Bạn thuộc số ít nếu bạn không chiến đấu để thay đổi triệt để. Nhưng bạn không nhất thiết phải như vậy. Dưới đây là cách giúp bạn tạo ra những thay đổi trong cuộc sống và công việc một cách có phương pháp hơn.
Hãy nhận ra giọng nói nhỏ đó và tự tạo ra sự thay đổi tích cực thay vì chờ đến lúc nhận hậu quả về sự sợ hãi và
trì hoãn của mình rồi mới thay đổi
Tôi đang nhâm nhi một ly rượu ngon với một người bạn thì cô ấy nói một câu chẳng ăn nhập với hoàn cảnh: “Nếu tớ mà bị ung thư, tớ sẽ tập thể dục nhiều hơn, chẳng ăn gì ngoài rau xanh và các thực phẩm tốt cho sức khỏe và thiền hằng ngày”. Phải mất một lúc chúng tôi mới thấy điều cô ấy vừa nói thật kỳ cục. Tại sao phải chờ đến lúc bị ung thư thì mới tạo ra thói quen sống lành mạnh? Phải chăng sự thay đổi như vậy dễ làm nản lòng đến nỗi chỉ khi mắc phải căn bệnh đe dọa sự sống thì điều đó mới xảy ra?
Đáng buồn là việc này luôn xảy ra. Với một số người, những thay đổi quan trọng trong cuộc đời chỉ tới khi gặp khủng hoảng. Chúng ta có khả năng thích ứng với bất cứ điều gì khi chúng ta bắt buộc phải làm như vậy. Nhưng không biết làm sao chúng ta lại thấy dễ dàng hơn khi đắm mình trong đau khổ hoặc đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hơn là chỉ đơn giản thay đổi.
Gần đây, tôi đã nói chuyện với một khách hàng, cô ấy phàn nàn rằng cảm thấy quá mệt mỏi với những việc liên quan tới con đường dẫn tới các mục tiêu và mơ ước của mình. Cô kể lể tất cả những việc cô muốn làm kèm với các lý do tại sao cô không thể hoàn thành chúng. Nhưng hầu hết các mục tiêu của cô đều có thể đạt được, vì thế tôi đã hỏi: “Liệu những lời lẽ này có thực sự đúng hay chúng chỉ là những cái cớ?”. Lần này thì không còn tiếng cười nữa, chỉ có một sự thật đáng buồn là tư duy của cô ấy đầy sự tiêu cực, sợ hãi khi nghĩ đến sự thay đổi. Tin tốt là nhận thức mới được phát hiện của cô ấy đã giúp cô có được quan điểm khá hơn và tôi không nghi ngờ gì về khả năng cô sẽ có những thay đổi tích cực.
Khi bạn kể lể những lý do trì hoãn của mình với ai đó, thường lúc đó là lúc bạn nhận ra chúng thật là kỳ cục. Nhưng bạn đã quá dựa dẫm vào niềm tin của mình đến nỗi phớt lờ giọng nói nhỏ bên trong đang nói rằng: “Thật vậy không? Ngươi biết tất cả đều vô lý, ngươi chỉ sợ thôi!”.
Hãy nhận ra giọng nói nhỏ đó và tự tạo ra sự thay đổi tích cực thay vì chờ đến lúc nhận hậu quả về sự sợ hãi và trì hoãn của mình rồi mới thay đổi. Dưới đây là cách giúp bạn kiểm soát tốt sự thay đổi.
Hãy thực tế
Doanh nhân thì phải nghĩ lớn, nhưng đôi lúc điều này lại là nhược điểm. Liệu có thực tế không khi bạn định tăng mức thu nhập của mình thêm 33%, giảm đi 50 pounds cân nặng, dành nhiều thời gian hơn với gia đình, bắt đầu một chế độ tập luyện, thay đổi chế độ ăn của mình và xây dựng, ra mắt 6 sản phẩm mới trong vòng 6 tháng? Có thể là không, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết nhiều người tự đưa mình vào thế thất bại khi tin tưởng vào nó. Hãy thực tế đi bạn. Chắc chắn, chúng ta sẽ đạt được ước mơ và vươn tới các vì sao, nhưng trước tiên hãy rèn luyện khả năng đạt được thành công của bạn đã.
Hãy đơn giản
Thay vì sống dưới sức nặng của những kỳ vọng không thực tế, hãy bắt đầu với một danh sách ngắn những việc bạn muốn thay đổi hoặc đạt được trong một khoảng thời gian thực tế. Đừng làm quá. OK, bây giờ bạn muốn mọi thứ nhưng bạn phải bắt đầu từ việc nào đó. Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng bạn có thể sống với những lý do trì hoãn kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm? Rồi sau đó đến một ngày bạn nhận ra rằng nếu bạn chia nhỏ mục tiêu của mình thành từng phần nhỏ và giải quyết từng phần một, thì giờ đây bạn đã hoàn thành nó? Hãy thật đơn giản; Không việc gì phải đặt ra những mục tiêu hoành tráng và đồ sộ. Khi bạn gạch đi những mục tiêu nhỏ hơn, đã hoàn thành trong danh sách của mình, bạn sẽ có động lực và niềm tin. Đạt được một hoặc hai việc trong 6 tháng thì tốt hơn là chẳng đạt được việc gì cả!
Hãy có trọng tâm
Tạo nên một danh sách những việc phải làm có thể ngăn bạn đạt được các mục tiêu, nhưng đừng dừng lại ở đó. Giờ hãy tạo nên một danh sách những giải pháp và nguồn lực có thể tận dụng và sử dụng chúng để tạo ra một môi trường hỗ trợ. Nếu bạn yêu cầu được giúp đỡ và sẵn sàng điều chỉnh cách thực hiện mọi việc của mình, bạn sẽ thấy điều gì cũng có thể thực hiện được.
Tôi nhắc lại một lần nữa: tốt nhất là bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Tạo dựng nền móng từ những thành công nhỏ hơn là thất bại với những mục tiêu đầy tham vọng và hoành tráng. Bạn sẽ dễ tạo ra những thay đổi và cải thiện cuộc đời và sự nghiệp của mình từng bước một, còn hơn là chẳng làm được gì cả.
(Dịch từ Inc)