Otsu Shuichi, một ý tá Nhật Bản chuyên chăm sóc những người sắp mất, đã từng chứng kiến hơn 1000 trường hợp bệnh nhân viết thư tuyệt mệnh.Cô đã biên soạn những lá thư này thành một cuốn sách, đặt tên là: “5 điều bạn sẽ hối tiếc trước khi chết”.
Điều thứ nhất: Không làm việc mình muốn làm.
Một số người bị ràng buộc bởi kiếm sống, gia đình, địa vị xã hội, họ đã luôn làm những việc mà xã hội yêu cầu họ làm, nhưng lại quên mất tiếng nói từ nội tâm của mình, họ không ngừng kìm nén chúng, cho đến khi chúng không còn xuất hiện nữa.
Điều thứ hai: Cả đời sống theo cảm xúc.
Họ cười giễu, khóc lóc, la hét vì một việc nhỏ nhặt, luôn trong trạng thái không thoải mái, ảnh hưởng bản thân, cũng ảnh hưởng luôn cả người khác. Đến lúc gần chết đi, họ đột nhiên nhận ra: những việc hàng ngày khiến mình buồn bực, đau khổ, lo lắng, buồn bã, giận hờn, những việc khiến mình đạt đến giới hạn chịu đựng đều rất nực cười và không xứng đáng.
Điều thứ ba: Hầu hết thời gian đều dành cho công việc.
Nhìn lại cuộc đời mình, họ nhận ra mấy chục năm nay bản thân đều vùi đầu vào công việc; nhận ra câu nói hay nhất của mình đều là nói cho lãnh đạo và khách hàng nghe; nhận ra người bên cạnh mình lâu nhất là đồng nghiệp; nhận ra thứ mình nhìn ngắm lâu nhất là chiếc máy tính. Đây thật sự là một điều đáng buồn.
Điều thứ tư: Không có một chuyện tình sâu sắc.
Chúng ta nên có một tình yêu như thế này: không nhất thiết phải bên nhau đến già, không nhất thiết phải lập gia đình sinh con, chỉ cần thời điểm đó, chúng ta đã yêu một cách chân thành và nồng nhiệt. Ký ức sâu sắc này sẽ được viết vào nhật ký, khắc ghi trong tâm trí của bạn, ngay cả lúc chẳng còn trẻ trung nữa, khi nhớ lại khoảnh khắc cùng nhau ngắm hoàng hôn, cũng đủ khiến bản thân mỉm cười.
Điều thứ năm: Không thể đi du lịch những nơi mà mình muốn đến.
Cực quang ở Iceland, rừng mai ở Tân Cương, vườn quốc gia Grand Canyon của Mỹ, bãi biển Maldives, vùng non nước Tây Tạng… Bạn đã đặt chân đến thế giới này, nhưng chưa kịp nhìn ngắm những phong cảnh xinh đẹp của nó thì đã rời đi rồi, bạn không cảm thấy hối tiếc sao?
Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời: Những việc mà ai cũng nên làm trong đời
Jobs đã từng hỏi mọi người: “Nếu như phải sống như ngày mai sẽ chết, bạn sẽ sống như thế nào?” Không ai trả lời cả. Anh P cũng đã từng hỏi bản thân: “Nếu cuộc đời chỉ còn lại 100 ngày, tôi nên sống như thế nào?”
Tôi không biết liệu bạn đã từng tự hỏi mình hay không, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều nên làm như vậy: Nếu như ngày mai sẽ chết, tôi nên sống như thế nào và với ai? Tôi nên dành những ngày cuối cùng ở nơi nào? Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, mới là cách sống tốt nhất.
Đứng ở góc độ cái chết để quan sát thật kỹ cuộc sống mà chúng ta sẽ phải trải qua. Chỉ khi bạn đặt mình vào phần cuối của cuộc đời để nhìn lại những việc đã qua, bạn mới có thể có cái nhìn thông suốt đối với một số việc, mới có đủ can đảm để làm những điều bạn thật sự muốn làm. Nếu không thì, phải đặt dấu chấm hết trong sự hối tiếc, là một kết cục buồn bã nhất.
