Con trai à, nếu trưởng thành khiến tình cảm của Cha và Con có những khoảng cách thì Mẹ mong con hãy hiểu “ Bố của con chỉ giỏi kiếm tiền chứ không giỏi để bày tỏ sự yêu thương”

Nhiều khi con cứ làm nũng mẹ, hay hỏi mẹ sao cha ít ở nhà thế? Hay là cha không thương con? Khi đó mẹ chỉ ước rằng mẹ có thể kể được những gì mà cha đã cố gắng vì con, vì gia đình của chúng ta đến nhường nào

Con luôn thắc mắc rằng tại sao cha lại ít ở nhà thế ?

Ngày con còn bé, hoàn cảnh của gia đình mình thực sự khó khăn. Khi ấy, mẹ mới sinh con ra chưa thể đi làm được nên kinh tế của gia đình là do một mình cha con đứng ra lo liệu và gánh vác.

Chắc con chẳng biết đâu, vào mỗi sớm đi làm cha chỉ ăn vội những bát cơm nguội  đã để khô từ tối hôm trước, mẹ khuyên cha đừng ăn rồi nhưng cha vẫn lén lút ăn một cách thật ngon lành. Khi đó mẹ đã nhìn con mà khóc, mẹ chỉ ước rằng giá gì vào lúc ấy con được chứng kiến khung cảnh ấy thì con sẽ cảm nhận được sự vất vả của cha con đến nhường nào ?

Cha luôn phải dậy sớm từ lúc 3h sáng để tranh thủ đi làm thêm ( đi nhặt than ở trên đồi cao để về bán) trước khi bắt đầu làm công việc thường ngày ở công xưởng vào lúc 7h30. Những ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi đã vốn vất vả, vào những ngày đông giá rét lạnh buốt thì mẹ lại càng thương cha đến ngàn lần, mẹ đã khuyên cha làm ít để giữ sức khỏe nhưng cha con không nghe. Cha nói với mẹ“Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của con là cha có thể có lí do để tiếp tục mà cố gắng”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con cũng đã lớn dần lên theo năm tháng. Hơn ai hết cha con hiểu bây giờ gánh nặng đè lên đôi vai của mình đã lớn gấp đôi ( tiền ăn, tiền sữa, tiền học…). Mẹ nhớ có lần con phải đi tiêm vắc-xin ( sởi, viêm gan B..) mà một liều tiêm khi đó những mấy chục nghìn, trong khi đó lương cha con cũng chỉ có 90 nghìn. Vậy là cha con phải đi “vay nóng” ở ngoài để đủ tiền cho con tiêm vì hôm đó là hạn cuối ở khu nhà mình, thế là sau ngày hôm đó cha của con lại càng phải làm việc vất vả hơn trước với một  niềm hy vọng rất đỗi bình dị là “ Cho con bằng bạn – bằng bè”.

Nhiều khi con cứ làm nũng mẹ, hay hỏi mẹ sao cha ít ở nhà thế? Hay là cha không thương con? Khi đó mẹ chỉ ước rằng mẹ có thể kể được những gì mà cha đã cố gắng vì con, vì gia đình của chúng ta đến nhường nào, để cho con biết được tại sao cha lại “không thương con đến thế” ?

Rằng tại sao vào ngày sinh nhật con mà cha cũng chẳng hỏi thăm con một lời?

Mẹ vẫn còn nhớ lần sinh nhật con ở tuổi 16.

Cái tuổi mà người xưa vẫn thường nói là tuổi “quá độ”, có nghĩa là lớn chưa lớn hẳn mà bé cũng chẳng phải là bé. Nhưng độ tuổi đó ít nhiều cũng đã đánh dấu được bước đường trưởng thành của con, bắt đầu con đã có cho mình được những nhận thức riêng cho chính mình.

