5 SAI LẦM QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CHẾT NGƯỜI CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ SIÊU NHỎ

Các chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi mới khởi sự hoặc đang trong giai đoạn sống sót, do nguồn lực còn hạn chế nên họ thường kiêm nhiệm rất nhiều việc một lúc để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, họ có rất ít thời gian để quản lý tài chính hoặc nếu có thì họ cũng sẽ không làm tốt được.

Thế nhưng, nếu chủ doanh nghiệp quản lý tài chính không tốt thì rất dễ “đào mồ chôn sống” chính “đứa con tinh thần” của mình.

Có đến 80% các doanh nghiệp đủ mọi quy mô phá sản đều do quản lý dòng tiền yếu kém. Dưới đây là 5 nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại này:

Ép buộc phải tăng trưởng mà không có chiến lược phù hợp với tình hình thực tế

Một doanh nghiệp kinh doanh phần mềm thử nghiệm chạy Facebook Ads. Tháng đầu tiên công ty đã lấy lại vốn rất nhanh. Sau đó Tổng giám đốc đã quyết định tăng gấp 5 lần chi phí với mong muốn doanh thu cũng tăng 5 lần. Thế nhưng tuy thu được thêm nhiều data (thông tin khách hàng mới) nhưng không khai thác và chốt được sale. Nguyên nhân là vì sản phẩm không tương thích với khách hàng. Việc chi tiêu cho Facebook Ads lớn hơn lợi nhuận công ty thu về đã ảnh hưởng rất nhiều đến tài chính công ty, dẫn đến việc công ty phải đi vay để trang trải khoản tiền thiếu hụt và tiếp tục vận hành doanh nghiệp.

Biểu đồ tăng trưởng

Từ đó cho thấy, doanh nghiệp có mục tiêu tăng trưởng là tốt, nhưng cũng phải nhìn nhận từ nhiều khía cạnh. Liệu rằng những con số mục tiêu đưa ra có phù hợp với thực tế hay không. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng mà chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm được khi nói về chiến lược kinh doanh.

Chi tiêu quá nhiều vào việc bán hàng

Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc bán hàng và doanh thu là hai vấn đề luôn phải cân nhắc và ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho việc bán hàng để có được doanh thu.

Tuy nhiên, để có được lợi nhuận từ khách hàng, doanh nghiệp cần có biện pháp chăm sóc để làm sao biến họ thành khách hàng trung thành để tiếp tục khai thác, như vậy, lợi nhuận đem lại từ bán hàng sẽ cao hơn mà chi phí tiếp thị đến khách hàng trung thành cũng sẽ thấp hơn. Từ đấy, lợi nhuận thu được cũng sẽ cao hơn.

Ngoài ra, có rất nhiều khoản phải chi trong doanh nghiệp như: tiền lương của nhân viên, tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền internet,…Vì thế, nếu chủ doanh nghiệp không cân đối được chi tiêu phù hợp mà chỉ tập trung chi cho bán hàng, dần dần sẽ ảnh tới bảng dòng tiền của doanh nghiệp.

Tính toán lợi nhuận không chính xác

Có rất nhiều Startup hoặc những chủ doanh nghiệp siêu nhỏ thiếu kiến thức tài chính và cũng không có người hỗ trợ mình làm điều đấy, vì vậy họ dễ rơi vào tình trạng không quản trị được tiền của mình.

Đơn cử như việc bán hàng online trên shopee. Nhập 10 bán 15, nhiều chủ shop đã mừng thầm trong bụng và cho rằng mình đã lãi được 50%. Từ đó họ tiếp tục giã tiền vào quảng cáo để có thêm doanh thu. Tuy nhiên, việc không quản trị được giá, không dự tính được các chi phí như: Chi phí bán hàng, chi phí cố định (thuê địa điểm kinh doanh), điện nước, lưu kho, giao dịch…khiến họ bị lỗ nặng mà tận cuối kỳ, khi tổng kết toàn bộ họ mới nhìn thấy điều đấy. Vậy nên mới có tình trạng ngày bán hàng ngàn đơn nhưng mà cuối kỳ vẫn lỗ chổng vó và phải dẹp tiệm.

Tính toán lợi nhuận

Vì thế, nếu chủ doanh nghiệp không hiểu được quy trình vận hành của dòng tiền trong kinh doanh, hay hiểu một cách đơn giản hơn là không nắm được tất cả các khoản doanh thu và chi phí, doanh nghiệp sẽ rất dễ rơi vào tình trạng có doanh thu nhưng vẫn lỗ, từ đó đẩy doanh nghiệp vào bước đường nợ nần và phá sản.

Chậm trễ thanh toán

Những doanh nghiệp có thói quen thanh toán chậm trễ cho nhà cung cấp lợi thì ít mà hại thì nhiều. Nếu như họ không có kế hoạch chi trả từ trước mà cố tình chậm trễ sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì không có nhà cung cấp nào cũng đủ thời gian chờ đợi khoản tiền cần thanh toán, điều này sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh doanh nghiệp và làm cho họ không muốn hợp tác cùng.

Giả sử bạn là doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu rượu. Nếu bạn chậm trễ thanh toán tiền cho một bên cung cấp, họ cắt đơn nhập của bạn, bạn không có rượu để bán, khách hàng không có rượu để mua, bạn vừa mất khách hàng vừa mất đoanh thu. Không có doanh thu thì không có tiền để chi cho các khoản chi phí khác, từ đó hoạt động tài chính trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Hãy tỉnh táo, thấu đáo và khôn ngoan hơn trong các hoạt động tài chính của doanh nghiệp, không phải cứ nợ là bạn sẽ có tiền trong doanh nghiệp, đôi khi được ít tiền ở hiện tại nhưng bạn lại mất nhiều tiền trong tương lai.

Vì vậy, cách tốt nhất là doanh nghiệp nên thường xuyên giải quyết thanh toán trong phạm vi khoảng 3 tháng để vừa đảm bảo uy tín, vừa không làm đứt gãy dòng tiền trong doanh nghiệp.

Quản lý thuế không đúng cách

Thuế là nghĩa vụ mà công ty nào cũng phải thực hiện dù có thích hay không. Hơn nữa, phải thanh toán đúng thời hạn. Bất cứ khi nào công ty đóng thuế không đúng hạn, nó có thể sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc kinh doanh doanh nghiệp.

Tính toán thuế

Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột về thuế cũng có thể ảnh hưởng đến tài chính. Ví dụ như tỷ giá thuế luôn thay đổi từ 12% lên 12,56% và sau đó lên 15% chỉ trong thời gian ngắn, buộc doanh nghiệp phải “trở tay” nhanh chóng để xác định khung giá vào sản phẩm/ dịch vụ của tổ chức mình. Vì vậy, cần có những nguồn dự trù và chuẩn bị cho những bất ổn bên trên.

Vì quy trình làm việc của các doanh nghiệp nhỏ đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều thiếu sót, đặc biệt đối với hoạt động quản lý tài chính, các doanh nghiệp nhỏ cần có những kiến thức vững chắc hơn để hạn chế những sai lầm và tránh những tổn thất không đáng có. Bên cạnh đó, việc quản lý tài chính tốt sẽ giúp doanh nghiệp dần dần ổn định trên thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.