Vậy nên
Trong đời này nhất định phải yêu ai đó hết lòng
Mỗi người nên có cho mình một tình yêu mà bản thân có thể hy sinh tất cả vì nó. Anh Q yêu cô V đã 6 năm, hay tin cô V quyết định ra nước ngoài sinh sống, anh dứt khoát từ bỏ sở thích của mình, cùng cô V đi đến đó.
Anh biết sự quyết tâm của người mình yêu, nên đã tìm trước một công việc ở nước ngoài, chờ đợi cô V. Vì tình yêu có thể từ bỏ mọi thứ. Từ đam mê, sở thích đến kế hoạch trong tương lai… đều thay đổi theo người đó. Tình yêu này đơn giản mà lại chân thành.
Một nhà văn khi nhớ lại tình yêu 4 năm đại học, điều khiến cô khắc ghi sâu sắc nhất là mỗi tối bạn trai đều đưa cô về, viết cho cô những lá thư đầy yêu thương. Đúng 4 năm, đúng 1.460 lá thư.
Tôi rất thích câu nói: “Tình yêu không phải là một xúc cảm tích cực làm người khác thích thú, dù là nồng nhiệt, cố chấp hay bình yên đến nỗi nhạt nhẽo thì cũng là tình yêu, quan trọng là, bất kể khó khăn hay chia cách, bàn tay của cả hai vẫn nắm lấy nhau.”
Một tình yêu không cần phải bên nhau đến cuối đời, không cần phải đặt dấu ấn trên giấy chứng nhận kết hôn; một tình yêu viết vào trang nhật ký, khắc ghi vào tâm trí, đến lúc tuổi già nhớ lại, cảm thấy cuộc đời này không hối tiếc.
Nhất định phải nhìn ngắm vẻ đẹp của thế giới này nhiều hơn
Norma, một cụ già 90 tuổi ở Michigan, Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Cụ già không muốn phải dành phần còn lại của cuộc đời mình trong bệnh viện, cụ đã từ bỏ việc điều trị, bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh đất nước ở tuổi 90.
Cụ lấy hết số tiền mà mình tiết kiệm được để làm một chiếc RV, cùng với con trai và con dâu của mình đi khắp nước Mỹ.
Cụ viết rằng: “Tôi sống đến 90 tuổi, nhưng vào khoảnh khắc đi đến phần cuối cuộc đời, tôi mới chợt nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian. Mỗi ngày tôi làm việc hơn 10 giờ đồng hồ, tôi phải chăm sóc gia đình, tôi đã dành quãng thời gian đẹp nhất cho công việc và gia đình. Còn bản thân tôi đến với thế giới này, vất vả gần 90 năm, mới suy nghĩ đến việc nhìn ngắm thế giới nhiều hơn.”
Khi bạn đang ngồi gõ máy tính thì cá tuyết Alaska đang nhún nhảy trên mặt nước. Khi bạn đang đọc báo cáo thì chú khỉ vàng của vùng núi tuyết Mai Lý đã leo đến ngọn cây.
Khi bạn chen chúc trên xe buýt thì những cánh chim ưng đang bay lượn giữa những tầng mây Tây Tạng. Khi bạn tranh luận trong cuộc họp, thì tại Nepal, vài vị khách du lịch đang nâng rượu vang ngồi bên lò sưởi.
Đó là con đường mà những ai mang giày cao gót không thể đi đến, là bầu không khí mà những ai ngào ngạt hương nước hoa không thể tận hưởng, là một số người bạn thú vị mà những ai nhốt mình trong văn phòng mãi mãi không thể gặp gỡ.
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất ngớ ngẩn, nhưng thật sự đã có người làm như vậy.
Suy cho cùng, nếu hôm nay là ngày cuối trong đời, bạn không thể chỉ đến với thế giới này để nhìn nhà cao tầng và cầu cạn, chỉ thấy ánh đèn ở đuôi xe và đèn neon, chỉ thấy nét mặt của sếp và các đồng nghiệp.
