5 điều cần phải tránh khi tìm kiếm đối tác

Thuyết phục các công ty lớn rót vốn cho ta là cả một vấn đề, dù ta có ý tưởng rất hay. Dưới đây 5 điều cấm kỵ mà bạn bằng mọi giá phải tránh khi giao thiệp với các ‘đại ca’ ấy.

Giao thiệp với các công ty, tập đoàn lớn có vị trí thống lĩnh trên thương trường là điều cực kỳ khó với những công ty nhỏ, nhất là những công ty mới thành lập. Ta là cây cỏ còn họ là voi, là tê giác.

Những chú voi, tê giác ấy quá ư là từng trải, họ biết cuộc sống như lòng bàn tay. Tiền, thời gian, nhân lực, vật lực là những thứ mà họ có thừa. Họ chỉ thiếu trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và lòng nhiệt huyết của những doanh nghiệp trẻ.

Tuy nhiên, thuyết phục những chú voi, tê giác này rót vốn cho ta là cả một vấn đề, dù ta có ý tưởng rất hay. Dưới đây 5 điều cấm kỵ mà bạn bằng mọi giá phải tránh khi giao thiệp với các ‘đại ca’ ấy.
1. Đúng ý tưởng sai mục tiêu 

Khi lang thang trên đất của những gã khổng lồ, ta thường dễ mất phương hướng. Thường thì những người có ý tưởng mới hay bị sa vào tay những anh chàng làm trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, kỹ thuật số… vốn đầy nhuyệt huyết nhưng ít tiền và cũng chẳng có tiếng nói gì và ý tưởng của họ nhanh chóng trôi vào quên lãng.

Muốn gặp người có tiền thực sự, hãy đến với các công ty lớn. Nếu bạn vẽ ra được một viễn cảnh tương đối ổn, bạn hoàn toàn có thể khai thác được các chương trình phát triển cộng đồng, các quỹ từ thiện, các dự án marketing… có nguồn vốn dồi dào của họ. Đừng ngại xin xỏ. Đôi khi thành công chỉ đơn giản là bạn đổ rượu cũ vào một cái bình mới mà thôi.

2. Đúng mục tiêu sai chỗ đứng

Dù bạn đã tìm được đúng mục tiêu và có đề xuất hấp dẫn, bạn vẫn cần phải đánh đúng tâm lý của đối tác. Bạn phải biết ở quy mô, phạm vi và mức độ nào thì mới có thể làm đối tác ấn tượng và thích thú. Nếu không, tất cả sẽ chỉ là công cốc.

Ví dụ, bạn nói ý tưởng của bạn có ý nghĩa vô cùng lớn và tác động đến hàng trăm người dùng nhưng đối tác lại trông đợi con số hàng triệu cơ. Tôi đã thấy điều này xảy ra với rất nhiều nhà bán lẻ– họ sẵn sàng chạy thử nghiệm bất kỳ dự án mang tính khả thi nào liên quan đến phát triển sản phẩm và dịch vụ nhưng rút cục họ lại buông tay vì quy mô mà họ mong đợi không phải là thế.
Và vì các công ty lớn có thừa tiền nên họ cũng chẳng màng khi những dự án nhỏ kéo dài quá mức cần thiết – dù rằng trong thâm tâm họ đã thoái lui lâu rồi.

3. Đúng chỗ sai người 

Một rủi ro khi thương thuyết với các công ty lớn là không gặp được người có quyền ra quyết định cuối cùng. Có cả tá người bạn gặp ở đó nhưng chỉ có một người có thể nói ‘có’ và bạn phải tiếp cận người đó bằng được. Chỉ người đó mới có thể ký cho bạn tấm séc mà bạn mong muốn.

4. Đúng người sai thời điểm

Thật ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp không chịu tìm hiểu trước về đối tác của mình như tình hình tài chính của họ thế nào, chu kì mua bán của họ ra sao. Chuẩn bị trước là việc bạn bắt buộc phải làm. Nếu không, bạn sẽ chọn thời điểm sai lầm và đặt dấu chấm hết cho mọi thứ. Với đối tác, việc bạn xuất hiện không đúng lúc là bằng chứng rõ ràng cho thấy bạn chẳng hiểu gì về họ và công việc của họ. Đừng bao giờ mắc những sai lầm nghiệp dư như thế.

Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có ngoại lệ. Khi mà mối quan hệ của bạn với đối tác đã gắn bó đến một mức độ nào đó, rất có thể họ sẽ làm bạn bất ngờ khi cho bạn biết rằng tuy họ đã sử dụng hết ngân quỹ nhưng họ vẫn có khoản tiền dư dật ở đâu đó mà họ cần tiêu để tránh bị cắt giảm ngân sách cho năm sau. Lúc ấy, hãy ôm tiền và chạy cho nhanh.

5. Đúng thời điểm sai điệu

Đôi khi bạn sẽ thua khi bạn chỉ chăm chăm lăng xê mình mà quên không chỉ ra cho đối tác thấy thương trường khốc liệt thế nào và nếu họ không nắm lấy cơ hội hiếm hoi này, các đối thủ của họ sẽ nẫng mất và cho họ ra rìa ra sao.
Một ví dụ mà tôi rất thích cho thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội hợp tác thay vì để bị rớt lại phía sau. Đó là chuyện về American Express.

Chuyện xảy ra từ những ngày đầu của chương trình thưởng dặm cho những người bay thường xuyên. Một tay cực kỳ thông minh của hãng hàng không American Airlines đã nảy ra sáng kiến dùng chương trình tích điểm dặm bay để khuyến khích người ta mua vé máy bay, mua hàng ưu đãi qua thẻ tín dụng, thuê xe và nhiều thứ khác nữa. American Airlines nhanh chóng và lặng lẽ bắt tay với MasterCard. Hãng hàng không United Airlines cũng bắt tay với Visa. Thế là còn lại mỗi American Express lẻ loi không có ai đủ lớn và đáng tin cậy làm bạn. Chỉ trong vài năm, lượng người dùng thẻ Visa tăng vọt lên 30 triệu người trong khi Amex chỉ có 9 triệu chủ thẻ. Sự chậm chạp của American Express đã khiến công ty này mất cơ hội kiếm hàng triệu khách hàng và hàng tỷ đô la doanh thu.

Nguồn: kienthuckinhte.com