Đã 8 năm kể từ khi giành danh hiệu vô địch Premier League, Arsenal vẫn đang trầy trật tìm cách vươn lên vị trí dẫn đầu trên đấu trường Ngoại hạng.
Nhưng khó khăn của Arsenal không hề làm giảm đi tình yêu của người hâm mộ cũng như triển vọng tài chính của đội bóng này.
Tom Fox, Giám đốc Thương mại của Arsenal, rất tự tin vào tiềm năng tài chính trong dài hạn của đội bóng.Theo ông, nhiệm vụ khó khăn nhất của Arsenal là giữ cho được người hâm mộ cũ và phát triển thêm người hâm mộ mới. Fox cho biết đội bóng không thể sống dựa vào những nhà hảo tâm giàu có và các đầu tư triệu phú. Arsenal đã tạo ra doanh thu dựa trên nỗ lực và tên tuổi của một câu lạc bộ tầm vóc quốc tế.
Trong một thời gian dài, giới quan sát và người hâm mộ đã không ngừng thúc giục Arsenal mua thêm tài năng mới để chạy đua ngôi vị với các câu lạc bộ khác tại Anh và châu Âu. Thế nhưng đáp lại sự nôn nóng đó, Arsenal vẫn bình tĩnh đưa ra một sách lược khôn ngoan và đúng đắn: điều hành câu lạc bộ như một doanh nghiệp.
Theo Fox, Câu lạc bộ vẫn phát triển trong thời gian chạy đua khốc liệt.
Sau hợp đồng tài trợ áo và sân thi đấu với hãng hàng không Emirates, có thể nói Arsenal đã chi tiêu háo phóng hơn. Hợp đồng quảng bá trị giá 150 triệu bảng Anh cho phép Arsenal nghĩ tới việc mua các cầu thủ hàng đầu và trả lương cho đội ngũ siêu sao mới. Huấn luyện viên Arsene Wenger đã chờ cho đến ngày chót của thời hạn chuyển nhượng để ký hợp đồng với tiền vệ Mesut Ozil với cái giá không hề nhỏ, 50 triệu euro.
Là người đứng đầu bộ phận tiếp thị và kinh doanh của Arsenal, Fox phải đối mặt với không ít khó khăn và sức ép do người hâm mộ tạo ra. Tuy nhiên, Fox cho biết Arsenal không thi đấu vì tiền mà với mục tiêu làm cho người hâm mộ luôn tự hào về đội bóng và Fox luôn tâm niệm điều này khi thực hiện các chương trình quảng bá và kinh doanh cho Câu lạc bộ. Chính vì muốn duy trì việc chơi loại bóng đá đẹp mắt, Arsenal đã từ chối nhiều chương trình tài trợ lớn, song song với đó là sức ép từ các ông chủ lắm tiền đến từ nước ngoài. Không được chi bạo tay như Chelsea hay Man City, Fox hiểu rằng Arsenal cần có sự tinh tế nhất định để có thể vừa giữ chân người hâm mộ vừa có thể kinh doanh.
Lượng người hâm mộ nước ngoài của Arsenal tăng trong năm qua đã giúp Câu lạc bộ thu hút thêm một lượng quảng cáo đáng kể từ một số thương hiệu lớn. Ngày nay, với nhiều câu lạc bộ thể thao và vận động viên, tài trợ của các thương hiệu là một trong các nguồn thu quan trọng, nếu không nói là doanh thu chiếm tỉ trọng áp đảo trong tổng doanh thu. Ngoài đối tác Emirates, Arsenal cũng quan hệ chặt chẽ với các nhà tài trợ khác như Nike, Carlsberg hay Citroen và một số đối tác tại châu Phi và châu Á.
Các mối quan hệ song phương này còn giúp Arsenal quảng bá thương hiệu của chính mình. Fox đứng trong một vòng tròn kinh doanh: người hâm mộ hài lòng và ngày một đông hơn, Câu lạc bộ có thêm nguồn quảng cáo của doanh nghiệp, từ đó có thêm chi phí để mua cầu thủ và bán quảng cáo cho các thương hiệu lớn, từ các thương hiệu này, Arsenal được biết tới nhiều hơn và nhiều người hâm mộ hơn…
Việc cân bằng giữa người hâm mộ tại quê nhà với việc làm hài lòng các fan quốc tế cũng là một thách thức đối với Arsenal khi nhóm cổ động viên này cũng có nhu cầu gặp mặt thần tượng và luôn đồng hành cùng các hoạt động của Arsenal. Theo Fox, Câu lạc bộ có nhiều người hâm mộ hơn sẽ có nguồn doanh thu quảng cáo tốt hơn, từ đó có thêm tiền để cải thiện chuyên môn và giữ vững được niềm tin của người hâm mộ Anh. Kinnear, cựu Giám đốc mảng marketing tại Anh của Arsenal, chia sẻ người hâm mộ Anh thường chọn đội bóng yêu thích từ khi còn rất nhỏ. Hầu hết mọi người sẽ chọn đội bóng dựa trên lòng trung thành và truyền thống gia đình.
Tỉ phú Mỹ Stan Kroenke, người tham gia quản lý và là một trong những cổ đông lớn nhất của Câu lạc bộ, cho biết Arsenal là một đội bóng ấn tượng nhờ bề dày lịch sử và truyền thống. Đây sẽ là một trong những ấn tượng lớn nhất đối với người hâm mộ và là niềm tự hào không thể xây dựng được ngày một ngày hai.
Theo NCĐT