Bạn có biết khi nào bạn bắt đầu rời xa dần thành công và những ước mơ mà bạn đã từng khao khát đạt được không?
Khi bạn duy trì thói quen sống thoải mái.
Tại sao lại như vậy?
Hầu hết mọi người thường theo đuổi cuộc sống thoải mái và coi đó là ưu tiên hàng đầu của mình. Một cuộc sống thoải mái, công việc ổn định, không có nhiều vấn đề phải giải quyết vẫn được coi là đáng để mơ ước.
Thực tế có đúng như thế không?
Trừ phi bạn đã đạt được hết những ước mơ của cuộc đời mình. Còn không thì sống thoải mái là một cạm bẫy ngọt ngào sẽ giữ bạn dậm chân tại chỗ. Hãy đọc đoạn viết sau của T. Harv Eker:
“Chưa từng có ai chết vì không thoải mái, nhưng sống trong danh nghĩa của sự thoải mái đã giết chết nhiều ý tưởng, nhiều cơ hội, nhiều hành động và nhiều sự phát triển hơn tất cả mọi thứ cộng lại. Sự thoải mái làm chết hết mọi thứ! Nếu mục đích của bạn trong cuộc sống là được thoải mái, tôi đảm bảo ba điều:
Thứ nhất, bạn sẽ không bao giờ giàu có.
Thứ hai, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc.
Thứ ba, bạn không bao giờ biết tại sao bạn lại không hạnh phúc và giàu có.
Hạnh phúc không đến từ cuộc sống thờ ơ, lãnh đạm, luôn thắc mắc xem nó sẽ phải là cái gì. Hạnh phúc đến như là kết quả của việc sống trong tình trạng phát triển tự nhiên và sống theo hết khả năng của chúng ta.
Sống thoải mái có thể làm bạn cảm thấy ấm cúng, mờ ảo và an toàn, nhưng nó không cho phép bạn phát triển. Để phát triển như một cá nhân bạn phải mở rộng vùng thoải mái của mình. Khoảng thời gian duy nhất bạn thực sự phát triển là khi bạn ra ngoài vùng thoải mái của mình.”
Lý do tại sao bạn lại thích sống thoải mái?
Vì làm những điều bản thân chưa bao giờ làm thường khiến người ta lo lắng và sợ hãi. Như trong việc làm giàu chẳng hạn: tại sao tỷ lệ người giàu trong xã hội rất ít? Vì khi làm giàu sẽ đem lại những cảm giác sợ hãi “khủng khiếp”, bạn cứ thử hỏi những người đã theo đuổi việc làm giàu nhưng đã bỏ cuộc xem. Nghịch lý ở đây là: nếu chỉ làm những việc ổn định, thoải mái thì làm sao bạn có thể giàu được? còn nếu không giàu thì làm sao có thể cảm thấy thực sự thoải mái và an toàn trong cuộc sống như hiện nay?
Những người thành công biết rất rõ rằng: nếu muốn những điều họ chưa bao giờ có thì họ phải làm những việc mà họ chưa bao giờ làm. Thế nên họ đã tập cho mình thói quen hành động bất chấp sợ hãi:
“Người nghèo và tầng lớp trung lưu không thích cảm giác không thoải mái. Do đó, họ không dám thay đổi. Đúng là được cảm thấy thoải mái là quyền lợi của mỗi người. Tuy nhiên, xin tiết lộ với các bạn một bí mật của người giàu: thoải mái, an nhàn sẽ không giúp ta phát triển được. Để phát triển, ta phải mở rộng “vùng thoải mái”.
Bạn thử nghĩ mà xem, khi bạn thử một vật gì mới, chẳng hạn như: quần áo mới, đầu tóc mới hoặc tiếp xúc với người mới… bạn có cảm thấy thân thuộc và thoải mái hay không? Thường là không. Tuy nhiên sau đó thì sao? Càng thử, càng thấy thoải mái. Đó là quy luật. Mọi việc đều không thoải mái ban đầu, nhưng sau khi vượt qua giai đoạn không thoải mái, ta sẽ được thoải mái. Khi đó, bạn cũng sẽ bước sang một cấp bậc mới.
Nói cách khác, khi bạn cảm thấy không thoải mái một chút, có nghĩa là bạn đã và sẽ trưởng thành thêm một chút.
Nếu muốn làm giàu, nếu muốn thành công trong cuộc sống, bạn phải luôn sẵn sàng ở trong trạng thái không thoải mái.
Hãy tập thói quen làm những điều mình không thích, đó là một bí quyết của người giàu. Phải làm sao biến vùng “không thoải mái” trở thành vùng thoải mái.
Khi bạn có thể nhanh chóng thích nghi với trạng thái không thoải mái, bạn sẽ dễ dàng đón nhận những cơ hội mới để làm giàu. Người giàu luôn biết chấp nhận để phát triển – T. Harv Eker.
Làm thế nào để khắc phục được điều này?
Hãy đọc lại bài viết này để nhận ra cách thức khắc phục: Luật Thói quen
Chỉ có nhận thức đúng đắn về thành công rồi bắt tay vào hành động mới giúp bạn tiến gần tới những ước mơ của mình. Hãy thay đổi nhận thức của bạn và đừng bỏ phí cuộc đời của mình.
Chúc bạn chiến thắng được chính mình!
“Lòng can đảm giúp chúng ta chống lại nỗi sợ hãi, tìm cách khống chế nó, chứ không phải giúp chúng ta chối bỏ sự tồn tại của nó”.
Mark Twain
“Can đảm đôi khi chẳng có gì khác hơn ngoài việc sẵn lòng từ bỏ những điều quen thuộc”.
John C. Maxwell