Cực quang ở Iceland, đêm đầy sao ở Tây Tạng, bầu trời xanh của Nepal… đều nên được bạn nhìn ngắm.
Làm việc vì đam mê
Thế nào gọi là đam mê? Là khi ta làm một điều gì đó mà không hề quan tâm đến công danh lợi lộc, không dựa vào nó để kiếm tiền, lấy lòng người khác. “Tôi làm nó chỉ vì tôi thích, chỉ vì tôi muốn làm.” Ông nội từng kể cho tôi nghe chuyện về một cụ già trong làng thích đàn nhị từ hồi còn rất trẻ.
Tuy cụ già kéo đàn rất hay, nhưng cụ lại có một sở thích kỳ lạ, cho dù cuộc đời có nghèo, có mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, cụ không bao giờ lấy việc kéo đàn nhị để kiếm sống. Người ta bảo cụ ngốc, có tiền lại không muốn kiếm.
Cụ già nói rằng: “Không thể dùng niệm tưởng (những việc đáng để nhớ nhung, suy nghĩ, hoài niệm đến) kiếm tiền.” Sau này con cái đều đã trưởng thành, đưa cụ già đến sống ở thành phố, trong một khu nhỏ với ông tôi. Mỗi tối ông tôi đều nhìn thấy cụ mang theo một cây đàn nhị và một cốc trà, ngồi trong một ngôi đình.
Cụ uống một ngụm trà trước, sau đó bắt đầu kéo đàn nhị. Ông tôi sống mấy chục năm trong khu nhỏ này thì cụ kéo đàn chừng ấy năm, ngày qua ngày vẫn không dứt. Cách đây một thời gian, cụ già đã qua đời, cụ ra đi rất yên bình, nằm trên chiếc giường của bệnh viện, cụ vẫn cầm đàn nhị trong tay. Đó chính là niệm tưởng cả đời của cụ. Một nhà văn nổi tiếng đã nói: “Những ai không có sở thích, cũng sẽ không có tính nết thật sự.”
Đam mê là chỗ dựa cùng cực trong lòng một người, là một loại mong muốn vô cùng mãnh liệt trong cuộc sống. Nó không thể được sử dụng để kiếm tiền, cũng không thể được sử dụng để khoe khoang. Có lẽ đối với người khác, nó hoàn toàn không có giá trị, nhưng trong lòng bạn, nó là vô giá.
Như thi sĩ Đào Uyên Minh say mê hoa cúc, Lý Bạch thích rượu, Tô Đông Pha yêu hàng trúc xanh… những điều này đều là đam mê. Mỗi người thường có quãng thời gian đơn độc một mình ít nhất là một phần ba cuộc đời. Không có đam mê, cuộc đời trống rỗng; có đam mê, cuộc đời đủ đầy.
Bình tĩnh chấp nhận cái chết
Tôi có ấn tượng cực kỳ sâu sắc với một chương trình về tuổi trung niên. Trong phòng chăm sóc đặc biệt cho những tình trạng nghiêm trọng, một bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối, nhiều cơ quan trên cơ thể không thể nào hoạt động bình thường được nữa, cô ấy phải phụ thuộc vào các loại thiết bị khác nhau để duy trì sự sống.
Cơ thể của bệnh nhân này được cắm vài chục loại ống dẫn khác nhau, có ống thở oxy, ống truyền máu, các loại chất lỏng đi ra khỏi cơ thể, thông qua quá trình xử lý bằng thiết bị, lại đi vào cơ thể. Bệnh nhân được tiêm thuốc an thần, nằm bất động trên giường. Nhưng vào lúc này, ý thức của họ rất tỉnh táo: “Mặc dù không thể cử động, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ cơ thể của mình đang được cắm đủ loại ống dẫn, những chất dịch đi ra rồi lại đi vào cơ thể của tôi.”
Sau một thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhân nữ đã có đôi chút cải thiện. Các thành viên gia đình được phép vào thăm.
Bệnh nhân nữ rơi nước mắt, dùng hết sức lực của mình hét lên với chồng: “Ông cút đi, ai bảo ông chữa trị cho tôi chứ, ông thử nằm ở đây xem, tôi không muốn điều trị nữa, tôi sống không bằng chết.”