Ngày hôm đó, cha của con phải tăng ca (mặc dù trước đó là cha đã hứa sẽ ở nhà cùng con đón tuổi 16), nhưng vì món quà đặc biệt mà cha đã hứa tặng con nhân dịp sinh nhật ở tuổi 16  nên cha đã không thể về để cùng con thổi nến. Cha cũng đã gọi điện nhờ mẹ gửi lời chúc mừng sinh nhật đến con mà hôm đó mẹ bận quá nên chẳng còn nhớ ra điều gì nữa.

Vậy là mẹ đã vô tình làm ảnh hưởng đến tình cảm của hai cha – con, dù cho mẹ đã giải thích với con rất nhiều lần, đã nói lí do tại sao cha không có một chút “động thái quan tâm” nào vào ngày sinh nhật của con ? Nhưng con vẫn không chịu tin vào điều đó, mẹ thực sự đã rất buồn.

Mẹ đã từng “khựng” lại khi con nói “ Con ghét cha lắm”

Kể từ sau ngày hôm đó, cha và con lại càng trở nên “lạnh nhạt” với nhau hơn. Mẹ đau đầu hàng ngày khi cứ liên tục phải nghe con “cằn nhằn” nói về cha, về những lỗi  lầm  mà cha chẳng phải là người có lỗi, sự ngang bướng của con đã phủ lấp hết đi những lí lẽ, khiến con chẳng có lấy nổi một chút bình tĩnh mà dừng lại để phân tích sự việc sao cho ổn thỏa nhất.

Mẹ sẵn sàng có thể nghe con càu nhàu, nghe con than phiền về cha. Nhưng có lúc mẹ đã phải “khựng” lại khi nghe con nói “Con ghét cha lắm”, con sẽ không thể biết được cảm giác của mẹ lúc đó đau đến nhường nào đâu? Bởi hơn ai hết mẹ hiểu được rằng “Khi con nói ra câu đó tức  là tình cảm của hai cha – con đang tồi tệ hơn những gì mẹ nghĩ”.

Còn hơn là cả trách nhiệm, mẹ hiểu được rằng mẹ còn chính là “cầu nối” duy nhất để hàn gắn lại mối quan hệ của con và cha. Mẹ sẽ phải làm cho con hiểu, phải nắn lại trong suy nghĩ của con về những điều con đang nghĩ sai lệch về cha, mẹ thực sự không muốn khi về già cha và con lại “lạnh nhạt” với nhau, lại không có nổi với nhau đến một giây phút tình cảm. Mẹ thực sự không hề muốn con à!

Nhưng sau tất cả, mẹ là người mong con trưởng thành nhất. Bởi khi đó con sẽ hiểu “Cha của con vốn chỉ giỏi kiếm tiền chứ không hề giỏi để nói lời yêu thương”

Đến bây giờ khi con đã trưởng thành, mẹ mới có thể viết ra được những lời này dành cho con.

Rằng cha của con không hề lạnh nhạt như những gì con nghĩ, tất cả những gì cha con làm cho con từ bé cho đến lớn cũng đều vì gia đình, mà trước hết là vì các con.

Cha không có ở nhà cả tuần cũng chỉ bởi vì cha đang cố kiếm thêm được ít tiền để trang trải cho cuộc sống. Cha không dự được sinh nhật con cũng bởi vì món quà con thích hơi đắt tiền nên cha phải cố gắng tăng ca để sớm kịp mang về tận tay cho con món quà ấy.

Và dù cho con có lạnh lùng với cha, có những hành xử xa lạ với cha thì tuyệt nhiên cha cũng chưa một lần muốn giải thích, bởi cha nghĩ khi lớn lên và có gia đình con sẽ tự hiểu được những gì cha đã làm.

Bởi con à “Cha của con vốn chỉ là người giỏi kiếm tiền chứ không hề giỏi để nói lời yêu thương” Và nhiệm vụ của mẹ là phải làm cho con hiểu được những công lao to lớn mà cha đã làm cho con ấy.

Mr.Why Phạm Ngọc Anh

>>Thư mẹ gửi con trai: “Rất có thể, một lúc nào đó khi con muốn bên cha nhiều hơn thì lại quá muộn rồi, hãy nói yêu thương khi còn có thể…”