có mua “hàng hoá”. Ông ta đã mua một thương hiệu. Đừng bình luận tính logic về giá về một thương hiệu lớn. Đây không còn là hành động mua bán bình thường.Tiêu dùng ở đây đã vượt ra khỏi quy luật “giá trị” và “giá cả”. Hiện tượng này gọi là “tiêu dùng phô trương”.

Tiêu dùng phô trương (tiếng Anh: conspicuous consumption) là một thuật ngữ kinh tế học để chỉ một loại hành vi mua bán. Thuật ngữ này do Thorstain Veblen (1857-1929) dùng lần đầu tiên trongThe Theory of the Leisure Class. Trong tác phẩm này, Veblen mô tả hành vi tiêu dùng của tầng lớp mới giàu (được gọi là leisure class) tại Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19.

Hàng hoá được mua để phô trương gọi là “hàng hoá Veblen” – giá cả càng cao càng hấp dẫn người mua. Giá cả càng khủng thì sự kiêu hãnh (tự cảm nhận) của người mua càng cao vút.

Tiêu dùng phô trương của số ít thường nhận được sự mỉa mai từ số đông. Chẳng sao cả. Những nhân vật chính của cuộc chơi không có thời gian để nghe những lời mỉa mai miệt thị. Chẳng lấy gì đảm bảo Real Madrid sẽ thành công rực rỡ về chuyên môn với thương vụ Bale (như đối với “giải ngân hà” trong quá khứ Zindane, Rô “béo” hay Rô “điệu). Nhưng chắc chắn câu lạc bộ Hoàng gia sẽ là cục nam châm thu hút mọi ánh nhìn nhờ sự có mặt của Question mark (dấu chấm hỏi) đắt giá mang tên Gareth Bale. Chẳng cần rủ rê, truyền thông cứ gọi là “tắc đường” khi đổ về sân Santiago Beurnabeu mỗi cuối tuần. Đây mới là quan trọng nhất: giá trị thương hiệu của Real Madridcó cơ hội bám chắc ngôi đầu trên bảng xếp hạng của Forbes hàng năm.

Ông Florentino Perez đã từng ngạo mạn tuyên bố “giá cầu thủ càng đắt lại càng rẻ”. Đối với thể giới bóng đá, dường như Real không có đối thủ xứng tầm để theo đuổi triết lý này. Và nghiễm nhiên thương hiệu Real “vô đối” trong phân khúc định vị của “kẻ tiêu dùng phô trương”. Mỉa mai nhiều, ganh ghét lắm. Nhưng tất cả đằng sau đó là sự ghen tị và thèm muốn. Thèm đến nhỏ dãi ra chứ lị. Dù là ghét Real như xúc đất đổ đi chăng nữa, tất cả đều công nhận rằng Kền kền trắng gần như lúc nào cũng là thứ hàng hoá xa xỉ đáng thèm muốn với bất kỳ kẻ nào. Có ai không thích được một lần xem C. Ronaldo hay G. Bale thi đấu nhỉ? Chẳng có ai cả. Vấn đề là có tiền để xem hay không thôi.

Khủng hoảng kinh tế đang diễn ra khắp toàn cầu. Các công ty đua nhau phá sản. Người thất nghiệp ngày càng nhiều. Số tiền gần 100 triệu Euro mà Real bỏ ra mua Gareth Bale có thể dùng để cứu hàng chục công ty? mang lại việc làm cho hàng nghìn người? hay dùng để cứu đói cho hàng triệu người dân châu Phi?

Đâu đó sẽ có nhiềungười chỉ trích dành cho ông Perez – tác giả cú bom tấn chuyển nhượng đắt giá  này. Nếu vậy danh sách để thoả mãn sự ghen tị còn dài lắm: các ông chủ của Monaco, PSG hay Chelsea và Man city cũng vung tiền như rác đấy thôi. Cũng có nhiều lắm những kẻ quen mua, hay đúng hơn là có khả năng mua, các thương hiệu xa xỉ như đồng hồ Rolex, lọ nước hoa Hugo Boss hay những chiếc xe sang Roll Royce, Ferrari, Porsche.

Tiêu dung tằn tiện hay tiêu dùng phô trương thì đều là một hành vi … tiêu dùng. Kẻ tiêu dùng tằn tiện (như các ông chủ của Man United hay Arsenal chẳng hạn) chưa chắc mang lại lợi ích cho số đông bằng kẻ vung tiền như rác như kiểu Real Madrid hay AS Monaco.

Ông Perez vung tiền tấn mua về anh chàng Bale thì đâu phải một mình ông ấy được lợi? Hàng triệu fan của Real được hưởng niềm vui tuyệt vời mỗi buổi tối cuối tuần đấy. Thậm chí dân nghiền bóng đá nói chung cũng được thơm lây ấy chứ. Nhìn sang Arsenal hay Man United mà chạnh lòng kìa. Cũng là các công chủ bóng đá đấy, làm ăn lãi tiền đầy túi nhưng vẫn thích đóng vai kẻ hà tiện (thương vụ Ozil về Arsenal vừa ký ráo mực chỉ là ngoại lệ). Chỉ tội cho các fan trung thành thôi. Fan ở Anh thì cắn răng bỏ ra tổi thiểu 30 bảng để được vào xem cái lưng của ông David De Gea (vị trí sau gôn tại sân Old Trafford). Fan ở Việt Nam thì ngậm ngùi lắp thêm cái đầu K+ để được xem các trận của PM ngày chủ nhật. Kết quả nhận được? ngay như trận derby nước anh giứa United và Liverpool mới đây thôi, các fan của Quỷ đổ Manchester cứ gọi là vừa xem vừa thở dài sườn sượt.

Không phải tỷ phú nào cũng bỏ ra hàng tỉ đô cho từ thiện như Bill Gate hay Warren Buffett. Những người có khẳ năng kiếm tiền giỏi họ có quyền tiêu tiền theo cách họ muốn. Thay vì chỉ trích, hãy biết tận hưởng hương hoa từ những cú áp phe theo phong cách “tiêu dùng phô trương” của họ.

Cầu thủ càng đắt lại càng rẻ. Cũng có lý đấy chứ.

Tác giả: Đức Sơn
Brand Strategy Director tại Richard Moore Associates

 http://myzon.wordpress.com/