Tác giả đã viết rằng: “Nếu một ngày nào đó tôi cũng như thế này, bị ung thư, tôi thà chết còn hơn, tôi không muốn tự giày vò mình trong căn phòng đó, điều đó chẳng khác nào đang chi tiền để đi xuống địa ngục.”
Anh ấy đã gọi điện cho người thân của mình: “Có tiền cứ chi tiêu, hãy nhanh chóng tiêu hết đi, muốn ăn gì cứ ăn, muốn du lịch nơi nào thì du lịch, hãy cứ làm những gì mình muốn. Tôi thà tiêu hết tiền, cũng không bao giờ chi cho phòng chăm sóc đặc biệt.”
Chúng ta cất tiếng khóc chào đời đến với thế giới này, nhưng ít ai có thể ra đi trong yên bình, hầu hết đều là không nỡ, đều là rơi nước mắt hối tiếc, hầu hết đều muốn chi một số tiền lớn, phạm một lỗi lầm lớn nào đó với mong muốn bản thân có thể vãn hồi dù chỉ là nửa năm cuộc đời. Vì sao một số người lại làm như vậy? Bởi vì họ đã có quá nhiều sự hối tiếc.
Họ dành cả đời dõi theo ánh đèn neon, nhưng chưa bao giờ thấy được một bầu trời đầy sao, việc này có hối tiếc hay không? Vì chuyện kết hôn, họ tìm một đối tượng phù hợp để ở cạnh, nhưng chưa bao giờ có một cuộc tình sâu sắc, việc này có hối tiếc hay không? Cả đời này họ mỉm cười vui vẻ với người lạ, còn với người nhà thì luôn trưng ra bộ mặt cau có, việc này có hối tiếc hay không?
Chuyến hành trình đẹp của cuộc đời là phải nhân cơ hội khi còn sống, làm hết những việc mà mình muốn làm, sau đó chấp nhận cái chết một cách bình tĩnh.
Giá trị thật sự của cuộc đời
Anh B có sở thích leo núi, anh rất nổi tiếng trong nước, thích thử thách bản thân với những ngọn núi băng có độ khó cao. Đầu năm 2016, trong một chuyến leo núi, bởi vì dụng cụ xảy ra sự cố khiến anh rơi xuống vách đá tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, dân mạng thi nhau mắng chửi: “Người này đi tìm đường chết hay sao ấy! Đầu năm đầu tháng, không ở nhà ăn chơi, lại đi leo núi băng! Rõ ràng là đi tìm đường chết mà. Nằm ngủ ở nhà thoải mái biết bao!”
Bạn bè của anh B đã đăng lên Facebook rằng: “Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở độ dài mà là nằm ở độ dày. Nếu như để cuộc sống của tôi phải trải qua với những bữa tiệc linh đình nhạt nhẽo, với âm thanh hò reo trong những ván bạc thì xin lỗi, tôi thà chết trên sông băng.”
Ý nghĩa của cuộc sống từ trước đến nay chưa bao giờ phụ thuộc vào việc bạn ở lại thế giới này bao lâu, mà là phụ thuộc vào những năm tháng tuổi già, bạn nhìn ngắm hoàng hôn, ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, liệu bạn có thể hài lòng nói rằng: “Cuộc đời này của tôi, đủ đầy lại tươi đẹp, tôi đã sống một cuộc đời đáng sống.”
Thậm chí nếu mũi tiêm trẻ lại 30 tuổi thật sự có hiệu quả, người ta cũng không hẳn có đủ sự tự tin để nói ra câu nói này.
Xin đừng ngồi đó suy nghĩ nữa, hãy cho bản thân một chút dũng khí, hãy sống hết mình hơn, đừng lo lắng, đừng ngại rắc rối và khó khăn. Dưới ánh hoàng hôn, tôi hy vọng bạn có thể hài lòng nói với chính mình: “Tôi đã sống một cuộc đời đáng sống.”
Sưu tầm